221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
763462
"Cấp mã mạng di động mới là phương án hợp lý nhất!"
1
Article
null
Vụ trưởng Vụ Viễn thông - Bộ BCVT:
'Cấp mã mạng di động mới là phương án hợp lý nhất!'
,

(VietNamNet) - Cho tới thời điểm này, hai mạng di động VinaPhone và MobiFone đã chính thức được cấp thêm hai mã mạng mới. VietNamNet đã có cuộc trao đổi riêng với ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn thông (thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông) xung quanh việc cấp mã mạng mới cho hai nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động này.

PV VietNamNet - Xin ông cho biết quan điểm về ý kiến cho rằng chính vì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đã "thiếu tầm nhìn xa" cho sự phát triển mạng di động của mình nên mới dẫn tới tình trạng phải thêm đầu số hoặc đổi số điện thoại như hiện nay?

Soạn: AM 700329 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Ông Phạm Hồng Hải: Cấp thêm mã mạng mới là cách lựa chọn hợp lý nhất cho các mạng di động.

Ông Phạm Hồng Hải- Điều này là không đúng. Thực ra khi cấp mã mạng cho mạng di động đầu tiên vào năm 1993, Tổng cục Bưu điện trước đây (nay là Bộ BCVT) và bản thân doanh nghiệp cũng đã lường trước được vấn đề này chứ không phải lúc đó chúng tôi không nghĩ ra mạng sẽ lên chục triệu thuê bao. Một số người nói tại sao lại không đặt ra độ dài số thuê bao di động là 10 chữ số đi, chắc chắn sẽ đảm bảo được kế hoạch đến tận 20 năm sau, việc gì mà cứ sử dụng 6 chữ số rồi một thời gian lại đổi thành 7 chữ số song như vậy thực chất là chưa sử dụng hiệu quả kho số điện thoại.

Hãy thử làm phép tính nhẩm, mỗi người sử dụng thay vì chỉ ấn 10 lần (chữ số 0 + 2 chữ số mã mạng + 7 chữ số thuê bao) mỗi lần gọi lại phải ấn đến 13 lần (vì 10 chữ số thuê bao) thì tổng cộng trong bằng ấy năm sẽ tốn kém biết chừng nào thời gian của toàn xã hội. Ngoài ra, thêm một chữ số là thêm một ký tự cần truyền thêm trên mạng viễn thông để thiết lập nên mỗi cuộc gọi và tổng đài phải thêm thao tác xử lý... Vì vậy, làm sao sử dụng ít nhất số chữ số thuê bao, tức là sử dụng hiệu quả nhất kho số điện thoại, nhưng đồng thời lại phải đảm bảo không thay đổi số trong một thời gian quá nhanh là điều mà chúng tôi đã phải tính đến. Bởi vì mỗi lần thay đổi số cho hàng loạt thuê bao thì mọi địa chỉ liên lạc lại phải thay đổi lại gây nên tốn kém cho toàn xã hội.

- Vậy, Bộ đã cân nhắc như thế nào khi quyết định cấp thêm mã mạng mới cho VinaPhone và MobiFone?

- Trước hết cần phải nói đến khái niệm sử dụng hiệu quả tài nguyên kho số viễn thông. Theo tôi, như thế nào là sử dụng hiệu quả nhất kho số điện thoại thực chất là một vấn đề không đơn giản nên không dễ có lời giải đáp. Bởi điều này phụ thuộc vào sự phát triển thực tế của mỗi nước. Trên thế giới, mỗi quốc gia đều có quy hoạch kho số viễn thông của mình. Và thông thường cứ khoảng 5 năm hoặc mươi năm tuỳ theo sự phát triển thì mới phải tính đến việc đổi số hoặc thêm đầu số mới cho một số lượng thuê bao nào đó một lần.

Còn với Việt Nam, trước tình hình đã có những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động hết số, với việc đưa ra các phương án mở rộng kho số, ngoài một vài phương án tính khả thi không cao, tựu trung lại có hai phương án được xem là khả thi: thứ nhất, nâng thêm độ dài số thuê bao, thực chất là thêm một chữ số vào số thuê bao, hiện nay đang là 7 chữ số sẽ thành 8 chữ số; thứ hai là phân bổ thêm mã mạng mới cho các mạng di động đã sử dụng gần hết kho số đã được phân bổ.

Phương án thứ nhất, tăng thêm độ dài số thuê bao có ưu điểm đảm bảo mỗi mạng chỉ có một mã mạng duy nhất. Tuy nhiên lại bắt buộc thay đổi mọi địa chỉ liên lạc đồng thời phải yêu cầu mọi tổng đài điện thoại di động phải khai báo lại. Trong khối số nên sử dụng hạn chế chứ không để nhiều quá. Còn phương án thứ hai, có gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp thị thương hiệu khi đưa ra thêm một mã mạng mới song không làm ảnh hưởng đến người sử dụng và mạng viễn thông hiện thời.

Sau khi lấy ý kiến doanh nghiệp, xem xét và cân nhắc, Bộ Bưu chính Viễn thông  đã quyết định lựa chọn phương án phân bổ thêm mã mạng mới cho hai mạng VinaPhone và Mobifone. Như trên đã phân tích, phương án này không làm ảnh hưởng gì đến người sử dụng hiện tại mặc dù phương án có làm cho doanh nghiệp khó khăn và mất công hơn hơn trong việc tiếp thị thương hiệu vì một mạng di động không còn tương ứng với một mã mạng duy nhất nữa. Song điều quan trọng nhất là không gây xáo trộn gì và cũng không gây thêm tốn kém gì nhiều cho người sử dụng và toàn xã hội.

Tuy nhiên, tôi đặc biệt chú trọng tới lợi ích lớn nhất của phương án  thứ hai, đó là giúp sử dụng hiệu quả hơn kho số điện thoại. Tới thời điểm này, Việt Nam đã có 6 mạng di động thế hệ thứ hai (2G). Sự phát triển của công nghệ viễn thông hiện nay rất có thể sẽ cho phép triển khai tiếp các mạng thông tin di động thế hệ thứ ba (3G) và các thế hệ tiếp sau nữa. Khi ấy cũng sẽ bắt buộc phải cấp thêm các mã mạng mới. Chỉ tính riêng 6 mã mạng đã phân bổ, về lý thuyết với 7 chữ số thuê bao, mỗi mạng có thể có tối đa 10 triệu thuê bao, tổng số nước ta có thể có tối đa 60 triệu thuê bao. Nếu nâng độ dài thuê bao thêm 1 chữ số, mỗi mạng về lý thuyết có thể có 100 triệu thuê bao, tổng số sẽ có khoảng 600 triệu thuê bao.

Trong khi đó, nếu dân số nước ta đến năm 2010 sẽ đạt khoảng 100 triệu dân thì với việc kho số lý thuyết lên đến 600 triệu và dự kiến hơn nữa, không thể nói là đã sử dụng hiệu quả nhất kho số điện thoại được. Vì vậy, dù chấp nhận hiệu suất sử dụng kho số không thể đạt 100% song nếu chỉ tính 50% thôi thì 300 triệu số thuê bao trên 100 triệu dân cũng chưa hiệu quả.

- Nói như vậy liệu trong vài năm tới các mạng di động có tiếp tục phải thêm mã mới?

-  Bộ đã có dự kiến quy hoạch kho số đến năm 2010 sẽ dành đầu 10 đến 19 cho các mã mạng mới sau này, chứ không chỉ có từ mã 90 đến 98. Như vậy theo phương án hai, tổng số có thể đạt con số 190 triệu thuê bao trên lý thuyết, trên tổng số khoảng 100 triệu dân. Như trên đã nói, điều này chắc chắn sẽ giúp sử dụng kho số hiệu quả hơn con số lý thuyết 600 triệu.

Như vậy, doanh nghiệp mới khi cần có thể đăng ký sử dụng các đầu mã mạng còn lại. Theo dự thảo qui định quản lý kho số, doanh nghiệp nào cần đến đâu, đăng ký trước thì cấp trước, doanh nghiệp đăng ký sau sẽ cấp sau. Vấn đề là còn đủ mã trong quy hoạch. Điều này đã được tiên liệu trước. Có thể nói chắc chắn rằng có đủ mã mạng cho đến ít nhất là năm 2010 cho các doanh nghiệp, và có đủ kho số thuê bao cho các doanh nghiệp phát triển.

- Nhưng trong "nếp nghĩ" của người dân và ngay cả doanh nghiệp, đầu số 09 mới là dành cho di động. Vậy ngoài 6 đầu mã đã cấp cùng hai mã mới bổ sung cho VinaPhone và MobiFone, chỉ còn 1 mã đầu 09 dành cho tới 4 doanh nghiệp. Nhiều người cho rằng như vậy chỉ có lợi cho những DN lớn, đi trước còn các DN mới sẽ phải "chịu thiệt" không được lựa chọn thậm chí hết mã mạng vì... đến sau?

-  Cũng có nhiều ý kiến cho rằng  sao không cho doanh nghiệp bốc thăm đầu số. Tuy nhiên, không thể có việc doanh nghiệp bốc thăm đầu mã mạng mới vì theo quy định quản lý kho số, nhiệm vụ thực thi của cơ quan quản lý nhà nước là cấp và phân bổ kho số. Ở Việt Nam còn quen với nếp nghĩ cứ đầu số 09 mới là của mạng di động. Đây chỉ là theo thói quen. Trên thế giới hiện nay, hầu như tất cả các quốc gia đều sử dụng đầu mã mạng là 01 chứ không phải là 09.

Còn với Việt Nam, dù là mã mạng 09 hay 01 thì khi được cấp mới các doanh nghiệp cũng phải mất công tiếp thị vì đó là mã mạng mới hoàn toàn. Và không thể nói mã mạng này đẹp, mã kia không đẹp được. Quan điểm của Bộ là ai đăng ký trước thì cấp trước, ai đăng ký sau cấp sau. Doanh nghiệp đăng ký số nào nếu thấy trong kho số còn trong quy hoạch thì cấp, nếu không còn, Bộ sẽ đề nghị doanh nghiệp nhận đầu số khác. Do vậy, dù có phải cấp mã mạng sau thì các doanh nghiệp mới cũng không có gì thiệt thòi. Tuy nhiên, bây giờ thì chưa nhưng sau này, những mạng di động ra sau sẽ phải nhận những đầu mã mạng đi động dài hơn. Trong kho số phải bắt buộc làm như vậy, nếu không sẽ không hiệu quả.

- Nếu như vậy các doanh nghiệp mới xin thêm đầu số ngay từ bây giờ rồi "để dành" để được cấp đầu mã đẹp liệu có được Bộ đồng ý?

-  Cũng có thể được, tuy nhiên, khi được cấp đầu số họ sẽ phải trả tiền. Với mã mạng thì doanh nghiệp được cấp không mất tiền nhưng toàn số những số phân bổ theo mã thì phải mất phí. Cứ mỗi đầu số tương đương với một triệu số của một mã mạng mới doanh nghiệp phải trả phí kho số là 1 tỷ đồng. Nhưng đúng ra theo quy định của ITU, một mạng di động phải hoạt động hết khoảng 75% kho số đã cấp thì mới được phân bổ mã mạng mới. Và hiện nay Bộ cũng đang xây dựng và chuẩn bị ban hành quy định về phân bổ kho số. Khi ấy việc cấp và phân bổ kho số sẽ thực hiện theo quy định này.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

  • Thuỷ Nguyên (Thực hiện)


    Ý kiến của bạn?


,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,