221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
762614
"Phải vượt qua chính mình để hội nhập!"
1
Article
null
Tổng Giám đốc VNPT Phạm Long Trận:
'Phải vượt qua chính mình để hội nhập!'
,

(VietNamNet) - 2005 được xem như một năm nhiều khó khăn và thách thức nhất đối với VNPT trong những năm gần đây, khi sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp viễn thông mới đã trở nên mạnh mẽ hơn, áp lực hội nhập quốc tế đã cận kề. Với mô hình tập đoàn sắp triển khai, VNPT cần tập trung những hướng đột phá nào trong 2006 và những năm tới để vượt qua những sức ép và áp lực đó? Bên lề hội nghị tổng kết năm 2005 của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VN, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Tổng giám đốc VNPT Phạm Long Trận về vấn đề này.

PV VietNamNet: - Thưa ông, năm 2005 được đánh giá là một năm nhiều khó khăn của VNPT, cụ thể đó là những khó khăn gì?

Tổng Giám đốc VNPT Phạm Long Trận: "Các doanh nghiệp mới ra đời cũng đã có sự phát triển rất nhanh, tạo sức ép cạnh tranh nhiều hơn."

Tổng GĐ VNPT Phạm Long Trận: - Đúng là năm 2005 có nhiều khó khăn hơn trong những năm gần đây. Tình hình kinh tế xã hội trong nước năm qua cũng có biến động, như thiên tai bão lũ lớn, dịch bệnh cúm gà hoành hành. Cùng các yếu tố khách quan tác động, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) cũng trải qua một số khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp mới ra đời cũng đã có sự phát triển rất nhanh, tạo sức ép cạnh tranh nhiều hơn. Ngoài ra, VNPT cũng còn một số vấn đề khó khăn về cơ chế.

- Trong năm qua, kết quả sản xuất kinh doanh của VNPT có bị ảnh hưởng bởi những khó khăn đó?

- Dù có khó khăn hơn so với các năm trước, nhưng VNPT đã có những đột phá tốt trong giai đoạn nước rút cuối năm, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra. So với năm 2004, doanh thu năm 2005 của VNPT tăng 10%, mức phát triển số lượng thuê bao mới tăng 28%. 

- Còn mục tiêu 100% số xã trên cả nước có điện thoại của VNPT, thưa ông?

- Phải đến ngày 30/12/2005, VNPT mới hoàn thành được mục tiêu 100% số xã trên toàn quốc có máy điện thoại. Đó là khi những chiếc điện thoại VSAT được lắp đặt tới các xã cuối cùng trên KonTum. Mục tiêu được hoàn thành muộn như vậy vì công việc thực tế cũng gặp không ít khó khăn. Vùng sâu vùng xa thường không có đường giao thông, không có điện. Các anh em kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, kể cả của bưu điện địa phương và VTI có lúc đã phải nằm chờ bên suối nhiều ngày, chờ tới khi nước xuống mới có thể mang được thiết bị qua bên kia để lắp đặt cho các xã miền núi.

- Sang năm 2006, dự kiến VNPT sẽ có hướng phát triển mạnh, đột phá gì để vượt qua những khó khăn ngày càng gia tăng?

- Trong năm 2006, về tổng thể, VNPT vẫn phải hoàn thành 2 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ công ích cho xã hội. Thứ hai là nhiệm vụ triển khai và đổi mới mô hình tổ chức, xây dựng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông. Trong đó, cụ thể hơn sẽ là việc phải hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, phát triển doanh thu, phát triển nhiều loại hình dịch vụ mới. Đồng thời VNPT cũng phải cạnh tranh để với mức độ tăng trưởng doanh thu như năm 2005, khoảng 9-10%, tăng trưởng thuê bao đạt 25%.

Tất nhiên, để làm được điều này, cần phải dựa trên cơ sở hạ tầng sẵn có, đồng thời đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản, khai thác các mạng lưới hiện đại mà VNPT đã có cơ sở ban đầu như mạng thế hệ mới NGN, mở ra nhiều loại hình dịch vụ mới, tận dụng những thế mạnh đã xây dựng từ lâu như mạng lưới cáp đồng rất tốt để phát triển mạnh các dịch vụ cố định, đẩy mạnh dịch vụ Internet băng rộng ADSL, làm sao để mọi người dân Việt Nam đều có quyền hưởng thụ những dịch vụ do công nghệ mới đem lại.

Về thị trường di động, VNPT cũng sẽ phát triển mạnh mạng dịch vụ di động để đáp ứng được nhu cầu khách hàng, nhu cầu của xã hội và đảm bảo tốt yêu cầu an ninh quốc phòng của đất nước.

- Còn dịch vụ Internet không dây băng rộng thì sao, thưa ông?

Sang 2006, Tổng công ty đang xin phép Bộ BCVT cho thử nghiệm Wimax, hiện tại đang tiến hành xin tần số và các công việc khác. Thời gian vừa qua chúng tôi đã có tiến hành thử nghiệm WiFi. Tuy công nghệ này có những hạn chế về cự ly nên chưa phát triển lắm, nhưng cũng đã mang lại cho người dùng một lựa chọn dịch vụ mới. Năm nay, với những chương trình thử nghiệm Wimax, VNPT đồng thời sẽ nâng cao chất lượng, đầu tư công nghệ di động 3G (đã thử nghiệm trong năm 2005). Hy vọng trong 2006 sẽ đưa dịch vụ 3G tiếp cận thị trường và tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng.

 

"...phải làm sao để mọi người dân Việt Nam đều có quyền hưởng thụ những dịch vụ do công nghệ mới đem lại."

- Ông nghĩ sao khi một số ý kiến cho rằng Wimax và các dịch vụ VoIP miễn phí sẽ "đe dọa" doanh thu của thị trường di động?

Wimax hiện mới đang tiến hành thử nghiệm, song chắc chắn sẽ không ảnh hưởng gì, bởi các nước trên thế giới đều đã phát triển như thế. Mỗi dịch vụ đều có các yếu tố cạnh tranh riêng để phát triển, cái này phát triển sẽ bổ sung cho cái khác. Một dịch vụ chỉ trở nên lỗi thời khi nó không còn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Còn nếu vẫn đáp ứng được nhu cầu thì còn phát triển được và bổ sung, tạo nền tảng cho các dịch vụ khác.

Đưa Wimax vào là để tạo ra dịch vụ mới, môi trường mới để cùng phát triển. Các dịch vụ đều sẽ phát triển và bổ sung cho nhau, nên thị trường di động nhìn chung sẽ không bị ảnh hưởng gì. Hiện tại, VNPT vẫn phải cố gắng lắm mới đáp ứng được nhu cầu về di động.

Mỗi dịch vụ có chính sách phát triển khác nhau. Wimax sẽ được sử dụng trong nhiều dịch vụ có nhu cầu băng rộng cao hơn, chẳng hạn như truyền tải dữ liệu. Wimax không thể đầu tư một sớm một chiều để phủ rộng được như mạng di động hiện nay, mà trước mắt chỉ phát triển tập trung ở những thành phố lớn, nơi có nhu cầu dịch vụ cao hơn. Chi phí cho thiết bị đầu cuối sử dụng dịch vụ này cũng khá đắt, chưa thể sử dụng đại trà ngay được. Trong khi đó, nhu cầu đàm thoại và nhắn tin di động vẫn còn ở nhiều địa bàn khác, nhất là vùng sâu vùng xa, nên sẽ không ảnh hưởng gì.

Vấn đề là từng bước một, phải làm cho khách hàng biết được cách sử dụng dịch vụ và từ đó nâng cao dần nhu cầu lên. Dịch vụ nuôi dịch vụ, cứ thế dần phát triển lên, tạo cho khách hàng thói quen, tạo thành nhu cầu sử dụng. Thực tế, ngay như dịch vụ ĐTDĐ khi mới đưa ra, cũng ít người được dùng, không mấy người thích dùng. Nhưng dần dần kích thích được nhu cầu thì người dân sẽ dùng nhiều. Wimax cũng y như vậy. Nếu thử nghiệm thành công, làm được, thì sẽ phát triển được. Tuy nhiên, cũng có nhiều khó khăn trong quá trình phát triển Wimax, nhất là về phát triển nội dung cho dịch vụ này. Công nghiệp nội dung của Việt Nam hiện vẫn còn đang chưa phát triển.

- Đây cũng chính là vấn đề VietNamNet muốn đề cập, xin ông cho biết VNPT có định hướng gì để phát triển công nghiệp nội dung trong những năm tới?

Về chiến lược phát triển công nghiệp nội dung thì không thể chỉ một mình VNPT thực hiện được, mà cần có sự triển khai của toàn xã hội, với sự góp sức của nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Công nghiệp nội dung không phải là lĩnh vực riêng của VNPT. Chúng tôi sẽ tìm nhiều khả năng để phát triển một số công ty thành viên có số sản phẩm báo chí như VietNamNet của VASC hay Xã hội thông tin, VnMedia... và xin cơ chế, giấy phép để phát triển những tờ báo này lên thành những đơn vị, doanh nghiệp chuyên cung cấp nội dung thật tốt.

Về cơ bản, công nghiệp nội dung vẫn phải dựa vào toàn xã hội, và VNPT cần liên doanh liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung của xã hội như truyền hình, TV, báo đài... để cùng phát triển. Việc liên kết này có hai mục đích, ngoài việc làm công nghiệp nội dung để tăng doanh số, còn là yếu tố để tự kích thích phát triển mạng lưới, phát triển nhu cầu sử dụng dịch vụ. Vấn đề phát triển nội dung rất rộng lớn, mà mình VNPT không tự làm hết được.

Nhưng trước hết, VNPT vẫn phải làm được những công việc của mình: Phát triển mạng lưới, công nghệ, cơ sở hạ tầng phục vụ người dùng. Tất nhiên, song song với điều đó, cũng cần kích thích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển công nghiệp nội dung. Yếu tố con người sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực này.

"...phải "vượt qua chính mình" để có thể dần hội nhập vào kinh tế thế giới. Cần phải có một "nội lực" để cạnh tranh thắng lợi không chỉ đối với thị trường trong nước, mà cả với những tổng công ty, doanh nghiệp lớn của nước ngoài."

- Với cương vị Tổng giám đốc của VNPT, sắp tới là tập đoàn VNPT Group, những điều trăn trở nhất của ông trong năm 2006 và những năm tới là gì?

Điều trăn trở nhất vẫn là hoạt động của Tổng công ty đang còn nhiều bất cập. Qua 20 năm đổi mới, VNPT cũng đã có rất nhiều thành công được nhà nước và xã hội công nhận, nhưng dù sao trong cơ chế quản lý và hoạt động vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.

Vấn đề tôi trăn trở bây giờ là làm sao khi thành lập Tập đoàn với mô hình mới, phải khắc phục được các thiếu sót còn tồn tại, phải "vượt qua chính mình" để có thể dần hội nhập vào kinh tế thế giới. Cần phải có một "nội lực" để cạnh tranh thắng lợi không chỉ đối với thị trường trong nước, mà cả với những tổng công ty, doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Làm sao để hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cao hơn, vươn ra thị trường thế giới.

Đây cũng là một chủ trương của VNPT, phải dần dần hướng ra bên ngoài, bước ra sân chơi thế giới, đầu tư và phát triển ở thị trường quốc tế. Vừa học tập, vừa làm quen với môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh ở nước ngoài. Bởi người ta đến thị trường chúng ta cạnh tranh, làm ăn thì chúng ta cũng phải bước ra ngoài làm ăn. Không chỉ viễn thông mà còn nhiều lĩnh vực, kể cả lĩnh vực đầu tư tài chính, VNPT Group sau này cũng phải đẩy mạnh. Từ xưa đến nay mình làm chủ yếu để phục vụ, chứ chưa đầu tư tài chính, nên bây giờ mình phải linh động hơn. Một trong những nhiệm vụ chính của một tập đoàn phải là đầu tư tài chính hiệu quả.

- Xin cảm ơn Tổng giám đốc Phạm Long Trận, chúc ông một năm mới tràn đầy sức khoẻ, VNPT có nhiều bước đột phá thành công với mô hình tập đoàn trong những năm tới.

  • Bình Minh (thực hiện)
    Ảnh: Thế Phong

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,