221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
759206
Công nghiệp phần mềm Việt Nam - 5 năm nhìn lại
1
Article
null
Công nghiệp phần mềm Việt Nam - 5 năm nhìn lại
,

5 năm đã qua kể từ khi Bộ chính trị ra chỉ thị 58/CT-TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, và Chính phủ ra Nghị quyết số 07/2000/NQ-CP về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm (CNPM) trong đó xác định " CNPM là ngành công nghiệp được đặc biệt khuyến khích đầu tư, Nhà nước áp dụng mức ưu đãi cao nhất cho các doanh nghiệp làm CNPM", đến nay có thể nói CNPM đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng kích lệ, tuy nhiên ngành công nghiệp non trẻ này cũng đang đối mặt với không ít khó khăn.

Nhờ những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp( DN), hiệp hội, trong 5 năm qua ngành CNPM của chúng ta đã có nhiều khởi sắc. Suốt từ năm 2000 đến nay CNPM luôn giữ mức tăng trưởng với tốc độ khá cao, trung bình khoảng 35% năm, gần gấp 3 lần tốc độ phát triển trung bình của toàn ngành công nghiệp. Thống kê của hội tin học TP. Hồ Chí Minh (HCA) cho thấy đến nay cả nước có khoảng 720 doanh nghiệp phần mềm (DNPM) đang thực sự hoạt động, thu hút được hơn 20.000 lao động phần mềm chuyên nghiệp. Tổng doanh thu của các DNPM năm 2005 ước đạt khoảng 250 triệu USD, trong đó có khoảng 70 triệu USD xuất khẩu. Như vậy quy mô ngành CNPM nước ta cả về lực lượng lao động lẫn tổng doanh thu hiện nay đã tăng lên gấp 4 lần so với năm 2000, đó thực sự là một bước phát triển tốt với một ngành công nghiệp mới ở Việt Nam. Hơn nữa, một số chuyên gia còn cho rằng phương pháp thống kê nói trên chưa đầy đủ , còn bỏ sót một số lĩnh vực như chưa tính lực lượng làm phần mềm bán chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị không chuyên CNTT. Lực lượng này cũng khá đông, hàng năm sản xuất, cung cấp không ít các sản phẩm, dịch vụ phần mềm "in house" theo kiểu tự cung tự cấp để phục vụ cho hoạt động của cơ quan, đơn vị mình. Theo các chuyên gia này, nếu tính hết quy mô ngành phần mềm Việt Nam hiện đã có hơn 30.000 lao động, với doanh số quy đổi lên tới trên 350 triệu USD.

Tình hình phát triển DN

Đi sâu vào tình hình phát triển của các công ty phần mềm, có thể thấy vài năm gần đây CNPM Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô của nhiều DN, điển hình trong đó có các công ty lớn như FPT và TMA với mức tăng trưởng nhân lực 75-100%/ năm, số lao động phần mềm của các công ty này sắp đạt tới ngưỡng 1000 người. Cả nước cũng đã có khoảng 10 DN có số lập trình viên từ 300-500 người, và khoảng hơn 10 DN có số lập trình viên từ 100-300 người. Hiện nay, Việt Nam đã có hai DN đạt chứng chỉ cao nhất về quy trình quản lý chất lượng sản xuất phần mềm quốc tế CMMI-5, 5 doanh nghiệp đạt CMM mức 3 hoặc 4, và trên 30 DN đạt ISO 9001. Ngoài ra, có rất nhiều DN khác cũng đang cố gắng phấn đấu để lấy chứng chỉ CMM, CMMI hoặc ISO vào năm tới. Đây là những dấu hiệu rất đáng mừng về năng lực phát triển của các DNPM Việt Nam.

Về năng lực hoạt động của các DNPM, theo khảo sát của HCA có khoảng 29% DN hoà vốn sau 2 năm thành lập. Đây là một tỉ lệ tương đối tốt, nhưng cũng có tới 28% DN hoà vốn sau từ 3 đến 4 năm. Số DNPM có lãi suất hàng năm từ 10% đến 30% chiếm tỉ lệ 42%, từ đó cho thấy đa số DNPM có thể khẳng định sự thành công ban đầu của mình. Tuy nhiên, chỉ có 13% DNPM có doanh thu cao hơn chi phí từ 30% đến 50%. Đây không phải là một tỉ lệ khích lệ trong bối cảnh CNPM Việt Nam đang trong giai đoạn đầu phát triển. Thống kê cũng cho thấy các DNPM quy mô lớn thường đã có thời gian hoạt động trên 5 năm. Sự tăng tốc đều đến ở giai đoạn sau năm hoạt động thứ 5 trở đi. Các DN này thường có định hướng xây dựng thị trường, chuyên môn hoá cao, rất chuyên nghiệp trong lĩnh vực gia công phần mềm và dịch vụ, từ đó quảng bá được năng lực, bước đầu xây dựng được thương hiệu riêng. Nhu cầu từ thị trường ngoài nước hiện đang tăng trưởng mạnh, và DNPM quy mô lớn càng có cơ hội kiếm được nhiều khách hàng. Với các cơ sở xây dựng được 5 năm qua, cộng thêm sự hỗ trợ của Nhà nước, chắc chắn giai đoạn tới sẽ có sự bùng nổ phát triển của các DNPM hàng đầu.

Tuy nhiên, bên cạnh các công ty phần mềm lớn nêu trên, phàn nhiều các DNPM Việt Nam vẫn là các công ty vừa và nhỏ, với năng lực cạnh tranh còn hạn chế, quy trình sản xuất và quản lý chất lượng chưa cao, đội ngũ chuyên gia bậc cao còn ít, chưa có kinh nghiệm marketing. Nhìn chung hầu hết các DNPM chưa đủ năng lực tài chính để có thể tăng mức đầu tư cho các hoạt động marketing, nghiên cứu phát triển, đào tạo nhân lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều DN chưa có chiến lược đầu tư lâu dài về sản phẩm cũng như thị trường. Thống kê của HCA cho thấy số DN chi cho marketing từ 10% đến trên 20% (tổng chi phí) chỉ vào khoảng 27%. Thống kê này cũng cho thấy có đến 33% doanh nghiệp có tổng chi phí cho cả đào tạo phát triển nguồn nhân lực lẫn chi cho nghiên cứu phát triển chỉ dưới mức 5% so với tổng chi phí, và cũng chỉ có 27% DN chi trên 10% cho các hoạt động này. Sự thiếu đầu tư nghiên cứu thị thường, phát triển sản phẩm và nguồn nhân lực là nguyên nhân dẫn đến năng lực cạnh tranh yếu của các DNPM Việt Nam. Hơn nữa, tâm lý "muốn làm tất cả từ A đến Z" với mong muốn kiếm siêu lợi nhuận bán phần mềm đóng gói cho nhiều khách hàng (giấc mơ trở thành Bill Gates) đã khiến cho không ít DNPM Việt Nam không lượng đúng sức mình khi tham gia thị trường phần mềm đóng gói rất cạnh tranh, mà bỏ qua thị trường làm dịch vụ phần mềm còn khá rộng.

Phát triển nguồn nhân lực

Chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT mấy năm qua đã bắt đầu phát huy tác dụng. CNTT là một trong số các ngành được mở ở nhiều trường đại học nhất hiện nay. Tất cả các trường đại học, cao đẳng dân lập và hầu hết các trường đại học công lập về khoa học, kỹ thuật tại Việt Nam đều có đào tạo cử nhân/kỹ sư CNTT. Một số trường quân đội cũng tham gia đào tạo cử nhân/kỹ sư CNTT. Chỉ riêng hệ công lập, hiện tại cả nước có 255 cơ sở đào tạo về CNTT, trong đó có 70 cơ sở đào tạo đại học, 105 cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng và 50 cơ sở đào tạo trung học chuyên nghiệp. Chỉ tiêu tuyển sinh bậc đại học về CNTT mấy năm qua liên tục tăng và hiện nay xấp xỉ 10.000 sinh viên/ năm. Tổng số sinh viên đang theo học ngành CNTT trong các trường công lập hiện ước tính khoảng 80.000, với số lượng tốt nghiệp khoảng 15.000/năm. Chính sách khuyến khích, thúc đẩy xã hội hoá đào tạo CNTT cũng đã phát huy tác dụng tốt. Từ con số 9 trung tâm đào tạo phi chính quy năm 2000, đến nay, đã có 69 trung tâm đi vào hoạt động. Hằng năm, lực lượng này có thể cung ứng cho thị trường 7.000-10.000 chuyên viên CNTT, gần ngang với chỉ tiêu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) đang đặt ra cho hệ thống đào tạo chính quy tại các trường đại học.

Nhân lực phần mềm Việt Nam được đánh giá là năng động, thông minh, có kiến thức cơ bản, có khả năng đào tạo nâng cao trình độ nhanh, dễ thích nghi với điều kiện làm việc cường độ cao, và có giá nhân công thấp. Tuy nhiên lao động Việt Nam phần lớn còn thiếu kinh nghiệm, kỹ  chuyên sâu và trình độ tiếng Anh. Đặc biệt hiện nay CNPM Việt Nam rất thiếu các chuyên gia giỏi về quản trị dự án, thiết kế giải pháp, tiếp thị, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, còn bất cập, mất cân đối, chưa có nhiều giáo viên có kinh nghiệm thực tế làm phần mềm; cơ sở phòng thí nghiệm, thiết bị cho đào tạo thực hành còn sơ sài. Điều này khiến cho nhiều sinh viên tốt nghiệp còn thiếu hoặc yếu cả về kiến thức chuyên môn lẫn kĩ năng giao tiếp, làm việc trong môi trường công nghiệp.

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của CNPM trong thời gian qua, cùng sự phục hồi nhanh chóng của thị trường CNT thế giới, các DNPM Việt Nam từ cuối năm 2004 đến nay hầu hết đã chuyển mối lo từ "tìm việc" sang "tìm người". Theo kết quả khảo sát trên website về việc làm VietNamworks (www.vietnamworks.com ), nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT hiện đang ở mức cao nhất (chiếm 12%) trong số gần 40 nhóm ngành nghề được đăng tuyển dụng. Cũng theo dự báo của Vietnamwork, thì nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT của các công ty trong năm 2006 sẽ có thể lên tới 30%. Điều này cho thấy CNPM Việt Nam thực sự đang đứng trước mọt cơ hộ lớn để có thể tăng tốc phát triển, nhưng cũng là một thách thức đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng giải quyết ổn thoả bài toán nhân lực. Sự thiếu hụt lực lượng lao động phần mềm, nhất là đối với các DN gia công phần mềm ở Việt Nam tăng cao, và nếu tiếp tục thì Việt Nam sẽ mất đi yếu tố cạnh tranh lớn nhất với các nước là giá nhân công thấp.

Như vậy, có thể thấy bài toán nhân lực chính là mấu chốt để phát triển CNPM. Trong giai đoạn tới Việt Nam cần có một lực lượng lao động phần mềm đông đảo, chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên môn, kĩ năng cao, ngoại ngữ tốt. Để giải quyết bài toán này, Bộ GD& ĐT phải có sự cải cách mạnh mẽ chương trình đào tạo CNTT trong các trường công lập, đồng thời Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT), với chức năng quản lý nhà nước về CNTT, cần có những giải pháp, những hoạt động tích cực phối hợp cùng các bộ ngành, các địa phương và các hiệp hội, các DN để quy hoạch, chuẩn hoá, nâng cao chất lượng, tăng cường năng lực của các cơ sở đào tạo CNTT ngoài công lập, cung cấp các khoá đào tạo ngắn và trung hạn để nâng cao kĩ năng, công nghệ cho lao động phần mềm.

Phát triển thị trường

Thị trường phần mềm trong nước của Việt Nam trong những năm qua có sự tăng trưởng khá nhanh. Tuy nhiên, phần lớn thị trường nội địa hiện chủ yếu vẫn dựa vào sức mua của các tổ chức và DN nhà nước bao gồm các Tổng công ty lớn, các cơ quan chính phủ. Điều này xuất phát từ chủ trương đẩy mạnh ứng dụng CNTT của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, trước sức ép của quá trình hội nhập, các ngành đòi hỏi tính cạnh tranh cao như viễn thông, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, dầu khí cũng là thị trường phần mềm trong nước.

Khảo sát của HCA cho thấy có 69% số DNPM chủ yếu định hướng thị trường trong nước (thị trường trong nước chiếm từ 70% trở lên), và 28% số DN định hướng thị trường ngoài nước (thị trường ngoài nước chiếm từ 70% trở lên). Điều này phản ánh một thực tế phần nhiều DNPM Việt Nam còn có quy mô nhỏ và chưa dám (hoặc chưa đủ sức) vươn ra thị trường nước ngoài, tuy nhiên, nó cũng cho thấy hiện tại thị trường trong nước vẫn cần được xem là thị trường quan trọng. Nhà nước cần có chính sách giữ vững và phát triển thị trường này như một môi trường rèn luyện cho các DNPM.

Khó khăn lớn nhất đối với các DNPM trên thị trường nội địa chính là thiếu thông tin. Theo một kết quả khảo sát từ VNCI thì mức độ hiểu biết và tham gia vào các chương trình, dự án nhà nước của DNPM trong nước nói chung còn rất thấp. Chỉ có chưa đến 50% số DNPM biết đến các chương trình, dự án CNTT của Nhà nước (trừ Đề án 112). Ở TP. Hồ Chí Minh, tỉ lệ DN tiếp cận được thông tin về các dự án của bộ ngành trung ương, dự án ODA là dưới 25%. Tỷ lệ các DN tham gia hay được hưởng lợi từ các dự án này còn thấp hơn nữa. Ngoài ra, thị trường ứng dụng CNTT trong các DN cũng chưa phát triển xứng với tiềm năng, và thông tin về thị trường này cũng ít ỏi chẳng hơn gì thông tin về thị trường cơ quan Nhà nước. Để có thông tin, DNPM ngoài việc tự bản thân phải thu thập, tìm kiếm thì rất cần được hỗ trợ từ Chính phủ. Hằng năm, DNPM cần được thông báo công khai, đầy đủ và cùng lúc về nhu cầu thực hiện các dự án phát triển CNTT của các bộ ngành trung ương, cũng như của các cơ quan, sở ngành của các địa phương. Đây phải là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của cơ quan quản lý nhà nước CNTT các cấp trong giai đoạn hiện nay.

Đối với thị trường nước ngoài, các DNPM Việt Nam chủ yếu cung cấp dịch vụ outsourcing. Cần hiểu khái niệm "Software outsourcing" không hoàn toàn đồng nghĩa với từ gia công như vẫn dùng trong dệt may, da giày hay một số ngành nghề khác. Một số DN muốn tham gia thị trường software outsourcing cần phải đầu tư nghiên cứu phát triển để có được một trình độ chuyên môn sâu, hiểu rõ quy trình nghiệp vụ để phân tích và thực hiện đúng yêu cầu của bài toán đặt ra, đồng thời phải có một quy trình đảm bảo chất lượng đáp ứng được yêu cầu của đối tác. DNPM hoàn toàn có thể thông qua các dự án làm outsourcing cho đối tác nước ngoài để nâng cao năng lực sản xuất, khả năng nghiên cứu phát triển và quy trình quản lý chất lượng, từ đó có thể xây dựng được thương hiệu, khẳng định vị trí của mình trên thị trường. Kinh nghiệm của Ấn Độ, Ailen, Trung Quốc cho thấy các DNPM lớn của các quốc gia này đều đi lên từ cung cấp dịch vụ phần mềm (outsourcing) chứ không phải là làm phần mềm đóng gói. Thực tế, ở Việt Nam các DNPM lớn và thành công hiện nay cũng đều là những DN định hướng làm outsourcing cho nước ngoài.

Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế xếp hạng thứ 20 trong số các quốc gia hấp dẫn nhất về software outsourcing. Nếu như các DN định hướng thị trường nội địa gặp khó khăn về thông tin (thiếu việc làm), thì khó khăn lớn nhất của các DN định hướng thị trường oursourcing lại không phải là thiếu việc làm mà thiếu người làm. Quan tâm hàng đầu của các DNPM làm outsourcing là phát triển nguồn nhân lực và nâng cao quy trình quản lý chất lượng. Các thị trường lớn của các DNPM Việt Nam hiện nay là Bắc Mỹ và Nhật Bản, trong đó Nhật Bản đang được nhiều DN quan tâm do sự quan tâm của chính phủ và DN Nhật đối với DNPM Việt Nam, cũng như các thuận lợi về văn hoá, địa lý. Theo khảo sát của VNCI, hiện nay quan tâm chung lớn nhất của các DNPM để phát triển thị trường nước ngoài là hỗ trợ của nhà nước để xây dựng hình ảnh thương hiệu chung cho CNPM Việt Nam trên trường quốc tế, ưu tiên thứ hai là tổ chức các hội trợ triển lãm quốc tế về phần mềm ở Việt Nam thay vì tham gia các hội chợ triển lãm ở nước ngoài. (Còn tiếp)

(Theo Bưu chính viễn thông & Công nghệ thông tin)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,