(VietNamNet) – Một người bạn mới chuyển về Hà Nội nói với tôi: “Chưa quen đường xá thủ đô nhưng vẫn đi chơi tết thoải mái mà không sợ lạc đường, cũng khỏi phải hỏi đường người lạ cho “mất dông” năm mới. Thời đại số hoá, không phải "đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ", mà là "hỏi" bàn phím, chuột và thiết bị cầm tay”…
Tìm đường đến VietNamNet - số 4 Láng Hạ qua một trang web có ứng dụng GIS tìm đường giao thông trực tuyến. |
Các ứng dụng của hệ thống thông tin địa lý (GIS) ở Việt Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều trên Internet và điện thoại di động, PDA... Tạo ra rất nhiều tiện ích và cơ hội cho người dùng trong thời đại tiếp cận công nghệ tối đa này.
Bạn đang ngồi tại toà soạn VietNamNet (số 4 Láng Hạ, Hà Nội), muốn đến khách sạn Melia Lý Thường Kiệt bằng con đường ngắn nhất với phương tiện cụ thể là ôtô 4 chỗ, xe tải, xe máy hoặc đi bộ...?
Rất đơn giản, hãy mở một trang web có ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và chỉ bằng một vài động tác di chuột, nhấp phím, bạn đã có lời hướng dẫn đường đi cụ thể đến từng số nhà. Kèm theo đó là bản đồ phóng to chi tiết rất đáng tin cậy, hiển thị quãng đường cần đi trên màn hình vi tính... Tuyệt vời thay, công nghệ tìm đường kỷ nguyên số!
Tại một số trang web đã hoạt động khá lâu và có cơ sở dữ liệu tương đối đồ sộ, người dùng có thể tha hồ sử dụng miễn phí để lấy thông tin về địa danh, các loại hình bản đồ trực tuyến của Đông Nam Á, Việt Nam, nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ứng dụng tìm đường giao thông tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn rất cụ thể. Thậm chí cả các thông tin quy hoạch đô thị, các dự án đầu tư… phục vụ nhu cầu thông tin bất động sản, nhà đất.
Website www.diadiem.com của nhóm “Mái ấm Vina” (sản phẩm từng lọt vào chung khảo "Trí tuệ Việt Nam 2005") - ngoài các tiện ích tra cứu thông tin, tìm đường đi ở các đô thị lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Mới đây tại trang web này còn xây dựng ứng dụng chỉ dẫn trên nền bản đồ số phục vụ cho người dân TP HCM đi du xuân Bính Tuất 2006.
Qua trang web này, người dân TPHCM có thể biết thông tin về địa điểm của các hội hoa xuân, lễ hội bánh tét, các khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim, sân khấu kịch, các trung tâm & nhà văn hoá... Thông tin về các bãi đỗ xe, đường cấm cũng được cập nhật, hết sức thuận tiện.
Được biết, sở Giao thông công chính Hà Nội cũng đang tiến hành dự án phối hợp với công ty ViDaGIS nhằm đưa bản đồ hoạt động của hệ thống xe BUS tại Hà Nội lên mạng. Trong đó sẽ tích hợp các ứng dụng của GIS nhằm chỉ dẫn cụ thể và đơn giản hoá tối đa dịch vụ giao thông công cộng, để có thể nhờ đó lượng người dùng sẽ tăng lên, giảm tỉ lệ tắc nghẽn chăng?!
Mới đây, giữa tháng 1 năm 2006, khi giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Vifotec 2005 được trao tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, một trong các giải nhì được chú ý nhất là phần mềm HS-PPCMap - “Hệ thống bản đồ số trên thiết bị cầm tay” của nhóm Trịnh Ngọc Dũng, Trần Anh Tuấn, Lê Bá Mùi (trung tâm CNTT Thừa Thiên Huế).
Với sản phẩm HS-PPCMap chúng ta có thể tìm thấy tất cả các thông tin du lịch của thành phố Huế trong lòng bàn tay. Sản phẩm chứa các thông tin cơ bản về các điểm du lịch nằm trong hệ thống di sản văn hóa thế giới tại Huế, thông tin về các điểm khách sạn, nhà hàng…
Anh Trịnh Ngọc Dũng cho biết, hiện tại các anh đang tiếp tục xây dựng và sẽ tích hợp thêm các thông tin điển hình của Huế như: nhà vườn, nhà rường Huế, chùa Huế... để cho các thông tin về thành phố Huế du lịch và festival được phong phú, đa dạng với nhu cầu tìm hiểu khám phá của người sử dụng.
Anh Dũng cũng nói thêm: “Sản phẩm là công cụ hiển thị và khai thác bản đồ số (ở dạng vector) ứng dụng công nghệ hệ thông tin địa lý (GIS) đưa vào các thiết bị PDA mà trước mắt là các loại PocketPC. Vì thế sản phẩm mới được đặt tên là PPCMap. Sau này sẽ mở rộng phát triển trên các máy Palm và smartphone...”
Khi trao đổi về vấn đề này, một chuyên gia về GIS bày tỏ: “Các thiết bị di động hiện nay đang có giá thành cao, chi phí lớn, trong khi các thông số kỹ thuật của thiết bị, đặt biệt là bộ nhớ có thể sử dụng được lại khiêm tốn. Để tích hợp được một cơ sở dữ liệu của hệ thống GIS vào trong các thiết bị di động đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề về kỹ thuật và công nghệ”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhận định thêm, trong tương lai, khi mà nhu cầu người dùng lớn hơn và được kích thích, rất có thể sẽ có sự liên minh, thoả thuận giữa các đơn vị tham gia mảng GIS trong nước với các hãng sản xuất thiết bị cầm tay lớn trên thế giới. Khi đó các thiết bị này (điện thoại 3G, pocketPC…) sẽ có cài đặt sẵn các phần mềm khi được giới thiệu ở thị trường Việt Nam, và chỉ việc nhập liệu hệ thống bản đồ số vào, là người dùng có thể sử dụng rất dễ dàng…
Cuối năm 2006, đầu năm 2007, có nhiều khả năng tại Việt Nam sẽ bùng nổ thị trường Internet không dây Wimax 802.16e, chuẩn cho Mobile wireless băng rộng. Khi đó chúng ta sẽ bước vào “thế giới Mobile Internet” thực sự. Hi vọng rằng dự đoán có cơ sở đó sẽ không sai lệch. Và chúng ta sẽ được hưởng nhiều hơn trong thế giới ấy, chứ không chỉ những dịch vụ tiện ích đơn giản mà thiết thực như tìm đường giao thông bằng bản đồ số nữa…
-
Thế Phong