(VietNamNet) - “Người Việt Nam có một đặc điểm: Khi nước đến chân rồi thì sẽ rất năng động. Với trí tuệ của người Việt Nam, chúng ta hoàn toàn tự tin để hội nhập”. Một cuộc trò chuyện đầu xuân cởi mở giữa các PV VietNamNet và Bộ trưởng Đỗ Trung Tá về vận hội mới của ngành BCVT được thực hiện ngay trong ngày đầu tiên của năm mới.
Năm năm tới có gì đột phá?
Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: “Người Việt Nam có một đặc điểm: Khi nước đến chân rồi thì sẽ rất năng động" (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Thưa Bộ trưởng, trong giai đoạn tới, ngành BCVT sẽ có những điểm nhấn gì thật đặc biệt, để sau này khi nhắc đến sự những đổi thay của đất nước trong thời kỳ mới, người ta sẽ phải luôn nhớ đến như thời "đi tắt đón đầu" của ngành kinh tế mũi nhọn này?
- Có thể nói chúng ta kết thúc một giai đoạn tăng tốc và chớm bước sang sự hội nhập. Qua những gì đang diễn ra, chúng ta đã thấy sự chủ động hội nhập của ngành BCVT để vượt qua những thách thức rất lớn trong đàm phán cả song phương và đa phương về WTO. Sau giai đoạn tăng tốc từ năm 1993 cho đến 2000, 5 năm vừa rồi là giai đoạn đầu Hội nhập và phát triển và tiếp tới 5 năm nữa cũng nằm trong giai đoạn hai của Hội nhập và phát triển...
...Vậy thì thưa Bộ trưởng, sắp tới đây, ngành BCVT sẽ phải có lộ trình như thế nào để tạo ra bước đột phá mới trong giai đoạn 2 của HỘI NHẬP PHÁT TRIỂN?
- Trong 5 năm tới tập trung vào những điểm gì là quan trọng nhất? Thứ nhất là tạo hành lang pháp lý trong đó có luật Công nghệ thông tin và ban hành nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy sự phát triển của CNTT mạnh mẽ hơn nữa.
Trong sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã nảy sinh những thực tế mới đòi hỏi các cơ quan quản lý phải nhanh chóng thích ứng. Sự hội tụ giữa viễn thông, Internet rồi phát thanh truyền hình đã tạo ra những cơ hội ứng dụng và phát triển rộng rãi: truyền hình làm viễn thông và viễn thông làm truyền hình.
Ví dụ như công ty VASC của các bạn, thực sự là một công ty truyền thông đa phương tiện. Thực tế cho thấy Việt Nam đang có những công ty nhưng mang dáng dấp của các tập đoàn. Tập đoàn về báo chí (truyền thông) cả văn bản, cả hình ảnh, tiếng nói, ảnh động, ảnh tĩnh rồi viễn thông Internet...Tất cả những điều đó cho thấy trước mắt chúng ta là giai đoạn rất mới.
5 năm tới có gì đột phá? Tôi cho rằng vẫn là sự bùng nổ của thị trường băng thông rộng, cả trong cố định và di động!
Những gì đang diễn ra tại nhiều nơi trong cả nước (Ví dụ như tỉnh Lâm Đồng: 100 % xã có cáp quang đến tận xã...) đã báo hiệu sẽ có một sự thay đổi về công nghệ rất rất nhanh chóng: các hệ thống Internet kết hợp với truyền hình, hoặc truyền hình cáp có đẩy Internet vào, tạo thành một nền văn minh - văn hoá tri thức dần dần thâm nhập vào làng quê.
Dự báo vui Bính Tuất: Giá giảm, nhiều người bán, nhà nghèo không ngại viễn thông...
Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: "Năm 2005, điểm nổi bật nhất có thể nói là sự kiện 100 % xã có điện thoại, ngoài các dịch vụ băng rộng, internet, di động phát triển với tốc độ 50 - 60 % tăng trưởng. Đó là cái mà người dân thấy được tính phục vụ xã hội của ngành bưu điện: 100% xã có điện thoại, 90,9 % xã có báo đến trong ngày và 2400 / 7500 điểm bưu điện văn hoá xã có Internet. Khi "Internet về làng" như vậy, có thể nói "khoảng cách số" giữa nông thôn, vùng núi và thành thị mà chúng ta phấn đấu đã rút ngắn lại . Điều này trong tuyên bố hành động của hội nghị thượng đỉnh thế giới về xã hội thông tin vừa rồi cũng đã được đánh giá rất cao. Chúng ta đang ở trong 5 năm đầu tiên của giai đoạn phát triển, chúng ta vừa phải tiến hành hội nhập nhưng cũng vừa phải tăng tốc, và cái đó đã được thể hiện trong năm 2005: tốc độ phát triển điện thoại cao nhất thế giới. Tốc độ phát triển Internet tuy đứng vào hàng thứ 3 trên thế giới, nhưng nếu xét về số người sử dụng trên 100 dân thì mình hơn hai nước đứng đầu. Số lượng sử dụng này vượt mức trung bình của khu vực và xấp xỉ với mức của thế giới (khoảng 13, 1 hay 13,2 gì đó), mình bây giờ là 12,8." |
Năm 2006 cũng sẽ chứng kiến một sự bùng nổ mạnh mẽ về di động, ngoài ba nhà cung cấp dịch vụ lớn là Vinaphone, Mobiphone, Viettel Mobile, các nhà cung cấp khác là EVN Telecom, HaNoi Telecom và SaiGon Telecom cũng lấy năm 2006 là năm đột phá bằng những sáng tạo mới trong kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của di động. Các nhà cung cấp mới cũng đã quan sát những ưu, khuyết điểm, những bài học kinh nghiệm của năm 2005 (nhất là của Viettel và các công ty của VNPT) để gấp rút thực hiện những bước đi mới, không những phủ sóng rộng mà còn nâng cao chất lượng kỹ thuật và chăm sóc khách hàng để giành và củng cố thị phần.
2006 - sự cạnh tranh có thể quyết liệt hơn vì chắc chắn các công ty nước ngoài sẽ đầu tư dần vào thị trường CNTT- Viễn thông Việt Nam theo lộ trình mình mở cửa dần mà chúng ta đã cam kết. Bộ BCVT sẽ phải điều chỉnh sự cạnh tranh này bằng cách thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh.
2006 cũng sẽ là năm chứng kiến sự giảm giá tiếp tục của các dịch vụ để cho viễn thông tiếp cận với 70% dân số có thu nhập thấp.
Dịch vụ viễn thông ở nông thôn sẽ giúp quá trình sản xuất của nông dân được ứng dụng CNTT nhiều hơn, giúp họ có thông tin KHKT, thông tin giống cây trồng, phòng chống thiên tai dịch họa. Tất cả những điều đó sẽ thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển!
Giá giảm, doanh nghiệp phát triển nhanh, người dân được tiếp cận với các dịch vụ mới sẽ là ba kết quả đột phá mà chúng ta có thể nhìn thấy trong năm nay.
Kinh tế đất nước phát triển, sự nỗ lực của nhà khai thác, số lượng và nhu cầu của khách hàng tăng và sự thay đổi về cơ chế chính sách của Nhà nước sẽ thúc đẩy sự phát triển BCVT năm 2006 - có thể đạt đến tốc độ gấp 1,5 cho đến 2 lần so với năm 2005. Để sang năm 2010 cho đến 2020, ngành chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn "cất cánh".
Bước đi của giai đoạn này đã được khẳng định rõ: Năm 2020 hoặc trước đó một chút, chúng ta đạt trình độ bình quân của nước G7 về BCVT và CNTT.
“Nước đến chân”, sẽ... nhảy càng cao và xa
Các cán bộ, phóng viên Báo điện tử VietNamNet tặng hoa chúc Tết Bộ trưởng Đỗ Trung Tá. (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Từ trước đến giờ, chúng ta vẫn hay nhắc đến hai chữ cạnh tranh. Riêng đối với ngành BCVT, trong nhưng những năm vừa rồi thì có vẻ như chỉ là cạnh tranh trong một nhà? Vậy Bộ trưởng có tin tưởng hoàn toàn vào năng lực của ngành khi phải cạnh tranh với bên ngoài không? Rằng khi phải mở cửa. .. “rộng”, chúng ta không bị lúng túng và vẫn làm chủ về thị trường?
Người Việt Nam có một nhược điểm rằng “nước chưa đến chân” thì vẫn... lững thững. Nhưng khi “nước đến chân” thì cũng rất năng động! Tôi tin vào trí tuệ của người Việt Nam.
Ví dụ như sau khi có luật doanh nghiệp mới, chúng ta có ngay hàng mấy trăm ngàn doanh nghiệp ra đời. Tất nhiên có doanh nghiệp chưa thành đạt lắm, nhưng đã tạo thành một cuộc cách mạng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất thích ứng với cơ chế thị trường ở Việt nam. Và nguồn vốn từ các doanh nghiệp nhỏ đó không thua kém các doanh nghiệp Nhà nước.
Điều đó cho thấy, chúng ta thiết lập 6 doanh nghiệp cơ sở hạ tầng, nhưng sẽ bung ra rất nhiều các doanh nghiệp khai thác, bán lại dịch vụ. Ngay trong ngành bưu điện, lực lượng 64 bưu điện, bưu chính của 64 tỉnh thành cũng đóng vai trò như những công ty lớn bán lại dịch vụ viễn thông và CNTT.
Đồng thời trong lĩnh vực CNTT - chúng ta không hạn chế các doanh nghiệp lớn của nước ngoài vào, có thể mở các xí nghiệp CN 100%, liên doanh tới 49%.
Trong nước, với những thử thách lớn trong năm 2005, như sự phát triển nhanh chóng của Viettel lúc đầu có nhiều cũng vướng mắc, dần dần các doanh nghiệp đã có sự hợp tác cùng phát triển. Theo đó trước tết Bính Tuất, các bên đã đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của nhau. Bộ sẽ áp dụng các cơ chế kinh tế tạo ra sự hợp tác, giảm đi những biểu hiện cửa quyền trong kinh doanh mạng lưới.
Tôi tin, với khả năng của mình, ngành BCVT trong nước vẫn sẽ chủ động dẫn dắt các doanh nghiệp cùng tiến lên. Năm nay doanh số của ngành khoảng xấp xỉ 3 tỉ đô la, nhưng đến năm 2010, 7 - 8 tỉ đô la là con số hoàn toàn có thể đạt được.
Lớp trẻ - những người đầu tàu
"Trong lĩnh vực BCVT, từ trước đã luôn rất coi trọng lớp trẻ, vì thế lĩnh vực này không thể không có đào tạo chu đáo, hệ thống.." (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Hôm trước theo dõi bàn tròn trực tuyến trên VietNamNet, thấy rằng để có được một dấu ấn của ngành BCVT trong giai đoạn đi tắt đón đầu, thì thấy thời kỳ ấy đã rất coi trọng yếu tố con người. Vậy theo Bộ trưởng, để có được bước tăng tốc trong giai đoạn hội nhập mới, nghành cần những cơ chế thế nào để có những con người mạnh mẽ dám đi trước và có những đột phá?
- Trong lĩnh vực BCVT, từ trước đã luôn rất coi trọng lớp trẻ, vì thế lĩnh vực này không thể không có đào tạo chu đáo, hệ thống, cũng không thể không có đào tạo "những người đầu tàu".
Cho nên chắc chắn trước đây cũng như sau này, nhất là khi tiếp cận với nền kinh tế chi thức thì nhân lực và trí tuệ sẽ là yếu tố quyết định. Chúng ta cũng thấy, hiện nay các viện nghiên cứu R&D (Research and Development) đã chuyển thành Research and Innovation - tức là "nghiên cứu và sáng tạo" – cho thấy một đặc điểm mới của kinh tế tri thức.
Dẫn lời Bộ trưởng Đỗ Trung Tá trong Bàn tròn Trực tuyến: Ngành Bưu chính viễn thông: Bài học đi thẳng lên hiện đại: (Thời kỳ đột phá của ngành BCVT những năm 1987-1988)... Nhiều người lúc đó lo rằng mình còn chưa có đội ngũ cán bộ chuyên môn. Nhưng lãnh đạo ngành khẳng định đội ngũ khoa học kỹ thuật của Bưu điện hoàn toàn có thể đảm đương được công nghệ mới mà không cần người nước ngoài hỗ trợ về bảo dưỡng và khai thác. ...Tôi cho rằng trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục phải đổi mới, tiếp tục tăng tốc, tiếp tục thay đổi tư duy trong việc mở cửa cạnh tranh kinh doanh các dịch vụ Bưu chính Viễn thông và CNTT. Hơn nữa, phải làm sao huy động được toàn bộ nhân lực tài lực để xây dựng mạng lưới viễn thông trong thời gian tới. Mở ra nhiều dịch vụ đáp ứng không chỉ người dân ở thành thị, mà cả ở nông thôn và vùng cao. Đó sẽ là lời cám ơn chân thành của chúng ta đối với xã hội, đối với quần chúng nhân dân đã ủng hộ ngành Bưu điện trong suốt 60 năm qua, những người đã che chở chúng tôi trong thời kỳ chiến tranh, gian khó và nay là khách hàng tích cực, nguồn động lực thôi thúc chúng ta trong thời kỳ đổi mới. |
Những người trí thức sản xuất ra các sản phẩm trí tuệ, đôi khi không nhất thiết phải thành lập các nhà máy để sản xuất đến sản phẩm cuối cùng, mà có thể chuyển giao, bán công nghệ đó cho các nước đang phát triển.
Muốn tiếp nhận các công nghệ đó, bản thân các nước đang phát triển cũng phải có nền tảng tri thức nhất định. Cho nên nguồn nhân lực để tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và nguồn nhân lực tri thức để sáng tạo ra các công nghệ của riêng mình đều rất cần!
Cho nên có thể nói sự đổi mới cần những trí tuệ cao hơn của đội ngũ, kể cả đội ngũ công nhân. Vì dù là để ứng dụng công nghệ có sẵn cũng phải có trình độ, chưa nói đến sáng tạo sản phẩm của riêng mình.
Vì thế, trong quy hoạch ngành, trong phát triển doanh nghiệp, Bộ cũng đã đề nghị các Trung tâm đào tạo đại học chính quy phải đào tạo làm sao để khi rời ghế nhà trường, các sinh viên có trình độ sàn cao và làm việc được ngay. Thậm chí có đủ kiến thức để thành lập các doanh nghiệp nhỏ.
Với CNTT, nhiều khi một người cũng có khả năng thành lập doanh nghiệp. Một người với ý tưởng tốt, thành lập doanh nghiệp và cả xã hội quay guồng dịch vụ. Có thể nói CNTT sẽ sinh ra rất nhiều việc làm, nhiều khả năng kinh doanh cho lớp trẻ.
Tôi rất hi vọng trong 10, 15 năm nữa, CNTT sẽ phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế của chính bản thân nó. Đồng thời thành động lực thúc đẩy các ngành kinh tế xã hội khác.
Thử thách của lòng yêu nước thời nay là thương trường
Qua đó, có thể thấy bộ trưởng rất tin tưởng và kỳ vọng vào lớp trẻ?...
Giai đoạn tới là giai đoạn của lớp trẻ, có trí tuệ, có lòng yêu nước, cũng rất nhiều thách thức. Lòng yêu nước phải có thử thách trên “chiến trường”! Chiến trường ở đây là thị trường, cũng cam go và rất nhiều thử thách.
Hãy tin tưởng vào một lớp trẻ có trí tuệ, tiếp tục ủng hộ đường lối đổi mới .
Đường lối ấy phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy, nhận thức, thích ứng được tốc độ phát triển của Việt Nam với thế giới. Chấp nhận và không ngừng tiếp thu công nghệ mới nhưng tiến tới phải có cái gì đó "của Việt Nam". Chúng ta sẽ làm được nhiều điều nếu tin tưởng vào lớp trẻ và dám đầu tư.
-
Nhóm PV VietNamNet