(VietNamNet) - Bộ Bưu chính Viễn thông vừa yêu cầu tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ĐTDĐ kiểm tra, rà soát và quản lý chặt chẽ hơn các thuê bao trả trước mạng mình.
Việc quản lý thuê bao di động trả trước ngày càng nằm ngoài tầm kiểm soát! |
Theo báo cáo, hiện tại tổng số thuê bao trả trước của bốn mạng di động Vinaphone, MobiFone, Viettel và S-Fone chiếm tới 70- 80% tổng thuê bao trên mạng, vào khoảng 5 triệu thuê bao trả trước. Trong khi đó, việc quản lý, lưu giữ thông tin, địa chỉ của các thuê bao này lại đang thả nổi.
Thông thường, đối với thuê bao trả trước, người sử dụng chỉ cần ra đăng ký với các đại lý là được sở hữu bộ Kit mới và hòa mạng ngay lập tức, không cần bất cứ giấy tờ tùy thân gì (đối với dịch vụ trả sau, bắt buộc chủ sở hữu phải có chứng minh thư nhân dân và sổ hộ khẩu mới được hoà mạng).
Dư luận lâu nay đã lên tiếng rất nhiều về nạn ăn cắp số đẹp, tranh chấp các số di động trả trước, với mức giá được "ra" lên tới hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn không có một hình thức nào kiểm soát hiệu quả tình trạng này.
Các nhà cung cấp dịch vụ di động cho biết, khi người sử dụng đến nhà cung cấp để khôi phục lại thuê bao đã bị mất, nếu không có phiếu đăng ký sử dụng, họ chỉ cần nhớ 5 số điện thoại hay gọi đi thường xuyên là lập tức được tái sở hữu lại số thuê bao đó. Liệu rằng, khi kẻ cắp đã lấy được sim, việc nắm bắt được các số di động thường xuyên gọi đi, gọi đến có phải là chuyện ''dễ như trở bàn tay''?
Mới đây, Trung Quốc chuẩn bị thông qua dự luật bắt buộc tất cả mọi thuê bao ĐTDĐ tại nước này phải đăng ký lại số ĐTDĐ của mình dưới tên và địa chỉ thật. Luật mới này giống như những luật có nội dung tương tự đã được các quốc gia như Singapore, Thụy Điển, Thái Lan và Malaysia đã từng thông qua. Luật này sẽ yêu cầu khoảng 200 triệu thuê bao di động trả trước của Trung Quốc phải cầm chứng minh nhân dân và hộ khẩu để đi đăng ký lại số máy của mình. Và nếu quá thời hạn quy định mà chưa tái đăng ký thì số ĐTDĐ sẽ bị cho ngưng hoạt động!
Quay lại với thị trường di động Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông đều thừa nhận tác hại khôn lường của việc thả nổi thị trường di động trả trước. Thứ nhất, việc xuất hiện bom tin nhắn spam đều xuất phát từ các thuê bao trả trước, gây phiền toái không ít cho người tiêu dùng, với các loại tin như quảng cáo dầu gội đầu, khuyến mãi xà phòng Omo, hay tin đồn thất thiệt nhắn tin tặng tiền vào tài khoản... Điều tệ hại hơn là những tin nhắn nguy hại này lại thường xuyên được gửi đến vào những giờ không ai muốn nhận: giờ nghỉ trưa, lúc nửa đêm.
Thứ hai, theo đánh giá từ phía các nhà cung cấp dịch vụ, việc thắt chặt quản lý thuê bao trả trước sẽ góp phần tiết kiệm được kho tài nguyên số. Bởi vì, hiện nay, các thuê bao khóa hai chiều, ''thuê bao ảo'' đang chiếm tỷ lệ khá cao. Hiệu suất sử dụng kho số trả trước bình quân mới chỉ chiếm khoảng 50% trong khi, dải số cho các mạng di động hiện nay đang không dồi dào, thậm chí, còn có nguy cơ phải tăng thêm đầu số.
Tác hại thứ ba dễ nhận thấy là nạn hoành hành của các đối tượng trộm cước viễn thông, sử dụng số trả trước, với tên, địa chỉ thuê bao nặc danh, không rõ xuất xứ. Thông thường, các đối tượng này thuê phòng khách sạn để đặt thiết bị, đăng ký dịch vụ điện thoại cố định, vô tuyến, nội thị, thẻ hoà mạng trả trước. Trong đó, thẻ hoà mạng trả trước được dùng khá phổ biến vì nhiều nhà cung cấp không lưu dữ liệu khách hàng, người sử dụng không phải đi đóng cước nên các đối tượng trộm cước có thể "mai danh ẩn tích".
Rõ ràng, các doanh nghiệp chưa có biện pháp khả thi quản lý lượng thuê bao chiếm số lượng lớn này. Ngay với nước láng giềng Trung Quốc, việc tái đăng ký lại cũng đang bị dư luận hai phía, từ nhà cung cấp và người sử dụng không đồng tình vì thủ tục phức tạp, tốn kém và không thuận lợi. Cũng giống với Trung Quốc, từ phía các mạng di động Việt Nam, việc quay trở lại quản lý các thuê bao trả trước đang trên mạng quả là việc không tưởng!
Nhận xét về vấn đề này, đại diện mạng di động Vinaphone tiết lộ, hiện tại, các kênh đại lý, dịch vụ tư nhân được phép hòa mạng dịch vụ Vinakit chiếm tới 90%, nên doanh nghiệp khó thể ép họ phải thắt chặt quản lý thuê bao trả trước. Hơn nữa, từ trước tới nay, dịch vụ trả trước (prepaid) vốn đã được đánh giá cao với ưu điểm dễ dàng khi hòa mạng. Vì thế, xem ra, việc nhìn nhận những phiền toái về lâu về dài của các mạng trong công tác quản lý này đang vẫn còn để ngỏ...
-
Hoàng Hùng