Năm qua, thị trường ĐTDĐ Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 4,5 triệu thuê bao mới. Dự báo trong năm 2006, cuộc cạnh tranh trên thị trường này sẽ còn khốc liệt gấp bội với sự góp mặt của hai nhà cung cấp mới: EVN Telecom và Hanoi Telecom, đặc biệt là khâu giá cước.
Khách hàng vừa lợi vừa thiệt
“Cạnh tranh”, “khách hàng đã có sự lựa chọn” là những cụm từ được nhắc đến nhiều khi nói về thị trường dịch vụ di động năm 2005, với sự xuất hiện và tăng trưởng gây sốc của mạng di động Viettel. Chỉ trong vòng hơn 1 năm, nhà cung cấp này đã có trong tay gần 2 triệu thuê bao.“Đây là năm đầy thách thức đối với 2 mạng ĐTDĐ của chúng tôi (mạng Vinaphone và MobiFone). Viettel đã tăng trưởng quá nhanh. Lợi thế vùng phủ sóng đã không còn nữa” - Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) thừa nhận.
Với sự tăng trưởng được dự báo là vẫn tiếp tục rất nhanh, giờ đây Viettel đã trở thành đối thủ ngang tài ngang sức với Vinaphone và MobiFone.
Chính đối thủ này đã tạo ra cuộc chạy đua sít sao giành giật thị phần thông qua các hình thức khuyến mãi và giảm cước liên tục trong năm qua. Điều dễ nhận thấy nhất trong năm qua là sau Viettel, Vinaphone và MobiFone đã chịu tính cước block 6 giây cho khách hàng của mình.
Nhà cung cấp Viettel còn phá vỡ tiền lệ bằng cách tung ra chiêu khuyến mãi miễn phí cuộc gọi nội mạng đầu tiên kéo dài hơn một tháng. Rồi cũng chính nhà cung cấp này dẫn đầu cuộc đua kéo giá sim xuống mức gần như cho không.
Mới đây, Viettel lại tiếp tục khiến VNPT một lần nữa “thót tim” khi tung ra chiêu khuyến mãi cho khách hàng gọi nội mạng miễn phí 24 giờ. Cực chẳng đã, MobiFone đành phải tung ra chương trình giảm đến 90% cước cuộc gọi vào giờ thấp điểm.
Vinaphone cũng phải miễn phí 449 block 6 giây cho khách hàng hòa mạng mới. Cuộc chạy đua này đã buộc VNPT phải “nằng nặc” đề nghị Bộ Bưu chính viễn thông cho phép giảm cước nhưng vẫn chưa được chấp thuận.
Tuy nhiên, chính việc khuyến mãi theo cách thu hút khách hàng bằng mọi giá đó của Viettel đã gây ra tình trạng nghẽn mạng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu thông tin của khách hàng.
Ngay từ đầu năm, tình trạng này đã xảy ra đối với 2 mạng của VNPT, đặc biệt là Vinaphone. Dù mạng lưới chưa được đầu tư đúng mức, nhưng Vinaphone vẫn cứ tung ra khuyến mãi thu hút khách hàng dịp Tết và thuê bao của tất cả các mạng lại phải gánh hậu quả của việc nghẽn mạng trong nhiều ngày liền.
“Rõ ràng 3 nhà cung cấp lớn vẫn đang chạy đua theo số lượng khách hàng chứ không hề chú ý đến chất lượng dịch vụ” - TS Nguyễn Quang A, Phó Chủ tịch VP Bank, chuyên gia viễn thông nhận xét.
Theo ông Quang A, giữa các nhà cung cấp này cũng không có sự hợp tác, chia sẻ tài nguyên, nguồn lực. Cơ quan quản lý nhà nước cũng không có chính sách khuyến khích này. Chính vì vậy, mâu thuẫn xung quanh vấn đề kết nối giữa Viettel và VNPT đã xảy ra. Vụ việc ầm ỹ đến mức Chính phủ phải đứng ra chỉ đạo giải quyết.
Cạnh tranh bằng giá cước và công nghệ
Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2006, thị trường dịch vụ thông tin di động sẽ có thêm những chuyển biến tích cực mới nhờ sự góp mặt của EVN Telecom và Hanoi Telecom, đều dự kiến chính thức cung cấp dịch vụ vào quý I năm nay.
Điều thú vị là thị trường sẽ có 3 nhà cung cấp sử dụng công nghệ GSM (Vinaphone, MobiFone, Viettel) và 3 nhà cung cấp sử dụng cộng nghệ CDMA (S-Fone, Hanoi Telecom, EVN Telecom). TS Nguyễn Quang A còn cho rằng nếu các nhà cung cấp biết phối hợp theo công nghệ, thị trường sẽ có một đối trọng rất cân bằng.
Trái ngược với dịch vụ di động, thị trường cố định rơi vào tình trạng trầm lắng. Hiện thị trường này vẫn chủ yếu do VNPT cung cấp. Viettel mới triển khai dịch vụ đến 25 tỉnh thành với 18.000 thuê bao. Mặc dù được cấp phép cung cấp dịch vụ điện thoại cố định trên phạm vi toàn quốc, nhưng hiện SPT mới chỉ cung cấp dịch vụ này tại khu đô thị mới Nam Sài Gòn với khoảng 90.000 thuê bao. Nếu như năm 2004, tỷ lệ giữa thuê bao cố định và di động là 51%/49% thì năm 2005, tỷ lệ điện thoại cố định đã tụt xuống còn khoảng 44%. |
Các nhà cung cấp sử dụng CDMA với lợi thế công nghệ của mình sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn so với những “ông lớn” hiện nay. Khách hàng sẽ được tiếp cận những dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) tốc độ cao mới.
Phó Tổng giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng cũng tiên đoán sẽ có rất nhiều dịch vụ GTGT rất hấp dẫn khách hàng. Còn theo ông Quang A, rất có thể một cuộc cạnh tranh về công nghệ rất mạnh sẽ diễn ra.
Vấn đề được nhiều người quan tâm là liệu cuộc chạy đua giảm giá cước có còn tiếp diễn? “Chắc chắn sẽ vẫn còn bởi với giá thành dịch vụ hiện nay các nhà cung cấp vẫn có lãi” - TS Nguyễn Quang A khẳng định.
Ông Trần Mạnh Hùng cho biết trong quý I năm nay, phương án giảm cước của VNPT đối với dịch vụ di động Vinaphone và MobiFone sẽ được Bộ BCVT phê duyệt.
Theo ông Hùng, hiện nay Bộ này vẫn còn băn khoăn về chất lượng dịch vụ, nhưng 2 mạng sẽ hoàn thành đầu tư nâng cấp mạng trong quý I. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng tốc độ giảm cước sẽ diễn ra chậm hơn, thay vào đó là các chương trình khuyến mãi.
“Chạy đua bằng biện pháp giảm cước là thiếu khôn ngoan” - TS Quang A nói. “Việc giảm cước liên tục giữa các mạng sẽ phá vỡ tính bền vững của thị trường” - ông Trần Mạnh Hùng nhận xét.
Trong năm nay, vẫn theo ông Trần Mạnh Hùng, các mạng sẽ thu hút thêm trên 4 triệu thuê bao mới. “Nếu tình hình diễn ra suôn sẻ, con số thuê bao mới có thể đạt đến 5 triệu”. Nhưng nhà cung cấp nào sẽ có tốc độ phát triển nhanh nhất trong số những ông lớn hiện nay?
Theo các chuyên gia, nếu phương án giảm cước của VNPT chưa được Bộ BC&VT phê duyệt, Vinaphone và MobiFone sẽ vẫn giữ tốc độ tăng trưởng như hiện tại, nghĩa là khó lòng đuổi kịp Viettel.
“Trong tình hình hiện nay, giá cước rẻ vẫn là mối quan tâm hàng đầu của khách hàng. Đây chính là lợi thế của Viettel” - TS Quang A nói. Song, trong trường hợp Bộ BC&VT có những chính sách nới lỏng cho VNPT khi quy mô khách hàng của Viettel đã tương đương với 2 mạng thuộc đơn vị này, MobiFone sẽ có nhiều khả năng bứt phá nhờ dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn, chất lượng phủ sóng tốt hơn hẳn các đối thủ khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia đang lo ngại rằng nếu không có chính sách quản lý tốt hơn, mâu thuẫn trong việc kết nối giữa các mạng di động tương tự giữa VNPT - Viettel sẽ tái diễn.
Chính ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ BCVT đã thừa nhận những “sự cố” trong kết nối giữa các mạng di động sẽ còn xảy ra và Bộ BCVT sẽ vẫn tiếp tục phải giải quyết những mâu thuẫn này.
(Theo TPO)