2005 được đánh giá là một năm của viễn thông với sự bùng phát của hàng loạt các dịch vụ trong đó nổi bật nhất là 2 dịch vụ ADSL và thông tin di động.
ADSL bùng nổ trong năm qua đã tạo cơ hội để đông đảo người dân được sử dụng Internet tốc độ cao |
Cuộc chiến giảm giá ADSL, giá cước thông tin di động và trào lưu tính cước block 6 giây đã mang lại một luồng gió mới cho thị trường viễn thông Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng của các dịch vụ này cũng khiến cho chất lượng xuống thấp một cách trầm trọng và những lo ngại về chất lượng cũng tiếp tục được chuyển sang cho năm 2006.
ADSL và di động: bùng nổ như dự báo
2005 được đánh giá là năm bùng nổ của các dịch vụ viễn thông trong đó chủ yếu liên quan đến dịch vụ thông tin di động và dịch vụ Internet băng rộng. Cả hai dịch vụ này đều bùng nổ trong năm 2005 - đúng như những dự đoán của các chuyên gia công nghệ thông tin và giới báo chí từ cuối năm 2004. Thậm chí sự bùng nổ này còn vượt qua cả sự dự đoán về số lượng người sử dụng dịch vụ.
Mạng thông tin di động của Viettel Mobile đã nổi lên như một hiện tượng của năm với việc hoàn thành gần 2 triệu thuê bao ngay trong năm đầu tiên cung cấp dịch vụ. Đây cũng là một mức thuê bao kỷ lục mà một mạng di động khác phải mất tới 7-8 năm mới đạt được.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin, tốc độ phát triển nhanh vược bậc của Viettel cũng không phải là một sự ngẫu nhiên mà hội tụ trong đó rất nhiều yếu tố.
Viettel vừa ra đời đã làm được một điều mà các mạng di động khác chưa làm được. Đó là để khách hàng biết tới mình như một mạng di động có mức giá rẻ nhất, phủ sóng toàn quốc, khuyến mại nhiều và lớn nhất.
Cách tính cước block 6 giây ngay từ đầu tiên tuy không làm giảm bớt nhiều tiền trong hóa đơn thanh toán nhưng lại có tiếng vang lớn, đặc biệt là đối với lớp trẻ, sinh viên và những người có mức thu nhập vừa phải - lớp người mà trước đó còn chưa có ý định sử dụng điện thoại di động.
Cũng trong năm 2005, chán nản với dịch vụ Internet quay số thông thường, người sử dụng đã đổ xô đi lắp đặt dịch vụ Internet băng rộng. Số thuê bao ADSL của năm 2005 đã đạt con số 200.000 thuê bao, tăng gấp 4 lần so với năm 2004. Số người đăng ký lắp đặt ADSL đông đến mức các nhà cung cấp dịch vụ chủ yếu là FPT, VNPT và Viettel không kịp chuẩn bị để đáp ứng.
Cuộc chiến giảm giá đã có tác dụng lớn đối với người sử dụng khi mà mức giá ADSL không còn đắt hơn so với dịch vụ Internet quay số thông thường.
Cuộc chiến giảm giá ADSL cũng gắn liền với sự bùng phát của dịch vụ game online với nhiều đại hội game được tổ chức liên tục ở cả miền Nam và miền Bắc.
Sự phát triển của 2 dịch vụ chủ chốt là ADSL và thông tin di động cũng cho thấy tiềm năng của các dịch vụ này đang còn rất lớn tại thị trường Việt Nam và dự báo sẽ còn đạt mức tăng trưởng rất cao trong vòng 2-3 năm tiếp theo.
Nghẽn mạch di động và ADSL “rùa bò”
Bên cạnh tốc độ phát triển rất nhanh các dịch vụ viễn thông và số người sử dụng thì 2005 cũng là năm mà các dịch vụ viễn thông được khách hàng kêu ca, phàn nàn nhiều nhất về chất lượng dịch vụ.
Nghẽn mạch điện thoại di động gây bức xúc cho rất nhiều khách hàng trong năm 2005 |
Ngay trong trước và sau tết Ất Dậu, dịch vụ điện thoại di động của 2 nhà cung cấp Vinaphone và MobiFone đã gặp phải sự cố nghẽn mạch kéo dài và trở thành vấn đề được nhắc tới nhiều nhất trên báo chí đầu năm. Không chỉ Vinaphone và MobiFone, mạng di động mới Viettel cũng bị nghẽn mạch trầm trọng – hậu quả của vụ khuyến mại “miễn phí cuộc gọi nội mạng đầu tiên trong ngày”.
Sự cố nghẽn mạch lại càng được nhân thêm với vụ tranh chấp kết nối giữa 2 mạng di động của VNPT và Viettel. Khách hàng đã trở thành những người phải chịu thiệt thòi nhất khi trả tiền mà vẫn không thể gọi cho nhau chỉ với lý do: vấn đề kết nối.
Cùng với những sự cố nghẽn mạch, sự phát triển quá “nóng” của ADSL cũng đã khiến cho chất lượng của dịch vụ này xuống tới mức báo động. Từ Internet băng thông rộng, tốc độ của dịch vụ này đã được khách hàng chuyển đổi thành như “rùa bò” và một trong những nhà cung cấp dịch vụ bị khách hàng kêu nhất chính là FPT.
Tại một cuộc tọa đàm do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức đầu tháng 12/2005, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ viễn thông (Bộ Bưu chính Viễn thông) cũng cho biết: trước thực trạng chất lượng kém của các dịch vụ viễn thông như di động, ADSL, Bộ Bưu chính Viễn thông đã đề xuất lên Chính phủ việc đưa các dịch vụ này vào danh sách cần quản lý chất lượng đồng thời sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát, thậm chí có thể rút giấp phép của các doanh nghiệp đã được cấp nhưng chưa triển khai cung cấp dịch vụ mà không có lý do chính đáng.
Sự xuống dốc của chất lượng 2 dịch vụ ADSL và thông tin di động cũng cho thấy rằng, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của Việt Nam vẫn trong tầm tư duy đầu tư ngắn hạn mà không hề chuẩn bị cho mình một chiến lược đầu tư dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong nhiều năm tiếp theo.
Cho dù có lý do khách quan nhưng cho dù với lý do nào thì điều đó cũng là không thể chấp nhận đối với một doanh nghiệp kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, khi không cung cấp dịch vụ có chất lượng đúng như cam kết với người sử dụng.
Trong khi đó, vấn đề kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ cũ và mới cũng chưa hề được giải quyết một cách dứt điểm cho dù vụ việc này đã được đẩy lên tới tận Chính phủ.
Với những gì đã diễn ra trong năm 2005, người sử dụng sẽ còn có lý do để tiếp tục lo ngại về chất lượng các dịch vụ viễn thông trong năm 2006. Bộ Bưu chính Viễn thông - cơ quan quản lý lĩnh vực này chắc chắn sẽ còn rất nhiều việc phải làm, để hướng tới một thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh.
(Theo TBKTVN)