Theo âm lịch, 2006 sẽ là năm Tuất, và trong thế giới công nghệ, băng thông rộng luôn là "con chó săn thiện chiến nhất" suốt 5 năm qua.
Liên tục trong quãng thời gian ấy, băng thông rộng luôn tiến về phía trước với tốc độ của tên lửa, và tất nhiên là theo chiều đi lên. Xu hướng này có vẻ như sẽ vẫn tiếp diễn trong năm 2006, khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng chuyển sang dùng băng thông rộng, tốc độ đường truyền ngày càng cao và các dịch vụ gia tăng đi kèm ngày càng phong phú.
Theo giới phân tích, cuộc cạnh tranh lớn nhất, khốc liệt nhất trong 12 tháng tới sẽ xảy ra ở hai khu vực : Truyền hình Internet và điện thoại Net, giữa một bên là các nhà cung cấp dịch vụ mạng với một bên là các công ty công nghệ.
Cũng theo giới phân tích, các công nghệ mới như blog, podcast và vlog sẽ tiếp tục nở rộ. Chúng không chỉ dừng lại ở một sở thích nhất thời của con người, mà xa hơn, đó chính là vấn đề "Người tiêu dùng có thể đóng góp lại gì cho mạng Internet?".
Blog, podcast đã sản sinh ra một thế hệ người dùng Internet mới, mà gọi một cách văn vẻ là "các Công dân Sáng tạo". Giờ đây, với việc băng thông rộng "phủ sóng" tới 50% châu Âu, Đông Bắc Á và Bắc Mỹ, cái viễn cảnh con người có thể thỏa thuê sáng tạo những nội dung cá nhân trên Web gần như đã trở thành hiện thực.
Nhanh hơn, rẻ hơn
Để lôi kéo khách hàng, hầu hết các ISP đều tập trung đầu tiên vào khâu nâng cao tốc độ đường truyền. Tháng 2/2005, BT (Anh) tuyên bố tăng gấp đôi tốc độ dịch vụ lên 2Mb/giây nhưng vẫn giữ nguyên mức cước cũ. Thế nhưng "chiêu bài" hào phóng này đã bị lu mờ vì các đối thủ của hãng còn câu kéo mạnh hơn nhiều.
Đinh ninh trong lòng "nhanh hơn đồng nghĩa với tốt hơn", Bulldog đã nâng cấp dịch vụ 4Mb/giây của hãng lên 8Mb/giây hồi hè vừa qua. Tuyên bố này chưa kịp ráo mực thì hãng cáp NTL đã quảng cáo dịch vụ 10Mb/giây. Đến cuối năm, Wanadoo tiếp tục khuấy động thị trường bằng việc cung cấp dịch vụ 8Mb/giây như một dịch vụ chuẩn.
Chắc chắn cuộc chiến tốc độ chưa dừng ở đây, bởi thiên hạ đang xôn xao bàn tán về ADSL 2+, thế hệ băng thông rộng đời kế tiếp, cùng lời hứa hẹn sẽ nâng tốc độ đường truyền lên tới 24Mb/giây.
Hiển nhiên, việc không ngừng nâng cao tốc độ đường truyền và đảm bảo duy trì được tốc độ đó có ý nghĩa sống còn trong việc phát triển băng thông rộng của các ISP trong năm 2006. Tuy nhiên, theo giới phân tích, chỉ tốc độ thôi thì chưa bao giờ là đủ. Cũng giống như địa hạt ĐTDĐ, băng thông rộng vẫn cần có các dịch vụ tiện ích, nội dung và giá trị gia tăng đi kèm để có thể thực sự quyến rũ khách hàng.
Khoảng cách số
Mặc dù vậy, đây đó vẫn còn những nỗi e ngại về một "khoảng cách số" thứ hai, giữa những người dùng máy tính ở các vùng xa đô thị, nơi tốc độ truy cập chậm như sên với các thành phố sầm uất, có băng thông rộng "phủ sóng". Theo lý thuyết, các nhà hoạch định chiến lược luôn mong muốn đưa dịch vụ đến tất cả mọi vùng miền, nhưng trên thực tế, các ISP lại chỉ muốn tập trung cung cấp dịch vụ ở các khu vực đô thị, nơi đẻ ra lợi nhuận cao hơn mà chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng thấp hơn.
Bản thân những khu vực có đường truyền băng thông rộng cũng có vấn đề riêng. Theo bản báo cáo của hãng phân tích Point Topic, hiệu suất của ADSL2+ phụ thuộc vào khoảng cách từ người dùng cho đến tổng đài điện thoại gần nhất, cũng như chất lượng của đường điện thoại đó. Số người đạt được tốc độ trên 18Mb/giây thấp đến khó tin, chưa đầy 5%. Vì thế, lời khuyên đưa ra cho người tiêu dùng là đừng nên tin vào tất cả những lời đồn thổi, quảng cáo xung quanh các dịch vụ "siêu nhanh" hay Internet tốc độ cao.
Thiên Ý (Theo BBC)