(VietNamNet) - Năm 2005 đánh dấu nhiều biến động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin-Viễn thông (CNTT-VT), từ sự bùng nổ của hiện tượng game online, thị trường di động cạnh tranh giá cước mạnh mẽ liên quan đến sự cố kết nối liên mạng Viettel-VNPT... Khung pháp lý về CNTT đã được cụ thể hoá với sự kiện Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử... Xin gửi tới quý độc giả bức tranh tổng quát về lĩnh vực CNTT-VT Việt Nam năm 2005 qua 10 sự kiện do Báo điện tử VietNamNet bình chọn.
1. Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử
Sáng 19/11/2005, Quốc hội đã ''bấm nút'' thông qua Luật giao dịch điện tử (có hiệu lực từ 1/3/2006) với 72,27% đại biểu tán thành. Luật gồm 8 chương, 54 điều quy định về thông điệp điện tử; chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong giao dịch điện tử...
2. Sự cố kết nối liên mạng Viettel-VNPT
Ngày 25/6, Bộ Quốc phòng đã soạn một công văn khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ, khiếu nại VNPT không chịu cung cấp đủ dung lượng kết nối giữa mạng di động 098 và mạng điện thoại của VNPT.
Sau nhiều tranh luận giữa hai bên không đi tới thống nhất, vụ việc đã được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để giải quyết dứt điểm. Sau đó, Thủ tướng đã có kết luận chính thức về vấn đề này.
3. Game Online bùng nổ tại Việt Nam
Năm 2005 đánh dấu sự phát triển bùng nổ của Game online tại Việt Nam. Dù chưa thể trở thành một ngành công nghiệp giải trí ngay lập tức, nhưng doanh thu bước đầu của trò chơi trực tuyến cũng cho thấy đây là một thị trường đầy hứa hẹn.
Giới trẻ Việt Nam lập tức bị cuốn hút bởi game online, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh, thiếu niên. Một số mặt trái của game online xuất hiện, khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Cơ quan quản lý giật mình tìm cách quản lý và kiểm soát trò chơi trực tuyến, nhưng chưa có văn bản pháp lý cụ thể nào quản lý loại hình dịch vụ này. Game online được quy chiếu theo các văn bản hiện tại và được coi là loại hình dịch vụ viễn thông gia tăng giá trị trên Internet, và đòi hỏi phải có giấy phép OSP. Trong khi chờ có văn bản quản lý chính thức, VinaGame không được cung cấp thêm game mới và mở rộng số lượng người chơi.
4. Thị trường ADSL bùng nổ, chất lượng sụt giảm
Năm 2005 đánh dấu sự phát triển đột phá về số lượng thuê bao ADSL. Viettel gia nhâp thị trường Internet băng rộng với mức giá cước thuê bao rẻ và giành được thị phần từ VNPT và FPT, hai doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ADSL chính từ năm trước. FPT và Viettel bắt đầu chạy đua về giảm giá cước.
Đến tháng 7/2005, khi mức cước thuê kênh được giảm xuống, VNPT đã quyết định tung ra 4 gói cước mới phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Lập tức FPT cáo buộc VNPT phá giá, nhưng sau đó lại giảm cước mạnh nhất. Trước đó, FPT đã bị Sở BCVT TP.HCM phạt 70 triệu đồng do chưa hoàn tất các thủ tục về giấy phép thiết lập cơ sở hạ tầng mạng.
Trong nửa cuối năm 2005, chất lượng dịch vụ ADSL sụt giảm rõ rệt do số lượng thuê bao tiếp tục tăng mạnh còn 3 ISP chính là VDC, FPT, Viettel chưa có sự cải tiến và nâng cấp hạ tầng mạng kịp thời, gây nên nhiều bức xúc cho khách hàng.
5. Thị trường di động cạnh tranh quyết liệt
Chỉ mới vừa tròn 1 tuổi vào tháng 10/2005, nhưng mạng 098 đã tạo nên thế chân vạc vững chắc trên thị trường di động cùng 2 "đàn anh" là VinaPhone và MobiFone. Để có được thành công đột phá này, Viettel liên tục là người "khai hoả" mở màn trong các cuộc đua về hạ giá cước di động, cách tính cước theo block 6 giây, khuyến mãi hoà mạng miễn phí, và đặc biệt là loạt chương trình khuyến mãi "vô tiền khoáng hậu" cho phép khách hàng gọi cuộc đầu tiên trong ngày miễn phí gây nên tình trạng nghẽn mạch.
2 mạng VinaPhone và MobiFone cũng được phép giảm cước, khuyến mãi tặng thêm tiền nạp vào tài khoản và phí hoà mạng mới, cũng như được chuyển sang cách tính cước block 30+6. Thị trường di động Việt Nam đã có một năm mở cửa cạnh tranh mạnh mẽ, và dự báo sẽ tiếp tục nóng hơn nữa với sự ra đời của hai mạng 092 của Hanoi Telecom và 096 của Viễn thông Điện lực trong năm tới.
6. Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin 2010
Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ra quyết định số 219/2005/QĐ-TTg, phê duyệt "Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010" vào ngày 9/9. Bản chiến lược nhấn mạnh: Chiến lược phát triển thông tin là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, thông tin là công cụ cung cấp tri thức, dự báo sự phát triển và là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Bộ Văn hóa thông tin sẽ có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các Bộ: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Công an, Quốc phòng, các ngành liên quan, các Ủy ban nhân dân tỉnh để triển khai thực hiện kế hoạch này. Các nội dung lớn như: Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch phát triển thông tin 5 năm, hàng năm; Xây dựng mô hình đạo tạo nghiệp vụ về thông tin; Xây dựng và thẩm định các dự án phát triển thông tin; Xác định tỷ lệ ngân sách hàng năm cho sự nghiệp phát triển thông tin; Xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp báo chí; Thực hiện đảm bảo an ninh thông tin trong nước và đối ngoại... cũng được Chính phủ quy định rõ ràng nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành.
7. Phê duyệt Đề án hình thành Tập đoàn BCVT Việt Nam
Tháng 3/2005, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 58/2005/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án hình thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam và các đơn vị thành viên.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam sẽ hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con. Bộ máy quản lý của Tập đoàn bao gồm: Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng và bộ máy giúp việc
8. Việt Nam tổ chức thành công hội nghị TELMIN5
Sáng 26/9, tại Hà Nội, Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và CNTT ASEAN lần thứ 5 (TELMIN5) đã chính thức khai mạc với sự tham gia của 250 đại biểu từ 10 nước thành viên ASEAN và 3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hội nghị TELMIN5 với chủ đề: "Thúc đẩy phát triển các ứng dụng và dịch vụ mạng để hiện thực hóa e-ASEAN", đã bàn thảo nhiều vấn đề quan tâm chung của các nước ASEAN trong lĩnh vực Viễn thông và CNTT nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một không gian e-ASEAN liên kết, sống động và an toàn. Trong khuôn khổ hội nghị, các Bộ trưởng viễn thông thành viên ASEAN đã nhiệt liệt ủng hộ dự án thiết lập một tờ báo điện tử chung cho khối ASEAN với tên gọi AsiaNews.Net.
9. Hiệp sĩ CNTT 2005 tạo hiệu ứng xã hội lớn
Dù là một sự kiện thường niên được tổ chức lần thứ 3, nhưng Lễ tôn vinh Hiệp sĩ CNTT 2005 của Tạp chí eChip đã tạo nên hiệu ứng xã hội to lớn, nêu cao tinh thần thiện nguyện, cống hiến vô vị lợi vì lợi ích cộng đồng. Những tấm gương Hiệp sĩ CNTT 2005 dù gặp hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, nhưng vẫn vượt lên số phận, tự cứu mình và cứu những người cùng cảnh ngộ nhờ học tập và ứng dụng CNTT đã khiến mọi người đều xúc động.
Ông Nguyễn Khoa Điềm Trưởng ban TTVH Trung Ương đã phát biểu khi lên trao danh hiệu cho các Hiệp sĩ CNTT 2005: "Hiệp sĩ CNTT là những con người bình thường, thậm chí còn là người khuyết tật sức khoẻ yếu. Nhưng họ đúng là những hiệp sĩ, bởi vì họ có trái tim lớn, vì cộng đồng, vì xã hội. Tuy nhiên, nếu chỉ có trái tim lớn thì cũng chưa đủ để trở thành hiệp sĩ, mà ở đây, họ còn có một vũ khí lớn, đó là CNTT..."
10. Thông tư 02 về quản lý Internet có hiệu lực từ 1/8:
Ngày 14/7/2005, các bộ Bưu chính Viễn thông; Văn hóa thông tin; Công An; Kế hoạch và Đầu tư đã ký kết Ban hành Thông tư liên tịch về quản lý đại lý Internet số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT. Theo đó, các hàng Internet chỉ được mở cửa từ 6h sáng đến 24h đêm hàng ngày, dưới 14 tuổi không được vào hàng Internet một mình, chủ đại lý Internet phải qua một khoá đào tạo 6 tháng về những vấn đề liên quan đến Internet.
Tuy nhiên, việc áp dụng Thông tư 02 về quản lý Internet, vì nhiều nguyên nhân, chưa được hiệu quả như mong muốn. Nhiều cửa hàng Internet vẫn hoạt động trái quy định, trẻ nhỏ vẫn vào hàng Internet không cần người lớn đi kèm.
-
VietNamNet
Ý kiến của quý vị :