Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên vàng của thiết bị hi-tech. Cứ soát lại túi bạn mà xem. Cá là bên trong không có máy nghe nhạc, PDA, thiết bị lưu trữ USB, máy ảnh số thì cũng có ít nhất là một chiếc ĐTDĐ kết hợp tất cả những chức năng ấy bên trong. Với nhiều người, cuộc sống của họ đơn giản là không thể thiếu chúng.
Dựa trên các tiêu chí: Kích thước tương đối nhỏ (Tức là loại ô tô và TV màn hình lớn ra khỏi cuộc đua), mức độ hữu dụng, thiết kế, điểm sáng tạo, tác động đến những thiết bị đời sau và nhất là sự "quyến rũ", tạp chí PC World đã trầy trật chọn ra được 50 thiết bị tuyệt vời nhất của 50 năm qua.
Những sản phẩm này, có cái đang là mốt, cũng có những cái tên giờ chỉ còn trong bảo tàng, nhưng tất cả đều có một tầm ảnh hưởng rộng lớn đến cuộc sống của chúng ta. Xin trích giới thiệu với bạn đọc một số sản phẩm nổi bật nhất.
1. Sony Walkman TPS-L2 (1979)
Máy nghe nhạc cầm tay Sony Walkman TPS-L2 ngày nay đã trở nên rẻ và phổ biến tới mức chẳng còn ai nhớ nó đã từng một thời xa xỉ, khiến dân tình thèm thuồng và hay bị cướp giật như thế nào.
Khi chiếc máy Walkman hai màu xanh, bạc ra mắt lần đầu vào năm 1979, tất cả mọi người đều thấy nó lạ lẫm. Có thể nói, chính chiếc máy nghe nhạc giá 200 USD này đã mở đường cho ý tưởng về "thiết bị điện tử cá nhân" sau này.
Chiếc máy Walkman khi ấy gồm có một đầu máy cassette mini và cặp tai nghe gọn nhẹ đầu tiên trên thế giới. Ban đầu, vì lo sợ người tiêu dùng sẽ cho rằng Walkman khuyến khích con người rút vào vỏ ốc riêng, Sony đã trang bị cho Walkman tới hai jắc cắm headphone, cho phép người dùng chia sẻ âm nhạc với một người khác. Chẳng bao lâu, tính năng này đã bị xóa sổ. Giờ thì sau 25 năm, hơn 330 triệu chiếc máy Walkman đã được xuất xưởng và không còn ai băn khoăn chuyện vì sao lại có những người vừa đi vừa lắc lư trên phố với cặp headphone trên tai nữa.
2. Apple iPod (2001)
Ấy vậy mà khi chiếc máy iPod đầu tiên giá 399 USD ra mắt hồi tháng 10/2001, nó chẳng gây được ấn tượng vì chỉ tương thích với mỗi máy tính Macs. Model thứ hai được tung ra vào tháng 7 năm sau, với dung lượng bộ nhớ lên tới 20GB, "bánh xe" cảm biến và tương thích với cả máy tính chạy Windows.
Nhưng phải đến thế hệ thứ ba, ra mắt vào tháng 4/2003, iPod mới thực sự gây sốt: ổ cứng 40GB, tương thích với cả Mac lẫn Windows, hỗ trợ kết nối USB cùng với một loạt cải tiến khác. Bất chấp giá cao và tuổi thọ pin ngắn, iPod vẫn trở thành mốt thời thượng và khiến giới trẻ phát cuồng. Giờ thì iPod thế hệ thứ năm đã có cả tính năng xem video, và nó chuẩn bị mở ra một cuộc cách mạng mới trong địa hạt đầu đĩa video bỏ túi.
3. ReplayTV RTV2001 và TiVo HDR110 (1999)
Sự xuất hiện của hai thiết bị Replay TV cùng TiVo trong danh sách đã cho thấy người tiêu dùng ghét xem quảng cáo truyền hình đến mức nào. Ý tưởng đằng sau hai chiếc đầu thu video kỹ thuật số của Gemini này thật đơn giản: Số hóa tín hiệu truyền hình và truyền chúng đến một ổ cứng bên trong, cho phép người xem dừng, tua lại, tua nhanh hoặc thu lại chương trình tùy thích. Trong khi TiVo nghiêng về tính năng thu lại chương trình yêu thích, thì ReplayTV lại chú trọng đến khâu tua qua quảng cáo và các tính năng mạng.
4. PalmPilot 1000 (1996)
PalmPilot 1000 là cội nguồn, nguyên thủy của ý tưởng về PDA, tức một "trợ lý quản lý dữ liệu cá nhân", có kích thước đủ nhỏ để nằm gọn trong túi áo sơmi, với bộ nhớ động RAM đủ lớn (128KB) để lưu khoảng 500 cái tên cùng địa chỉ - khi ấy đã là con số rất ấn tượng. Tính năng nhận dạng chữ viết thực sự hiệu quả (một khi bạn đã thành thạo được phần mềm viết chữ), và tuyệt nhất là bạn có thể đồng hóa dữ liệu với các ứng dụng máy tính.
Ý tưởng về Palm "ăn tiền" ở chỗ hãng đã nhận ra người dùng muốn có một thiết bị bổ sung cho máy vi tính, chứ không phải thứ thay thế hoàn toàn máy tính. Các thiết bị Palm đời sau ngày càng nhỏ và mạnh mẽ, nhưng PalmPilot, đúng như tên gọi của nó, luôn chiếm giữ vị trí hoa tiêu.
5. Sony CDP-101 (1982)
Đầu đĩa nghe nhạc CD đầu tiên của Sony đã tạo ra cả một cơn địa chấn trên thị trường, khiến cho hàng triệu người yêu nhạc vứt bỏ hoàn toàn máy quay đĩa than. Hình thức của "cái hộp" CDP-101 không thực sự bóng bẩy, nuột nà và mức giá thuộc hàng cắt cổ (900 USD), nhưng nó đã báo hiệu một kỷ nguyên mới của âm thanh số.
Giờ đây, với những hệ thống nghe nhạc CD SuperAudio, hoặc vừa nghe nhạc, vừa xem được DVD với chất lượng âm thành lập thể tuyệt hảo, cùng với sự thống trị của MP3, sớm muộn gì thì dàn CD cũng nối gót đầu đĩa than về miền quá khứ.
6. Motorola StarTAC (1996)
StarTAC của Motorola là chiếc điện thoại di động đầu tiên đạt đến sự tương xứng giữa tính năng với thiết kế - mở đầu cho trào lưu ĐTDĐ thời trang ngày nay - mà đáng chú ý nhất chính là Motorola Razr. Vào thời đó, không có một con dế nào nhỏ gọn bằng StarTAC: Người dùng có thể gắn con máy nặng 3,1 ounce này vào thắt lưng và tung tăng đi bất cứ đâu. StarTAC là chiếc điện thoại đầu tiên cho phép chọn chế độ rung, và cũng là kiểu máy gập đầu tiên trên thị trường.
11. Sony PlayStation 2 (2000)
PS2 cũng tích hợp một số tính năng mà bạn không dám mong chờ từ một thiết bị chơi game, như chạy đĩa DVD chẳng hạn. Bất chấp mức giá 300 USD, gấp đôi các sản phẩm đối thú, PS2 vẫn nhanh chóng trở thành sự lựa chọn số 1, không chỉ với dân game thủ. Năm 2003, Trung tâm ứng dụng Siêu máy tính quốc gia của Mỹ đã sử dụng 70 máy PS2 để xây dựng nên một siêu máy tính có khả năng giải quyết nửa nghìn tỷ phép tính/giây.
12. Motorola Razr V3 (2004)
Razr V3 của Motorola chính là iPod của làng ĐTDĐ. Với độ siêu mỏng ấn tượng và thiết kế vỏ gập cực kỳ quyến rũ, cùng với lớp vỏ bằng aluminum, màn hình LCD bên trong 2,2 inch siêu sáng, cái giá 500 USD chẳng thể khiến người tiêu dùng đắn đo phút nào.
Ngoài ra, Razr V3 còn có camera số 640 x 480, zoom 4x và khả năng xem video MPEG-4, kết nối được Bluetooth. Một cuộc hôn phối tuyệt vời giữa tính năng và thiết kế. Bạn không thể ngăn nổi mắt nhìn ngưỡng mộ của những người khác khi bước vào văn phòng với một con Razr V3 trên tay.
14. BlackBerry 850 Wireless Handheld (1998)
Hãng công nghệ Research in Motion của Canada chẳng hề phát minh ra email, mạng dữ liệu không dây, thiết bị cầm tay hay bàn phím kiểu QWERT. Nhưng với con máy BlackBerry nhỏ nhắn này, cùng với phần mềm máy chủ cho phép hiển thị email trên màn hình một cách dễ dàng, RIM đã kết hợp tất cả những yếu tố đó với nhau, theo một cách thức đơn giản nhất, tiện lợi nhất, để ngay cả những người "a,b,c" nhất về công nghệ cũng dùng được. BlackBerry đã làm thay đổi mãi mãi mẫu mã của những thiết bị PDA sau này, đồng thời truy cập email đã trở thành tính năng chuẩn cho mọi thiết bị cầm tay nối mạng.
20. Handspring Treo 600 (2003)
Công cuộc "lai ghép" điện thoại với palmtop đã đạt đến một cột mốc quan trọng với Treo 600, sản phẩm của Handspring - một đối thủ của Palm nhưng sau này lại bị chính Palm nuốt chửng. Mỏng vừa đủ để nhét vừa trong túi, rộng vừa đủ để sở hữu một bàn phím QWERTY của BlackBerry, Treo đã nhanh chóng trở thành thiết bị nổi bật nhất của năm 2003-2004. Ánh hào quang của Treo 600 chỉ trở nên lu mờ sau khi kẻ kế nhiệm nó, Treo 650 ra đời mà thôi.
26. Nintendo Game Boy (1989)
Thiết bị chơi game cầm tay đến từ một đại gia của nước Nhật, làm điên đảo trẻ em toàn thế giới. Mẫu sản phẩm đầu tiên chỉ dừng lại ở màn hình LCD xanh đen, cùng với rãnh nhét thẻ game nhỏ cỡ hộp diêm. Các phiên bản sau ngày càng nhỏ gọn và mạnh mẽ hơn, song vẫn tương thích với "thủy tổ" của chúng. Game Boy hiện vẫn thống trị thị trường máy chơi game cầm tay - ít nhất là cho tới khi Sony PSP3 ra mắt vào cuối năm tới.
31. iRobot Roomba Intelligent Floorvac (2002)
Một con robot biết làm việc nhà ư? Với hơn 2 triệu người dùng vào thời điểm hiện nay, Roomba được coi là con robot thành công về mặt thương mại đầu tiên của Mỹ. Chiếc máy hút bụi rộng 14 inch này trông không khác mấy với một cây gậy khúc côn cầu, nhưng thiết kế cực kỳ thông minh, cho phép tránh được mọi chướng ngại trong khi vẫn hút sạch từng hạt bụi.
32. Microsoft Intellimouse Explorer (1999): Chuột quang đầu tiên trên thế giới, không dùng bi mà sử dụng ánh sáng hồng ngoại để nhận biết chuyển động của chuột.
35. Motorola DynaTAC 8000X (1983): được xem là điện thoại di động “cục gạch” đầu tiên trên thế giới, được thiết kế to đùng như những máy bộ đàm cổ lỗ.
36. Iomega Zip Drive (1995): được xem là ổ đĩa lưu trữ di động đầu tiên trên thế giới.
37. Magnavox Magnavision Model 8000 DiscoVision Videodisc Player (1978): đầu đĩa quang đầu tiên trên thế giới, đây là dạng ổ đĩa tiền thân của mọi đầu CD hoặc DVD hiện nay.
40. Connectix QuickCam (1994): Tiền thân của web camera hiện nay.
41. BellSouth/IBM Simon Personal Communicator (1993): Điện thoại di động tích hợp PDA đầu tiên trên thế giới.
42. Motorola Handie Talkie HT-220 Slimline (1969): Loại máy bộ đàm cầm tay đầu tiên, được phát triển từ loại máy bộ đàm “vác vai” từ hồi thế chiến 2.
44. Sony Aibo ERS-110 (1999): chó robot đầu tiên trên thế giới, được xem là loại thú cưng được robot hóa đầu tiên, có giá 1500 USD vào năm 1999.
45. Sony Mavica MVC-FD5 (1997): máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới có khả năng ghi hình chụp trực tiếp vào đĩa… mềm 3,5 inch.
47. Timex/Sinclair 1000 (1982): một dạng máy tính để bàn mini có giá rẻ đầu tiên, khoảng 100 USD vào năm 1982.
48. Sharp Wizard OZ-7000 (1989): có thể được xem là tiền thân của máy Palm, về cơ bản là một máy tính điện tử khá hiện đại, ngoài ra có thể thể hiện sổ địa chỉ, lịch và đồng hồ.
50. Poqet PC Model PQ-0164 (1990): được xem là Pocket PC đầu tiên trên thế giới, có kích thước bằng một cuộn băng video VHS và có giá đến 2000 USD vào năm 1990.
Thông tin và danh sách đầy của PC World, bạn có thể tham khảo tại địa chỉ: http://www.pcworld.com/reviews/article/0,aid,123950,pg,5,00.asp
Thiên Ý (Theo PC World)