Theo số liệu công bố mới nhất từ hãng nghiên cứu IDC, trong khi mức tăng trưởng của năm 2005 là 15,8% thì doanh thu máy tính cá nhân toàn cầu trong năm 2006 sẽ chỉ dừng lại ở mức 10,5%.
Hai nhân tố chính được cho là nguyên nhân gây ra sự chững lại này là vì tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm dần và nhu cầu đổi máy, nâng cấp phần cứng của thị trường cũng thấp hơn. Mặc dù vậy, sức hút từ những cỗ máy giá rẻ, nhỏ gọn và di động vẫn giúp ngành công nghiệp PC thế giới tăng trưởng 2 con số trong năm 2006. Triển vọng của tất cả các thị trường máy tính, ngoại trừ Nhật Bản, vẫn tiếp tục vững vàng trong 12 tháng tới.
"Sau cú sốc của những năm 2001 và 2002, nhiều người đã bị ấn tượng trước sự quật khởi của thị trường máy tính vào năm 2004. Mặc dù vậy, họ vẫn còn lo ngại về sự ổn định cũng như thời gian tri trì của tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ này", Loren Loverde, giám đốc nghiên cứu PC của IDC nhận định. Thực tế trên thị trường - khi ngành PC tiếp tục tăng trưởng hai chữ số trong năm 2005 đã cho thấy quá trình hồi phục vẫn chưa "chạm nóc" như nhiều người tưởng. Trái lại, nó vẫn tiếp tục hành trình đi lên của mình".
Dự đoán mới của IDC đã biến 2006 trở thành năm thứ tư liên tiếp ngành công nghiệp PC đạt mức tăng trưởng trên 10% về doanh số bán ra. Theo ước đoán, đến năm 2009, số lượng máy tính xuất xưởng sẽ đạt đến con số 300 triệu máy, với tổng giá trị trên 250 tỷ USD.
Tại thị trường Mỹ, nhu cầu dành cho máy tính xách tay và máy tính doanh nghiệp là hai động cơ chính tiếp sức cho công cuộc tăng trưởng, bất chấp tác động của giá dầu tăng và những thảm họa bão gần đây. Số máy tính xuất xưởng trong 12 tháng qua vẫn đạt 64,2 triệu chiếc. Tuy nhiên, tình hình tại Tây Âu không được lạc quan như vậy, do tâm lý thắt chặt hầu bao và môi trường kinh tế khá bằng phẳng tại khu vực này.
Còn ở Nhật, mặc dù tăng trưởng trong quý III/2005 khá mạnh mẽ, song các yếu tố như giá dầu tăng cùng sức ép về ngân quỹ doanh nghiệp sẽ tác động không nhỏ đến triển vọng của năm 2006. Thị trường châu Á-Thái Bình Dương cũng chững lại vì nguy cơ bùng phát đại dịch cúm gà và bản thân nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm hơn.
Thiên Ý (Theo CNET)