Trước đây, khi mà những cái tên như MU, hay Võ lâm truyền kì còn xa lạ đối với giới trẻ thì game được coi như trò giải trí “độc quyền” của con trai. Nhưng rồi phái nữ cũng bắt đầu ưa thích" trò" này.
Nghiện game online
(Ảnh: Quantrimang) |
“Một ngày tớ online 4 tiếng, trong đó thời gian dành cho game thường là… 3 tiếng”- Trang (ĐH Ngoại ngữ HN) “bật mí”. Chơi game từ lâu nhưng chưa bao giờ Trang cảm thấy bị cuốn hút như game online.
Cùng chung một niềm đam mê như Trang, Kim (học sinh trường THPT Lương Thế Vinh) còn dành thời gian cho game online tới 10 tiếng mỗi ngày, hôm nào hứng lên có thể chơi cả ngày!
Những người như Trang không còn là “đặc biệt” mà đã trở nên phổ biến. Đến quán Hoàng (ở đường Lương Thế Vinh - Hà Nội) lúc 17h15, tức là giờ tan trường, có thể thấy hàng tốp học sinh, sinh viên kéo nhau vào đông như đi hội.
Theo quan sát của người viết bài này thì hơn 1/3 người trong quán là con gái, và gần 1/2 trong số họ đang miệt mài chơi game, có bàn chơi riêng lẻ, có bàn túm tụm 4,5 người, cũng hò hét, cổ vũ, tiếc nuối…chẳng khác gì con trai.
Anh Hoàng chủ quán cho biết, ngày nào cũng có rất nhiều những bạn nữ online với game, có những bạn “nghiền” đến nỗi chỉ cần thấy vào hàng là anh đã tự động bật máy và kết nối “món” cho họ.
Không chỉ riêng mình quán anh Hoàng, và cũng không chỉ riêng khu vực Lương Thế Vinh, khảo sát quanh các trường đại học, đặc biệt là ĐH Bách khoa, ĐH KTQD… đều có kết quả tương tự.
Người khác giới nghĩ gì?
Có đến 83% trong số những bạn nữ đều cho rằng chơi game chủ yếu để giải toả stress, là một hình thức giải trí. Có bạn còn coi game như một giải pháp duy nhất để làm giảm sự căng thẳng của mình.
Liên (ĐHNN) còn quả quyết cho rằng: “Không có gì làm cho tớ vui như khi được chơi game”. Cũng theo Liên thì bỏ ra mấy tiếng ngồi ở hàng game còn hơn là đi lang thang đâu đó, vừa tốn tiền lại vừa mất thời gian.
Giống như đám con trai, phái nữ đều tìm đến với game với mục đích duy nhất là “chơi cho vui” và tất nhiên rất ít trong số họ thoát khỏi sự lôi cuốn của loại hình giải trí này một khi đã vào “vòng”.
Kiếm hiệp và “bạo lực” là đặc điểm nổi bật của các loại game, đặc biệt là game online, vì thế các cô nàng nghiền game sẽ trở nên mạnh mẽ, tự tin hơn?
Theo một khảo sát nhỏ của chúng tôi, có đến 46% trong số những bạn gái được hỏi đều gật đầu đồng ý: “Từ khi chơi game mình mới khám phá “sức mạnh” của bản thân”.
Không biết game đã đem lại cho họ những gì nhưng theo sự quan sát của người viết bài thì từ khi “kết thân” với game, Liên lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ, bởi vì thời gian cô nàng dành cho game nhiều…gấp 3 lần thời gian học hành, chưa kể những hôm mê quá chơi xuyên ngày, và kết quả tất yếu là... ngày hôm sau phải nghỉ học.
Kể cả cách xưng hô, lời ăn tiếng nói của cô nàng cũng có phần đổi khác. ở lớp cô nàng được mệnh danh là “sát thủ” bởi chưa ai có thể qua mặt được nàng về “tài nghệ” bắn quái vật (cách chơi trong “Võ lâm truyền kỳ”). Còn Kim thì luôn xưng là đại ca vì trong nhóm không ai có thể so bì với tốc độ bắn súng của mình.
Với những biệt danh như Liên “sát thủ”, Kim “xạ thủ” dường như họ được chú ý hơn, nổi tiếng hơn! Tuy nhiên không phải ai cũng tán đồng sự đam mê này.
Hãy nghe Thành (ĐH Sư phạm), một “boy” nhận xét về việc con gái chơi game: “Nếu họ chơi có chừng mực thì không sao. Nhưng tôi đã thấy nhiều bạn gái nghiền game đến nỗi quên ăn, quên ngủ, quên học hành thì thực không nên chút nào. Tự họ sẽ đánh mất hình ảnh đẹp đẽ của mình trong mắt con trai chúng tôi”.
Có đến 83% các bạn nam khi được chúng tôi hỏi đều khẳng định sẽ không “mê nổi” các cô nàng nghiện game quá mức và 65% nhất quyết sẽ “chỉnh đốn” bạn gái nếu các nàng bị hút vào game!
Phương Anh, Tào Nga (Theo Thanh Niên)