Năm 2006 sẽ chứng kiến sự lên ngôi của VoIP và xu hướng điện thoại thời trang. Nhưng té ra, nhiều suy nghĩ trước nay của bạn chỉ là ảo tưởng. Nhận định của tạo chí uy tín Forbes về những khuynh hướng chủ đạo của năm cùng các quan điểm sai lầm về thị trường viễn thông thế giới trước thềm 2006
Các xu hướng lớn:1. Các ứng dụng như IM, email, dịch vụ dữ liệu audio và video sẽ tiếp tục xu hướng tích hợp và được mở rộng tới tất cả các thiết bị như ĐTDĐ hay PDA.
2. Bốn chữ cái VoIP sẽ chiếm lĩnh tâm trí của tất cả các đại gia viễn thông trong năm 2006. Cuộc cạnh tranh sẽ bước vào hồi quyết liệt và sôi sục như một nồi lẩu. Những con Kingkong như Yahoo!, Google và eBay sẽ cùng "xâu xé" thị trường mới béo bở này, khi đua nhau chào mời những dịch vụ VoIP riêng. Những phát minh kiểu như điện thoại di động VoIP của Linksys càng khiến cho việc gọi điện Internet cũng dễ dàng và "ngon lành" như tám chuyện qua alô vậy.
Đây sẽ là sức ép rất lớn đè lên vai các mạng viễn thông thế giới trong năm 2006. Tuy nhiên, bản thân các nhà cung cấp dịch vụ VoIP đơn thuần cũng đang cực kỳ lo ngại. So với dịch vụ VoIP của Skype, dịch vụ của những Yahoo! hay Google đều hứa hẹn sẽ tích hợp thêm cả tin nhắn nhanh IM, email và dữ liệu cá nhân. Phiên bản Yahoo! Messenger mới cho phép người dùng tiến hành cuộc gọi từ Mỹ tới bất cứ đâu trên thế giới với mức giá thấp kỷ lục: 1 cent/phút, khiến cho mức giá 2,1 cent của Skype phá sản hoàn toàn.
3. Trong khi số thuê bao VoIP tăng vọt thì số lượng điện thoại cố định sẽ tiếp tục dậm chân tại chỗ. Nếu như với các mạng viễn thông truyền thống, người ta phải chi hàng tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng thì với VoIP, điều kiện để trở thành nhà cung cấp dịch vụ lại quá dễ dàng. Chính vì thế, 2006 sẽ là năm bùng nổ của VoIP trên toàn thế giới.
4. Trong năm 2006, virus điện thoại di động sẽ tiếp tục gây đau đầu ở cả châu Âu lẫn châu Á. Số thuê bao VoIP tại Mỹ sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2006, đạt 10 triệu người. Và đến năm 2010, VoIP và điện thoại di động sẽ là hai hình thức viễn thông duy nhất còn lại trên thị trường. Điện thoại cố định coi như "cáo chung".
5. Cellevision - Truyền hình di động. 2006 chính là năm để truyền hình di động cất cánh. Cả thế giới Net và truyền hình sẽ nằm gọn trong túi bạn. Ngày càng có nhiều chương trình truyền hình có thể download được về và xem trên thiết bị liên lạc cá nhân. Thậm chí một số show còn công chiếu trên di động trước cả truyền hình. Cùng với việc ngày càng nhiều nhà cung cấp dịch vụ tham gia vào sân chơi này, cước phí của truyền hình di động sẽ giảm dần. Công nghệ Wi-Fi nở rộ cũng sẽ giúp kéo thấp giá thành.
6. Màn hình bé xíu của điện thoại cũng sẽ trở thành cửa ngõ tìm kiếm thông tin, khi Google, Yahoo và cả những hãng mới thành lập như Medio rục rịch khai trương các dịch vụ tìm kiếm thông tin, giờ chiếu phim, tỷ số thể thao, video clip và ca khúc mới qua di động.
7. Cuộc đua tính năng giữa các nhà sản xuất ĐTDĐ quyết liệt hơn bao giờ hết. Nghe nhạc MP3, camera trên 1 "chấm" giờ đã trở thành tính năng chuẩn. Lúc này, yếu tố hơn thua giữa các hãng chỉ còn phụ thuộc vào yếu tố thời trang, giá thành và một chiến lược marketing hiệu quả, mà Motorola Rarz là một ví dụ.
Những điều hoang tưởng
1. Rằng không dây sẽ giết chết DSL và truy cập Internet qua đường cáp. Dẫu rằng cơn sốt truy cập Internet không dây (Wi-Max, Wi-Fi và 3G) đang căng phồng như một quả bong bóng, nhưng nhu cầu dành cho DSL và cáp vẫn chưa hoàn toàn nguội lạnh, nhất là ở khu vực mạng gia đình.
So với công nghệ không dây, giá thành của DSL rẻ hơn, độ tin cậy và ổn định lại cao hơn. Chưa kể tín hiệu DSL còn có thể chạy qua một router (cầu dẫn) không dây để cho ra hiệu ứng Wi-Fi ảo nữa, vậy tại sao người tiêu dùng lại phải "mất thêm tiền để chịu khổ hơn" cơ chứ?
2. Rằng Wi-Fi miễn phí sẽ tồn tại mãi mãi. Nên nhớ, các công ty không phải tổ chức từ thiện. Wi-Fi là một kênh thu lời đầy tiềm năng và việc cung cấp miễn phí lúc này chỉ là chiêu "lùi một bước để tiến ba bước" của họ mà thôi.
3. Rằng người sử dụng sẽ đổ xô đi tải nhạc về điện thoại di động. Hệ thống mạng hiện nay, trừ một số nước, vẫn còn quá chậm. Giá các bản nhạc số thì lại đắt còn quản lý bản quyền số quá ngặt nghèo. Nhưng quan trọng nhất, những hãng đặt cược cho nhạc di động đã thất bại vì họ không nhận ra được đúng bản chất của vấn đề.
iPod thành công không phải vì người dùng nghiện nhạc - mà bởi vì iPod là một thiết bị thời thượng, sành điệu và chiến dịch marketing của nó hoàn hảo không chê vào đâu được. Sau Apple, chỉ có Motorola là nhận thấy được điều này, nên mặc dù con dế RARZ siêu mỏng của họ không quá đặc sắc về tính năng, nhưng hình thức "sexy", thời trang và sang trọng của nó đã khiến người tiêu dùng điên đảo.
Cầm Thi (Theo Forbes)