Theo bản báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD công bố sáng nay, mức xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin và viễn thông của Trung Quốc (bao gồm laptop, ĐTDĐ và máy ảnh số) đã tăng hơn 46%, lên doanh thu 180 tỷ USD trong năm 2004. Con số này dễ dàng vượt xa Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử, do kim ngạch xuất khẩu của nước này chỉ đạt 149 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2003.
Cũng theo OECD, Trung Quốc đã đuổi gần kịp Mỹ về tổng giá trị giao dịch thương mại các sản phẩm công nghệ thông tin và viễn thông (xuất khẩu và nhập khẩu tính gộp). Từ con số khiêm tốn 35 tỷ USD năm 1996, Trung Quốc đã có bước nhảy vọt thần kỳ lên 329 tỷ USD vào năm 2004. Trong khi đó, nước Mỹ lại tăng trưởng rất chậm: từ 230 tỷ USD lên 375 tỷ USD.
Với nhiều chuyên gia, bản báo cáo của OECD là bằng chứng mới nhất cho thấy con rồng Trung Quốc đã vươn vai mạnh mẽ như thế nào nhờ chiến lược phát triển trình độ sản xuất dài hạn mà chính phủ nước này vạch ra, trên tiến trình trở thành một siêu cường kinh tế.
"Nền kinh tế Trung Quốc đang thực sự nâng cao thang giá trị sản phẩm, từ những mặt hàng đơn gian như dệt may, giày dép và đồ nhựa plastin sang những danh mục điện tử cực kỳ tinh vi, phức tạp", Arthur Kobler, cựu chủ tịch AT&T Trung Quốc nhận định.
Thí dụ sinh động nhất thể hiện tham vọng của Trung Quốc xảy ra vào hồi tháng 5 vừa qua, khi Lenovo trả tới1,75 tỷ USD để mua lại bộ phận máy tính cá nhân của IBM. Chưa hết, những nỗ lực không mệt mỏi của Trung Quốc trong việc phát triển các chuẩn công nghệ riêng cho một loạt sản phẩm, từ điện thoại di động, ảnh số cho đến mạng không dây, đều được xem là một phần trong "chiến lược thống trị thị trường toàn cầu về sản phẩm IT".
Nhiều nhà phân tích thậm chí còn tin rằng lẽ ra kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sẽ còn vượt Mỹ sớm hơn nhiều, nếu không phải chịu những quy định bó buộc khắc nghiệt của các nước phương Tây.
Đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng đột phá tại đất nước đông dân nhất thế giới này là các công ty nước ngoài. Dòng vốn đầu tư rót về như suối từ những gã khổng lồ như Intel, Nokia, Motorola, Microsoft và Cisco Systems. Những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới gần 90% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa công nghệ trong năm 2004.
Không những vậy, nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển còn mọc lên như nấm ở Trung Quốc. "10 năm trước, các hãng làm vậy chỉ cốt làm vui lòng chính phủ Trung Quốc nhằm đổi lại vài ưu đãi , nhưng giờ đây, các cơ sở nghiên cứu này là một phần không thể tách rời khỏi chiến lược kinh doanh toàn cầu của họ", Kobler nói.
Mặc dù vậy, các hãng sản xuất bảng mạch tích hợp hàng đầu vấn né tránh xây nhà máy sản xuất ở Trung Quốc nhằm bảo vệ kiểu dáng và công nghệ sản xuất chip độc quyền. Điều này có nghĩa là Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc nặng nề vào việc nhập khẩu chip cao cấp phục vụ cho các sản phẩm điện tử. Thế nhưng giới phân tích đều nhận định trở ngại này chẳng thể làm khó Trung Quốc được lâu.
Mới đây, Trung Quốc đã công bố một siêu máy tính có khả năng thực hiện 11.000 tỷ phép tính/giây. Cùng lúc, đại học Tsinghua đã phát triển thành công một bộ vi xử lý nội địa có hiệu suất tương đương với Intel Pentium II.
Thiên Ý (Theo The New York Times)