Nếu hỏi các chuyên viên cao cấp của AMD ai là đối thủ của họ, sẽ không nghe mấy ai nhắc đến cái tên Intel.
Sự tự tin đến bất ngờ của AMD được khẳng định trong tuyên bố của Giám đốc Điều hành (CEO) Hector Ruiz khi trả lời phỏng vấn của Tạp chí BusinessWeek Online. AMD hiện chiếm 13% thị phần chip dành cho máy chủ và thâm nhập rất sâu vào nhóm khách hàng cá nhân, không những thế dần dần thu hút được sự quan tâm của nhóm khách hàng doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ. “Chúng tôi sẽ chiếm lấy thị phần mà Intel đang có” - Hector Ruiz phát biểu.
Tăng trưởng
Nhà sản xuất chip có trụ sở tại Sunnyvale, California trong năm nay có tốc tăng trưởng doanh thu gấp đôi tốc độ tăng trưởng của ngành. AMD sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2006 khi công ty thâm nhập vào nhóm khách hàng doanh nghiệp và nhắm đến các dòng sản phẩm cao cấp tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ. Nói như lời của Roger Kay, Chủ tịch Công ty nghiên cứu thị trường máy tính Endpoint Technologies, “AMD đã vượt qua mọi trở ngại và thành công trên cả phương diện giá trị lẫn tính năng của sản phẩm”. Trong quý III năm nay, AMD lần đầu tiên đạt doanh số 1 tỷ USD. Khi mà thị trường PC và máy chủ được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức hai con số, thời kỳ tăng trưởng của AMD sẽ tiếp tục.
Cuộc chiến với Intel
Các nhà phân tích và các chuyên gia hàng đầu trong ngành đều có cùng quan điểm khi cho rằng chip Opteron dùng cho máy chủ và chip khác dùng cho máy xách tay và máy để bàn của AMD có khả năng vượt được các sản phẩn cùng loại của Intel về tính năng hoạt động ít nhất là trong vòng một năm nữa. Tuy nhiên, việc mở rộng thị phần của AMD sẽ không hề dễ dàng vì các sản phẩm của nhà sản xuất chip số một Intel đã quá quen thuộc đối với khách hàng.
Hai "ông lớn" này đã tiến hành một cuộc chiến ăn miếng trả miếng khi đều tung ra những “tính năng mới” cho các sản phẩm của mình. Nếu như AMD là công ty đầu tiên giới thiệu chip 64 bit và cũng là nhà sản xuất đầu tiên giới thiệu chip lõi kép cho phép hai lõi chip kết hợp lại thành một để tăng tính năng hoạt động và tiết kiệm năng lượng, thì ngay đầu tháng 11/2005, Intel đã đáp trả bằng việc giới thiệu bộ vi xử lý 65 nanomet chi phí thấp, cùng với việc trang bị lại cơ sở sản xuất của công ty tại Arizona.
Tuy nhiên khi xem xét kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy AMD lần đầu tiên trong tháng 10/2005 vượt được Intel về doanh số đối với chip dành cho dòng máy tính để bàn, trong bối cảnh thị trường này đang giảm sút. Trong khi đó, Intel vẫn khẳng định được vị trí thống trị trong dòng máy xách tay với công nghệ Centrino - điều này lý giải tại sao lợi nhuận biên của Intel cao hơn rất nhiều so với AMD: lợi nhuận 130 triệu USD mà AMD đạt được trong quý III/2005 chỉ bằng doanh thu một ngày của Intel.
Thu lợi từ cuộc chiến pháp lý
Cuộc chiến chống độc quyền mà AMD đang theo đuổi với Intel đã phần nào giúp AMD đạt được mục đích của mình. Các cơ quan Chính phủ và khách hàng doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến việc sử dụng công nghệ và chip của AMD trong các dòng máy để bàn và xách tay.
Ngay cả Dell, nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới, cũng đã cân nhắc tới việc sử dụng chip của AMD cho các dòng sản phẩm vốn hiện chỉ sử dụng 100% các sản phẩm của Intel, khi chứng kiến các đối thủ như HP, Gateway, Lenovo thu được lợi nhuận cao hơn từ việc sử dụng chip AMD song song với chip của Intel. Tuy nhiên, theo ông Hector Ruiz, ngay cả khi không có được khách hàng lớn như Dell, AMD cũng sẽ đạt được 20% thị phần bộ vi xử lý trong vài năm tới.
Cụ thể, trong năm 2006, mục tiêu thị phần chip trong thị trường PC thương mại của AMD sẽ là 15%, tăng 5% so với năm nay. AMD cũng đã lên kế hoạch tung ra chip cạnh tranh với sản phẩm phục vụ giải trí Viiv Entertainment-PC của Intel, dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào năm tới cùng thời điểm với lễ công bố sản phẩm Vista của Microsoft.
Rõ ràng, đã nhiều thập niên qua kể từ khi bộ vi xử lý đầu tiên được phát minh, thị trường này mới xuất hiện một nhà sản xuất có thể cạnh tranh với gã không lồ Intel. Tuy nhiên, cũng không dễ một sớm một chiều mà AMD có thể tuyên bố mình là công ty số một trong ngành công nghệ chip.
Bá Lâm (Theo BusinessWeek)