Trung tuần tháng 11 vừa qua, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an đã tiến hành thanh tra đột xuất 2 công ty kinh doanh máy vi tính lớn ở TP.HCM là công ty N.H và công ty T.N, phát hiện hơn 60 chiếc máy vi tính có cài đặt sẵn các phần mềm vi phạm bản quyền và 120 CD-ROM lậu có chứa các chương trình phần mềm khác nhau.
Cuộc thanh tra lần này một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam.
Lập biên bản thu giữ sản phẩm vi phạm bản quyền phần mềm của một công ty máy tính tại Hà Nội (Ảnh minh hoạ) |
Trên thực tế ở Việt Nam, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có bảo hộ bản quyền phần mềm là một khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh máy vi tính nói riêng. Hầu hết các công ty đều không đủ mạnh về tài chính để có thể thực hiện tốt luật này. Đơn giản, một công ty có khoảng 100 máy vi tính, nếu mỗi máy vi tính mua bản quyền một bộ Microsoft Office đầy đủ mất khoảng 600 USD, 100 chiếc sẽ là... 60 ngàn đô, tương đương khoảng 1 tỉ đồng! Đó là chưa kể những phần mềm khác cài đặt trong máy cần phải mua bản quyền. Với số tiền đó, chỉ một vài doanh nghiệp kinh doanh máy tính lớn ở VN là có khả năng bỏ ra để thực hiện nghiêm chỉnh việc bảo hộ bản quyền phần mềm.
Anh Phí Anh Tuấn, Phó giám đốc công ty Giải pháp A-Z, một công ty phần mềm đang vươn sản phẩm ra thị trường nước ngoài hoàn toàn ủng hộ việc đẩy mạnh vấn đề thực thi bảo hộ bản quyền phần mềm, cho đó là một yếu tố quyết định đến sự phát triển lâu dài của ngành công nghệ thông tin nước nhà nói riêng và ngành truyền thông đa phương tiện nói chung. Anh Tuấn cho biết: "Bản thân chúng tôi sản xuất phần mềm, hơn ai hết chúng tôi phải tôn trọng việc mua bản quyền phần mềm. Đây là chuyện đương nhiên. Người tiêu dùng cũng nên chấp nhận chuyện này. Hơn nữa, việc bạn bỏ tiền ra mua bản quyền sẽ giúp nhà sản xuất có vốn để tái đầu tư sản xuất ra sản phẩm sau tốt hơn cho bạn dùng. Nhưng tôi nghĩ, thật khó để thực hiện triệt để vì doanh nghiệp Việt Nam, người tiêu dùng VN còn eo hẹp về tài chính". Cùng với quan điểm này là anh Trần Nhật Quang, giám đốc FPT Elead: "Người ăn cắp bản quyền phần mềm sẽ bị thiệt hại trước tiên vì bạn sẽ phải dùng những sản phẩm lỗi, không hoàn thiện, máy tính dễ dàng bị tấn công. Tôi nghĩ những doanh nghiệp cần thuyết phục khách hàng về lợi ích của việc mua bản quyền. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể cải thiện dần dần chứ chưa thể một sớm một chiều được".
Siết chặt việc thực thi bảo hộ bản quyền phần mềm là một chủ chương đúng đắn, góp phần vào nỗ lực chung thực hiện mục tiêu gia nhập WTO nhưng cũng nên có sự hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh máy vi tính. Bản thân các công ty này cũng cần năng động, tìm ra phương pháp tốt nhất để thực thi bảo hộ bản quyền phần mềm mà không cần ngay lập tức phải có chi phí tốn kém vì những tập đoàn phần mềm lớn trên thế giới như Microsoft luôn sẵn lòng hỗ trợ những công ty Việt Nam còn khó khăn về kinh tế, nếu bạn đặt vấn đề mua bản quyền với họ.
Ông Vũ Mạnh Chu - Cục trưởng Cục Bản quyền - Tác giả (bộ VH-TT) Thuỷ Vinh |
Mỹ Quyên (Theo Thanh Niên)