(VietNamNet) - Công ty Thông tin Viễn thông điện lực EVN Telecom đã chính thức công bố thông tin này trong Hội thảo giới thiệu công nghệ mạng và dịch vụ viễn thông vừa diễn ra tại Vĩnh Phúc.
Với giá máy đầu cuối còn khá cao, liệu E-com có thể cạnh tranh được với các mạng điện thoại cố định đã có hiện nay. |
Là một trong ba nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sở hữu đường trục Quốc gia và có đầy đủ 6 giấy phép cung cấp các loại hình dịch vụ viễn thông (điện thoại cố định, điện thoại di động, thuê kênh riêng, Internet, kết nối quốc tế, điện thoại đường dài) tại Việt Nam, EVN cho biết họ đã có một mạng đường trục với dung lượng 10 Gbps trên đường dây tải điện 500 Kv từ Bắc vào Nam. Mạng CDMA 2000 1X & EV-DO với băng tần 450MHz đã được EVN triển khai nhiều dịch vụ như cố định không dây, di động nội tỉnh, di động phủ sóng toàn quốc.
Theo EVN, ưu điểm của việc ứng dụng công nghệ CDMA 2000 1x & EV-DO là chất lượng cuộc gọi, tốc độ và tính bảo mật thông tin cao.
Thời gian qua, dịch vụ điện thoại cố định không dây E-com và dịch vụ di động nội vùng E-Phone đã chính thức ra mắt tại các tỉnh, thành: Hà Nội, Sơn La, Đà Nẵng, Huế, Gia Lai, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Tại Vĩnh Phúc, hai dịch vụ sẽ được khai trương vào cuối tháng 12/2005.
Ngoài ra, công nghệ CDMA 2000 1x & EV-DO còn cho phép EVN cung cấp dịch vụ di động E-Mobile có vùng phủ sóng toàn bộ 64/64 tỉnh, thành và roaming quốc tế. Dự kiến quí I/2006 dịch vụ này với dãy số thuê bao 096.xxx sẽ chính thức ra mắt thị trường VN.
Cũng tại Hội thảo, EVN đã giới thiệu các thiết bị đầu cuối dành cho dịch vụ cố định không dây, di động nội tỉnh và di động toàn quốc. Đây cũng là tiêu điểm được các đại biểu dự hội thảo dành nhiều câu hỏi với nhà cung cấp dịch vụ xoay quanh tính kinh tế của dịch vụ. Với giá cước được đánh giá là khá cạnh tranh với các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ viễn thông Việt Nam hiện nay, song điều khách hàng băn khoăn nhất là các thiết bị đầu cuối của dịch vụ do EVN cung cấp đều chưa sản xuất được tại Việt Nam và chưa tương thích với các thiết bị đầu cuối hiện có của các nhà cung cấp dịch vụ khác. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng do là hàng ngoại nhập nên giá thành máy đầu cuối khá cao, chưa hoàn toàn phù hợp với thu nhập của số đông người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Chúc - Giám đốc sở Bưu chính Viễn thông Vĩnh Phúc đánh giá sự kiện EVN tham gia vào thị trường viễn thông sẽ góp phần kích thích sự cạnh tranh của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, với giá thành máy đầu cuối hiện nay, ông Chúc cho rằng nên có những khuyến khích các nhà đầu tư ở Việt Nam xây dựng kế hoạch sản xuất, lắp ráp máy đầu cuối ngay tại Việt Nam để giảm giá thành và có thể phát huy hết sức mạnh của công nghệ CDMA 2000 1x & EV-DO.
-
Thuỷ Nguyên