Chân dung người sử dụng Internet điển hình của Trung Quốc là một nam thanh niên, chuộng IM hơn email, ít khi mua hàng qua mạng mà chủ yếu đọc tin tức thời sự, tải nhạc và chơi game.
Được tiến hành tại 5 thành phố lớn ở Trung Quốc bởi Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, công trình nghiên cứu mới nhất về thực tế sử dụng Internet tại Trung Quốc cho biết: hai phần ba số người được hỏi thường xuyên vào mạng internet để đọc tin tức (thường là tin văn hóa giải trí) hoặc để chơi game online. Tỷ lệ tải nhạc và phim khoảng 50%.
Thế nhưng bất chấp sự phổ biến của Internet, thương mại điện tử ở đất nước đông dân nhất thế giới vẫn chưa thể cất cánh. 75% số người được hỏi cho biết họ chưa từng mua bất cứ thứ gì qua mạng. Chỉ có vỏn vẹn 10% cho biết họ thường xuyên mua hàng với tần suất mỗi tháng một lần, thế nhưng phần lớn các cuộc mua sắm kiểu này cũng chỉ tập trung vào sản phẩm giải trí, card điện thoại, phần cứng và phần mềm máy tính mà thôi.
"Rất nhiều người không tin tưởng vào chất lượng hàng hóa mua qua mạng. Nếu họ mua ngoài cửa hàng, họ có thể dễ dàng trả lại khi không thích, nhưng qua mạng thì không", nghiên cứu kết luận.
5 thành phố được chọn tiến hành điều tra là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô và Trường Sa (thủ phủ của tỉnh Hồ Nam). Theo mô tả của Guo, chuyên gia hàng đầu về Internet của Viện Khoa học xã hội thì chân dung một "công dân mạng" điển hình sẽ là trẻ tuổi, nam giới, khá giả và có trình độ học vấn cao.
Nam giới chiếm tới hai phần ba cộng đồng sử dụng Internet tại Trung Quốc, mà có tới hơn 80% trong số đó tuổi chưa quá 24. Với hơn 100 triệu người online, Trung Quốc chỉ chịu đứng thứ hai sau Mỹ.
Tuy nhiên, đa số người truy cập mạng đều tập trung ở các thành phố lớn và khu vực đô thị. Có tới hơn một phần dân số nông thôn tham gia cuộc điều tra không hề biết email là cái gì. Ngay cả với những người có sử dụng email, chỉ có một phần ba trong số họ là check mail ít nhất một lần/ngày.
"Tôi nghĩ là người Trung Quốc thích liên hệ trực tiếp hơn. Hầu như chả có mấy người sử dụng đến máy trả lời tự động mà email, với họ, cũng chả khác gì mấy. Nó tiện lợi đấy, nhưng mà không cho ra kết quả tức thì", Guo nói.
Một thông tin có thể làm cho Alibaba.com phiền lòng: có tới 42% số người được hỏi nói rằng họ chưa từng sử dụng công cụ tìm kiếm. Nếu có sử dụng thì hầu như họ cũng chỉ nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu giải trí và học tập là chính. Cổng trực tuyến Baidu.com là địa chỉ ghé thăm của hơn một nửa số người được hỏi, vượt xa Google (chỉ chiếm 25%).
Cuộc điều tra được tiến hành trong hai tháng 2 và 3 vừa qua dựa trên các cuộc phỏng vấn hộ gia đình ngẫu nhiên.
Thiên Ý (Theo AP)