Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, trong thời gian từ sau phiên họp thứ 9 tới nay, hoạt động xây dựng cơ chế, chính sách phát triển CNTT đã đạt được những thành công đáng kể: Chiến lược phát triển CNTT và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Luật giao dịch điện tử đã được Quốc hội thông qua; sau thời gian xây dựng, bản Quy hoạch Viễn thông - Internet Việt Nam đến năm 2010 và Chương trình trọng điểm ứng dụng và phát triển CNTT-TT giai đoạn 2006-2010 đều đã được hoàn thành và chờ sự phê duyệt của Chính phủ.
Vướng mắc, bất cập nhiều...
Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban BCĐ Phạm Gia Khiêm, nhiều vấn đề nóng bỏng của CNTT VN hiện nay đã được bàn thảo. (ảnh: TN). |
Mặc dù thành công trong việc xây dựng những chiến lược tổng thể, tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo, lĩnh vực phát triển CNTT vẫn còn nhiều ách tắc từ các khâu: đầu tư, triển khai dự án, đào tạo, ứng dụng, xây dựng đội ngũ, phát triển sản phẩm và thị trường... Mọi việc vẫn đang phải chờ sự ra đời của luật CNTT. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để xây dựng các văn bản dưới luật tháo gỡ những ách tắc này.
Một vấn đề nữa cũng đề cập khá bức xúc, đó là: nhiều dự án CNTT tại các địa phương và các Bộ ngành triển khai chưa có một kiến trúc tổng thể, để tạo ra một hạ tầng thống nhất. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, hiện trạng này không sớm thì muộn sẽ dẫn tới các hệ quả phải giải quyết như: đầu tư trùng lặp, lãng phí, hệ thống không đồng bộ... Chứng minh cho vấn đề này, một đại biểu của Hà Nội cho biết, cho tới thời điểm hiện nay, chương trình tổng thể về phát triển CNTT của Hà Nội mới chỉ đạt 60% kế hoạch đề ra.
Vị đại biểu này cho rằng, cần phải có những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế chính sách, bởi trong quá trình triển khai thực tế, Hà Nội vẫn gặp phải nhiều vướng mắc, ví như: cơ chế điều hành dự án, lúng túng trong thực hiện các chính sách ưu đãi về phát triển CNTT. Chính sách phát triển nguồn nhân lực dù đã có, nhưng những đãi ngộ cho cán bộ công nhân viên chưa làm người lao động yên tâm, hiện tượng chảy máu chất xám từ lực lượng nhân lực còn khá phổ biến.
Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề mới!
Ngoài nhiệm vụ trong thời gian tới là rà soát, hệ thống hóa các dự án về ứng dụng và phát triển CNTT, bốn vấn đề thời sự được đánh giá là nóng bỏng cũng đã được đông đảo các thành viên ban chỉ đạo tham gia ý kiến, bàn thảo: Vấn đề bản quyền của Microsoft; Bản quyền phần mềm; Quản lý Game-online và hạn chế số lượng nhân lực nước ngoài trong các công ty tin học Việt Nam. Đây là những vấn đề thời sự của CNTT cần có sự chỉ đạo, phối hợp để hành động sớm trong giai đoạn hiện nay.
Với vấn đề phần mềm và bản quyền phần mềm, trong thời gian vừa qua, thị trường CNTT VN đã có một số tranh chấp giữa các doanh nghiệp và tổ chức. Theo đánh giá, đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy CNTT Việt Nam bắt đầu tạo ra được những tài sản trí tuệ có giá trị. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng mang đến nhiều vấn đề mới trong quản lý nhà nước. Theo các thành viên Ban chỉ đạo, nên có một cơ quan chịu trách nhiệm đại diện cho quyền sở hữu của nhà nước về các tài sản sở hữu trí tuệ trong CNTT và có trách nhiệm chuyển giao, sử dụng để biến thành các sản phẩm, dịch vụ và tạo nguồn vốn đầu tư cho chính lĩnh vực CNTT của nước nhà.
Với tốc độ phát triển rất nhanh, đi trước cả năng lực quản lý nhà nước của game-online, các thành viên Ban chỉ đạo nhất trí với ý kiến phải nhanh chóng nâng cao năng lực quản lý để có thể theo kịp với sự phát triển. Để không gây phiên hà cho các doanh nghiệp, Ban chỉ đạo đưa ra giải pháp đề nghị quản lý theo một cửa: Bộ BCVT triển khai cấp giấy phép, quản lý. Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Công an, Tổng cục Thuế sẽ chịu trách nhiệm quản lý theo các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của mình trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game-online.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã nêu rõ quan điểm: Việt Nam cũng phải theo xu hướng chung của thế giới, coi game-online là một trò chơi những phải quản lý thật chặt chẽ, triệt để. Nếu chấp nhận dịch vụ game-online thì phải xây dựng và phát triển thêm các trò chơi của Việt Nam. Phó Thủ tướng cũng đề nghị: cuối tháng 12 này, các Bộ chức năng phải hoàn thành và đưa ra được một quy chế tạm thời về quản lý game-online.
-
Thuỷ Nguyên