Sau một thời gian "chia tay" với máy tính xách tay, ông Phạm Hoài Nhân, cựu Giám đốc Trung tâm Vi tính Đồng Nai đang có kế hoạch sản xuất trở lại. Theo dự kiến, trong tháng tới những chiếc máy tính xách tay đầu tiên của Đắc Nhân sẽ xuất hiện trên thị trường.
Khoảng năm năm trước, khi còn là giám đốc Trung tâm Vi tính Đồng Nai, ông đã kỳ vọng khá nhiều vào sản phẩm này với mục tiêu đưa nó trở thành mặt hàng mũi nhọn của trung tâm. Nhưng do nhu cầu của thị trường vào thời điểm đó còn quá thấp, cộng với những khó khăn về tài chính, nên ước mơ của ông đã không thể thực hiện được. "Đây là thời điểm tốt để trở lại với nghề lắp ráp máy tính xách tay, do nhu cầu đang bắt đầu tăng mạnh", ông Nhân khẳng định.
Chiếc máy tính xách tay không còn là một mặt hàng quá xa xỉ. |
Theo Hội Tin học TP.HCM, trong nửa đầu năm nay mức tiêu thị máy tính xách tay của thị trường Việt nam đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 28.500 chiếc (chưa kể máy cũ và máy không có nhãn hiệu). Ông Lê Quang Thành, Giám đốc chi nhánh của Công ty Thế Trung cho rằng nhân viên văn phòng của các công ty ngày nay phải "di động" nhiều, xu hướng làm việc ngoài văn phòng tăng lên và điều đó kích thích nhu cầu mua máy tính xách tay tăng nhanh. Bên cạnh đó, giá máy cũng liên tục giảm. Đồng thời, điểm đặc biệt của thị trường năm nay là một số công ty nước ngoài như Acer, BenQ đưa vào những sản phẩm giá rẻ, khoảng 700-800 đô la Mỹ. Những yếu tố ấy cũng góp phần không nhỏ làm gia tăng sức mua chung của thị trường.
Cũng theo Hội Tin học TP.HCM, loại máy tính xách tay giá 26-30 triệu đồng hiện đang được tiêu thụ mạnh nhất, với 26% thị phần. Tuy nhiên, sản phẩm dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong sáu tháng đầu năm nay lại là loại có giá 18-22 triệu đồng. Nửa đầu năm ngoái, nhóm này chỉ chiếm 12% trong tổng số lượng máy tính xách tay bán ra, năm nay đã răng lên 22%. Trong khi đó, thị phần của nhóm có giá trên 30 triệu đồng lại giảm từ 20% xuống còn 14%.
Tuy mức tiêu thụ máy tính xách tay thời gian qua tăng nhanh gấp ba lần máy tính để bàn, nhưng tỷ lệ của nó so với tổng nhu cầu máy tính còn rất thấp. Ông Phạm Hoài Nhân nói: "Hiện mỗi tháng Việt Nam tiêu thụ hơn 50.000 máy tính các loại (chưa kể loại không nhãn hiệu đang chiếm 60-70% thị phần), nhưng máy tính xách tay chỉ chiếm khoảng 10%. Trong khi đó, ở các nước khác con số này là 30%". Ông tin rằng, trong tương lại không xa, tỷ lệ ấy tiêu thụ ở thị trường Việt Nam sẽ đạt mức bình quân của thế giới.
Những năm trước, do sức mua chưa cao, nên không có nhiều công ty trong nước quan tâm đến sản phẩm này. Trong hơn 30 doanh nghiệp lắp ráp máy tính thương hiệu Việt Nam, chỉ một số ít công ty làm máy tính xách tay, gồm: Mekong Green, FPT Elead, CMS... Nhưng nay tình hình đang thay đổi. Nhu cầu đang phát triển mạnh đã bắt đầu thu hút nhiều doanh nghiệp. Ngoài những tên tuổi kể trên, trên thị trường gần đây đã xuất hiện thêm sản phẩm của Công ty Khai Trí, GCC...
Cho đến nay, FPT Elead đang dẫn đầu về số lượng tiêu thụ. Ông Trần Nhật Quang, Giám đốc FPT Elead cho biết bình quân mỗi tháng công ty tiêu thụ 200-300 chiếc. Các công ty khác, tuy chưa bằng FPT Elead, nhưng số máy bán ra cũng đang tăng mạnh. "Chỉ riêng trong tháng 9 năm nay, số máy chúng tôi bán được bằng tám tháng trước đó cộng lại", ông Lê Quang Thành cho biết.
Quy mô thị trường không lớn và phần lớn thị phần lại trong tầm kiểm soát của các công ty nước ngoài. Đó là thử thách không nhỏ đối với doanh nghiệp lắp ráp máy tính xách tay trong nước. Các nhà doanh nghiệp ước tính, máy tính thương hiệu nước ngoài hiện chiếm đến 80% thị phần, trong đó đứng đầu là Acer, IBM, Toshiba, Compaq, HP... Ông Nguyễn Thanh Vũ, phụ trách khu vực của Mekong Green, cho rằng dù chất lượng không mấy khác biệt, nhưng sản phẩm của nước ngoài có hình thức đẹp hơn hẳn hàng lắp ráp trong nước. Hơn nữa, người tiêu dùng vẫn ưa chuộng các thương hiệu nổi tiếng thế giới hơn. Do vậy, máy tính xách tay thương hiệu Việt Nam chưa được nhiều người lựa chọn.
Trước kia, giá cả là thế mạnh của các công ty Việt Nam, nhưng gần đây nhiều công ty nước ngoài tung ra thị trường những sản phẩm có giá rẻ không kém, nên ưu thế này dần bị thu hẹp. Ngoài ra, theo ông Phạm Hoài Nhân, nhiều cơ sở đang nhập máy tính xách tay cũ về sửa chữa, nâng cấp rồi tung ra thị trường bán với giá rất rẻ. "Những sản phẩm loại này mới là đối thủ đáng ngại nhất đối với các công ty lắp ráp máy tính thương hiệu Việt Nam", ông khẳng định.
(Theo Thời báo Vi tính Sài Gòn)