Hãy tưởng tượng bạn sẽ phản ứng thế nào khi nhận được một tin nhắn SMS từ người yêu, nói rằng cô ấy/anh ấy vừa gặp tai nạn? Chắc chắn là chộp lấy chìa khóa xe và chạy bổ ra khỏi nhà rồi.
Nếu bạn hành động như vậy, dám cá là bạn chưa từng nghe nói đến vấn nạn lừa đảo di động hay lừa đảo qua SMS. Nhiều trường hợp sau khi gặp người yêu và té ngửa ra đấy chỉ là tin vịt, khi về đến nhà đã thấy tài sản không cánh mà bay , vì lúc vội đi quên không khóa cửa.
Sử dụng một phần mềm Web không khó kiếm lắm, một tên hacker cỡ khá có thể gửi tin nhắn đi từ số máy của người khác mà thậm chí chẳng cần động tới chiếc điện thoại đó. Tệ hại hơn, không một nhà cung cấp dịch vụ di động nào có thể nói cho bạn biết: đấy là một tin nhắn giả mạo.
Mới đây, trường Đại học Luật điện tử châu Á đã tiến hành hai cuộc thí nghiệm về lừa đảo SMS: một tại Ấn Độ và một trên quy mô quốc tế. Sử dụng dịch vụ di động GSM tại nhiều nước châu Á và châu Phi, họ đã tạo ra thành công các tin nhắn SMS mạo danh mà người sử dụng không hề hay biết, còn các nhà quản lý mạng cũng không thể can thiệp.
Tuy đại đa số trường hợp tin nhắn SMS mạo danh là nhằm mục đích xấu, song cũng có những lúc hiện tượng này tỏ ra hữu ích. Lấy thí dụ, nó có thể giúp đỡ các cơ quan điều tra gài bẫy bọn khủng bố hay buôn lậu cực kỳ hiệu quả.
Hiện vẫn chưa có giải pháp kỹ thuật nào để khắc phục vấn nạn này. Cách tốt nhất là bạn luôn luôn giữ thái độ thận trọng và nên gọi lại cho người gửi tin nhắn để xác minh thông tin, trong trường hợp khả nghi.
Thiên Ý (Theo IndianTimes)