Theo nhận định của "gã khổng lồ" phần mềm (Microsoft), "rootkit" này có thể coi là một nguy cơ bảo mật đối với các máy tính chạy hệ điều hành Windows, do đó, việc "nhổ cỏ tận gốc" là điều cần thiết.
Sony BMG đang là đầu mối của mọi lời chỉ trích sau khi vụ bê bối phần mềm chống sao chép của hãng bị phanh phui. Phần mềm này tự động cài đặt và ẩn sâu vào trong ổ cứng của máy tính người dùng, ngay khi máy tính chạy đĩa CD. Công nghệ này đã sử dụng kỹ thuật của rootkit để giấu mình khỏi sự phát hiện của chủ máy, nhưng lại tạo ra lỗ hổng bảo mật giúp virus và spyware tấn công.
Giới phân tích đồng loạt tấn công cơ chế lén lút này, cáo buộc dân hacker có thể lợi dụng để cài virus hay Trojan (và trên thực tế nguy cơ đó đã xảy ra thật). Chương trình Trojan điều khiển từ xa đầu tiên khai thác lỗ hổng rootkit từ Sony vừa được phát hiện hồi cuối tuần qua.
Để bảo vệ người dùng Windows, Microsoft dự định sẽ cập nhật cho Windows AntiSpyware và Công cụ Xóa các phần mềm độc hại, cùng với tính năng scanner trực tuyến trong Trung tâm An toàn Windows Live. Theo đó, các phần mềm này sẽ có thể phát hiện và loại bỏ phần mềm chống copy Sony ra khỏi máy.
Windows AntiSpyware là phần mềm chống spyware đang trong giai đoạn thử nghiệm của Microsoft. Phần mềm này hiện đang được hàng triệu người trên toàn thế giới sử dụng và được cập nhật hàng tuần. Còn Công cụ xóa phần mềm độc hại được cập nhật theo tháng, trong khuôn khổ miếng vá hàng tháng do Microsoft phát hành.
Hôm thứ bảy tuần trước, Sony đã tuyên bố tạm ngừng sản xuất các đĩa CD có sử dụng công nghệ chống sao chép gây nhiều tranh cãi này.
Cầm Thi (Theo CNET)