Giáo sư Nobuo Masataka của Viện nghiên cứu Động vật linh trưởng thuộc Đại học Kyoto, Nhật Bản - tác giả của cuốn sách best-seller gây sốc " Những con vượn với ĐTDĐ", cho rằng chính sự lạm dụng ĐTDĐ đã khiến giới trẻ Nhật Bản hành xử hệt như loài đười ươi, một cách vô thức.
Theo lập luận của giáo sư, khi quá dựa dẫm vào di động, giới trẻ sẽ đánh mất khả năng phân biệt giữa nơi riêng tư với chốn công cộng. Nhưng nguy hiểm hơn, chúng đang dần tách mình để "thoái hóa" thành một cộng đồng, một "nhánh loài" mới có tên dearuki-zoku.
Những đặc điểm đặc trưng của cộng đồng này là gì? "Chúng" không dùng bữa ở nhà cùng với các thành viên khác trong gia đình - thay vào đó, ngày càng đông giới trẻ tụ tập, lang thang ngoài phố cùng với bạn bè cũ. Chúng biến các công viên cây xanh thành lãnh địa của mình, một cách hồn nhiên và chẳng mấy khi thèm đặt chân tới những khu giải trí hay shopping sầm uất ngay cạnh.
Chưa hết, chúng thấy mệt mỏi với việc tìm đến những địa điểm mới, gặp gỡ những con người mới. Nếu thấy đói, chúng sẽ đi loanh quanh, tạt vào một quầy fastfood rong nào đó, mua vài thứ và ngồi ăn ngon lành ngay trên vỉa hè.
Giáo sư Nobuo phân tích rằng chuỗi hành vi này của "cộng đồng" dearuki-zoku gần gũi mật thiết với hành vi mẫu của loài vượn - vốn luôn có xu hướng tụ tập bầy đàn, đi tha thẩn rất lâu mà không có điểm đến cụ thể, sau đó ăn và vứt rác ngay tại cùng một nơi trước khi đặt mình xuống bãi cỏ đánh một giấc - bất cứ đâu, bất cứ lúc nào cơn buồn ngủ ập đến.
Việc chúng la cà ngoài phố nhiều giờ liền chỉ có thể tồn tại là vì điện thoại di động đã quá phổ biến. Phụ huynh cho chúng ra ngoài vì họ an tâm là đã có phương tiện để liên lạc với con cái. Trong nhiều nhà, kể cả khi trẻ đi qua đêm, bố mẹ cũng chẳng thèm gọi.
Dưới cách nhìn của giáo sư Masataka, thì ĐTDĐ, từ một phương tiện giúp con người có thể liên lạc, kết nối với gia đình và xã hội 24/24h, đã phá vỡ bản chất tự nhiên của các mối quan hệ xã hội - mà con người phải mất hàng trăm nghìn năm tiến hóa mới xây dựng được.
Xu hướng giới trẻ Nhật Bản ngày nay có phần cư xử quá khích, hoang dã, gây gổ vô cớ cũng được giáo sư Nobuo quy chiếu theo quan điểm "vượn hóa" - Việc thanh thiếu niên lạm dụng ĐTDĐ, nhất là tin nhắn SMS, đã khiến chúng mất đi khả năng làm chủ hoạt động "nói chuyện" của mình, từ đó dễ bị kích động hơn và không có khả năng diễn đạt cảm xúc bằng ngôn từ.
"Vượn luôn có xu hướng đột ngột xồ vào tấn công những ai chằm chằm nhìn chúng. Lẽ tự nhiên, vượn không biết nói và chúng chỉ có thể biểu đạt xúc cảm của mình bằng cách duy nhất mà chúng có. Những người trẻ "thoái hóa" cũng đang làm hệt như vậy".
Chưa hết, giáo sư còn nhận định rằng ĐTDĐ sẽ khiến bộ não bị thiểu năng và thoái hóa: Bộ nhớ của điện thoại sẽ xóa bỏ dần khả năng ghi nhớ số điện thoại và công việc phải làm cho bạn, còn chức năng GPRS thì cho phép bạn chả cần phải tìm hiểu gì về không gian xung quanh nữa.
"ĐTDĐ đang kéo cày thay cho bộ óc của chúng ta, đang nghĩ, ghi nhớ và nói chuyện thay cho giới trẻ. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, dần dà con người sẽ mất khả năng tư duy - đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt giữa người và động vật".
"Công nghệ có thể giải phóng con người khỏi vô số những ràng buộc thường nhật, nhưng nó cũng kéo con người tuột dốc trên nấc thang tiến hóa. Nhật Bản, nơi người dân nghiện di động nặng nhất - chính là những nạn nhân đầu tiên của sự "thoái hóa" vô thức này", giáo sư kết luận.
Thiên Ý (Theo Gizmondo, Sapio)