Đoàn thanh tra yêu cầu Vina Game ngừng đăng ký thêm người chơi (không tăng thêm account) kể từ ngày 10/11/2005 và thông báo nội dung này trên trang web: www.volam.com.vn.
>> ''Tạm thời ngừng cung cấp game online mới!"
>> "Chưa có quyết định chính thức về giấy phép của VinaGame!"
>> VinaGame sẽ ngừng dịch vụ game online vì thiếu giấy phép?
>> "Nếu làm sai, VinaGame sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật"
Võ lâm truyền kỳ tạm thời không được chiêu mộ thêm "anh hùng võ lâm" mới. |
Ngày 7/11, Sở Bưu chính - Viễn thông (BC-VT) TPHCM đã công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định về cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và Internet tại Công ty Cổ phần Dịch vụ phần mềm trò chơi Vina (Vina Game) - doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trực tuyến (game online) trên mạng Internet mang tên: Võ lâm truyền kỳ (VLTK).
Vina Game “cầm đèn chạy trước ô tô”
Qua kiểm tra cho thấy, Công ty Vina Game đã có hai sai phạm chính: Thứ nhất, vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý viễn thông và mạng Internet. Cụ thể, Vina Game đã sử dụng mạng lưới thiết bị Internet để cung cấp VLTK và thu tiền của các game thủ. Hơn nữa, các tín hiệu, ký hiệu, số liệu phát sinh trong quá trình diễn ra trò chơi điện tử này được lưu trữ, xử lý, trao đổi và truyền dẫn qua đường truyền Internet, trong đó có đường truyền của quốc gia. Khi tham gia trò chơi VLTK, người sử dụng có thể trao đổi thư điện tử tức thời (chat) với nhiều người cùng một lúc; thông tin được xử lý, hoàn thiện, trao đổi và lưu trữ trong quá trình diễn ra trò chơi... như vậy có thể xem các dịch vụ trên là dịch vụ giá trị gia tăng. Do đó, việc Công ty Vina Game cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trong trò chơi điện tử trực tuyến VLTK khi chưa được phép của Bộ BC-VT là vi phạm quy định. Thứ hai, dù chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, song đã đưa nội dung trò chơi lên mạng Internet. Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 08/2000/TT-BVHTT (ban hành 28/4/2000) của Bộ VHTT về hướng dẫn quản lý trò chơi điện tử, việc đưa nội dung của trò chơi điện tử vào mạng máy tính phải được phép của Bộ VHTT. Thế nhưng, Công ty Vina Game dù chỉ mới được Sở VHTT TPHCM cho phép lưu hành trò chơi VLTK trên trang tin điện tử của công ty, song đã cung cấp rộng rãi cho người chơi thông qua mạng Internet.
Bốn việc Vina Game phải làm ngay
Dù Công ty Vina Game đã vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý viễn thông, Internet khi hoạt động chưa có giấy phép, nhưng qua xem xét tình hình thực tế, Giám đốc Sở BC-VT TP Lê Mạnh Hà cho rằng Công ty Vina Game không có biểu hiện cố ý vi phạm quy định. Ngoài ra, dịch vụ cung cấp game online có kèm theo dịch vụ giá trị gia tăng là dịch vụ mới chưa được các cơ quan quản lý Nhà nước hướng dẫn thực hiện cụ thể. Do vậy, sở không yêu cầu Thanh tra Sở BC-VT thực hiện các thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Vina Game. Tuy vậy, trong khi chờ hướng dẫn các quy định cho lĩnh vực này, sở yêu cầu Công ty Vina Game thực hiện: 1/ Không đưa thêm dịch vụ giá trị gia tăng vào trò chơi VLTK; 2/ Ngừng đăng ký thêm người chơi (không tăng thêm account) kể từ ngày 10/11/2005 và thông báo nội dung ngừng đăng ký mới trên trang web: www.volam.com.vn; 3/ Không phát hành thêm trò chơi mới; 4/ Yêu cầu Công ty Vina Game phân loại và lập danh sách các dịch vụ giá trị gia tăng hiện có trong trò chơi VLTK, đồng thời thống kê số lượng người đăng ký chơi (số account) đến ngày 10/11/2005 và báo cáo kết quả thực hiện cho Sở BC-VT trước ngày 15/11/2005.
Ngoài ra, Sở BC-VT cũng đề nghị Trung tâm Điện toán - Truyền số liệu khu vực 2 (VDC 2) xem xét lại việc Công ty Cổ phần Thương mại Sơn Thủy có vi phạm hợp đồng với VDC 2 hay không khi đã cung cấp lại hạ tầng mạng cho Công ty Vina Game khai thác cung cấp dịch vụ VLTK. Trong trường hợp Công ty Sơn Thủy vi phạm hợp đồng, Trung tâm VDC 2 phải xử lý về hành vi vi phạm hợp đồng và báo cáo kết quả về cho sở trước ngày 15/11/2005.
Không thả nổi dịch vụ game online
Từ kết luận thanh tra Công ty Vina Game, Sở BC-VT đề nghị Bộ BC-VT sớm ban hành hướng dẫn thực hiện quy định về quản lý dịch vụ viễn thông đối với game online, trong đó cần lưu ý việc quản lý đường truyền, quản lý giá, cước và quản lý doanh nghiệp (DN) chiếm thị phần không chế. Bởi vì game online hiện thu hút hàng trăm ngàn người chơi, nếu tất cả cùng tham gia một lúc sẽ chiếm dung lượng đường truyền rất lớn. Với dung lượng đường truyền hạn chế như hiện nay, khi số lượng trò chơi lớn và hàng triệu người truy cập cùng một lúc sẽ giảm tốc độ truy cập, giảm chất lượng dịch vụ, điều này có thể dẫn đến nghẽn mạng Internet của từng khu vực và trên toàn quốc... Do đó, cần quy định cụ thể về số lượng DN được cung cấp game online, số lượng trò chơi phù hợp với sự phát triển của hạ tầng viễn thông. Trước mắt, Bộ BC-VT cần ban hành văn bản yêu cầu không tăng thêm số lượng game online để bảo đảm chất lượng và an toàn mạng. Ngoài ra, sở còn đề nghị Bộ BC-VT hướng dẫn và kiểm tra việc thu cước, phát hành thẻ nạp giờ chơi của Công ty Vina Game cũng như các DN cung ứng các game online chuẩn bị phát hành thẻ ra thị trường. Sở BC-VT cũng kiến nghị Bộ VHTT hướng dẫn và kiểm tra việc chấp hành quy định về việc quản lý trò chơi điện tử, nhất là điều khoản việc đưa nội dung vào mạng máy tính phải được phép của Bộ VH-TT. Vì hiện nay game online đang thu hút hàng trăm ngàn người cùng một lúc tham gia, do vậy ảnh hưởng trò chơi đến cộng đồng rất lớn. Do đó, việc ngăn chặn các nội dung game mang tính chất bạo lực và xử lý các trường hợp vi phạm của các DN đối với quy định về quản lý trò chơi điện tử hiện nay là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương: |
(Theo Người Lao Động)