Ông In Se Hwang - Giám đối đối ngoại toàn cầu của Tập đoàn SK Telecom (Hàn Quốc) nhẹ nhàng bấm vài phím trên chiếc máy điện thoại di động (ĐTDĐ). Màn hình bật ra những hình ảnh sắc nét cùng những âm thanh sống động trong trẻo. Đó là một chương trình tin tức của kênh truyền hình KBS, một trong số hơn 10 kênh truyền hình khác nhau, hàng chục kênh Audio... có thể lựa chọn.
Các cô gái Hàn Quốc đang truy cập internet băng thông rộng qua ĐTDĐ sử dụng công nghệ CDMA - (ảnh: Q.M - Thanh Niên) |
Nếu tại Việt Nam, người tiêu dùng chủ yếu chỉ dùng ĐTDĐ để giao tiếp với người khác thì tại Hàn Quốc, người tiêu dùng có "cả thế giới trong lòng bàn tay" chỉ với chiếc ĐTDĐ bé xíu của mình.
Trước khi sang Hàn Quốc chuẩn bị cho khóa học tiến sĩ về truyền thông tại Đại học Kyung Hee (Seoul), chị Lê Anh Đào chỉ biết dùng ĐTDĐ để gọi điện hoặc nhắn tin. Vào thời điểm đó, trong mắt Đào, mạng CDMA là một cái gì đó thuộc về những người "không sành điệu". Giờ đây, chỉ sau khi sang Seoul được vài tháng, Đào đang sử dụng ĐTDĐ để mua vé tàu điện ngầm, rút tiền tại máy ATM, shoping... Đào nói với chúng tôi: "Sang đây mới biết thế nào là CDMA anh ạ". Thế nhưng, thế giới của công nghệ CDMA không chỉ có như vậy.
Các nhà báo Việt Nam tham gia chuyến đi Hàn Quốc tìm hiểu về công nghệ CDMA của tập đoàn SK Telecom - cổ đông lớn nhất của S-Fone tại Việt Nam - đều được phát mỗi người một chiếc ĐTDĐ để thử nghiệm các dịch vụ. Trong khi tất cả các thành viên của đoàn Việt Nam lúc đầu chỉ biết dùng ĐTDĐ để gọi thử và nhắn tin cho nhau xem chất lượng cuộc gọi ra sao thì Roy Yoon - Giám đốc chiến lược của S-Fone tại Việt Nam lại thư giãn với chương trình của đài MBC trên chiếc ĐTDĐ Samsung AnyCall. Roy Yoon cho biết: "Dịch vụ xem 11 kênh truyền hình và 33 kênh phát thanh qua ĐTDĐ đã được SK Telecom cung cấp thương mại chính thức kể từ tháng 5.2005. Gần 20 triệu thuê bao của SK Telecom tại Hàn Quốc đã có thể xem các chương trình truyền hình mà không cần TV".
“Chúng tôi không hài lòng về những gì đang diễn ra với dự án của S-Fone tại Việt Nam. Những quyết định được thực hiện chậm đã làm người tiêu dùng chưa nhận thức được sự ưu việt của công nghệ CDMA mang lại. Chúng tôi cam kết mang tới cho người tiêu dùng Việt Nam không chỉ là công nghệ mới mà còn là một phong cách sống mới của thời đại "cả thế giới trong lòng bàn tay". Trong tháng 11.2005, chúng tôi sẽ chính thức công bố các quyết định chiến lược về tăng vốn đầu tư tại Việt Nam và quyết tâm đưa S-Fone trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu tại Việt Nam trong năm 2006” - ông Roy Joon, Giám đốc chiến lược S-Fone tại Việt Nam |
Điều khiến chúng tôi rất ngạc nhiên là chất lượng hình ảnh và âm thanh của các chương trình truyền hình được phát trên chiếc ĐTDĐ CDMA này hoàn toàn không thua gì chất lượng hình ảnh được phát từ đầu DVD, kể cả khi chúng tôi đang ngồi trên chiếc xe buýt chạy với tốc độ trên 100 km/giờ. Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của SK Telecom - Sang Yun Lee cho biết: "Dịch vụ truyền hình đa phương tiện qua vệ tinh (DMB) trên mạng CDMA của chúng tôi được thiết kế với tốc độ 2MB. Hiện tại, tốc độ thực mới chỉ đạt ở mức 884 Kbps nhưng chất lượng hình ảnh và âm thanh giống hệt như xem TV bình thường". SK Telecom là công ty đầu tiên trên thế giới cung cấp dịch vụ "như trong mơ" này.
Ông Sang Yun Lee cho biết, giá thuê bao 1 tháng cho dịch vụ DMB này tại Hàn Quốc là 13 USD và SK Telecom hiện có gần 300.000 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ này. Mức giá của dịch vụ sẽ giảm mạnh trong thời gian tới khi số lượng thuê bao đăng ký dịch vụ này tăng mạnh. Không dừng ở đó, SK Telecom còn đang thử nghiệm dịch vụ dùng ĐTDĐ điều khiển các thiết bị số trong nhà, báo động bình gas hết hoặc rò rỉ, nước tràn, khóa và mở cửa nhà, xem mặt khách đến nhà... bên cạnh các dịch vụ đã triển khai như rút tiền từ máy ATM, thanh toán tiền mua hàng hóa dịch vụ, định vị GPS, mua hàng từ máy bán hàng tự động... cũng chỉ với chiếc ĐTDĐ. Tại hòn đảo du lịch nổi tiếng Jeju, SK Telecom đang triển khai dịch vụ Telematics cho phép người tiêu dùng bằng một thiết bị đầu cuối đa phương tiện có thể sử dụng các dịch vụ xem TV, nghe nhạc, kịch, thông tin khí tượng thủy văn, tìm đường đi, tìm thông tin chi tiết về các điểm du lịch... Phó chủ tịch phụ trách chiến lược của SK Telecom Dong Seob Jee nói: "Chúng tôi không nói những câu chuyện "cả thế giới trong lòng bàn tay" bằng những viễn cảnh, chúng tôi nói với những thử nghiệm thực tế và những dịch vụ thực mà khách hàng đang sử dụng".
Ở Hàn Quốc, biểu tượng thương mại của dịch vụ DMB là "Hi June" và "Nate" có mặt tại khắp nơi và được giới trẻ đặc biệt ưa chuộng. Theo dự kiến của bộ phận chiến lược SK Telecom, số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ DMB sẽ vọt lên 6,6 triệu vào năm 2010. Trong số 4 tập đoàn viễn thông tại quốc gia này, SK Telecom chiếm tới 51% thị phần và hiện SK Telecom bị Chính phủ Hàn Quốc hạn chế việc tăng số lượng thuê báo và chỉ tập trung cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng. Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của SK Telecom ông Sang Jun Lee cho biết hiện SK Telecom đang dành đến 120 triệu USD hằng năm để nghiên cứu phát triển các dịch vụ mới. SK Telecom là biểu trưng cho "đế chế" CDMA tại Hàn Quốc và cũng là biểu trưng cho CDMA trên toàn thế giới. Trong khi các nước khác vẫn còn chật vật với việc phát triển internet băng rộng thì riêng SK Telecom đã có tới 4 triệu thuê bao sử dụng internet băng rộng không dây trên chiếc điện thoại CDMA.
Sự phát triển kỳ diệu của ngành viễn thông của Hàn Quốc có thể nhìn thấy qua các con số được cung cấp bởi Viện nghiên cứu chiến lược phát triển công nghệ thông tin Hàn Quốc: Năm 2003 ngành viễn thông và công nghệ thông tin đóng góp tới 51,6% GDP của Hàn Quốc; năm 2004, con số này thậm chí còn lên tới 54,3%.
Ngọc Sơn - Hoàng Ly (Theo Thanh Niên)