(VietNamNet) - Thanh tra Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) cho biết, từ giữa năm 1999 đến nay, đã có gần 50 vụ trộm cắp cước viễn thông quốc tế bị phát hiện. Nhà chức trách đã bắt giữ và xử lý nhiều cá nhân phạm tội, với những hình phạt thích đáng của pháp luật.
Với tổng số tiền thiệt hại lên tới hàng chục triệu USD dành cho tổng số vụ bị phanh phui, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra, giúp nhận thức rõ hơn âm mưu và thủ đoạn của bọn tội phạm. Số liệu thống kê cho thấy tổng lưu lượng điện thoại quốc tế của Việt Nam thất thoát từ các vụ trộm cước chiếm tới 20% tổng lưu lượng điện thoại quốc tế của Việt Nam.
Nhiều thủ đoạn tinh vi!
Phương thức sử dụng VSAT cũng đã từng bị nhiều đối tượng trộm cước viễn thông quốc tế lợi dụng. (ảnh minh họa). |
Cũng theo đánh giá của Thanh tra Bộ BCVT, từ năm 1998 trở về trước, các hình thức trộm cắp cước viễn thông chủ yếu ở mức câu móc trộm trên đường dây thuê bao khác hoặc sử dụng sóng vô tuyến của các máy điện thoại kéo dài, trộm cắp xảy ra tại các trạm điện thoại công cộng dùng thẻ từ... Song từ 1999 tới nay, các hình thức trộm cắp cước viễn thông đã tinh vi, và thực hiện có bài bản hơn nhiều.
"Phát súng" đầu tiên đánh dấu tình trạng trộm cước viễn thông ngày càng có chiều hướng gia tăng là vụ việc của Trung tâm Viễn thông quốc tế khu vực II (Thuộc Công ty Viễn thông Quốc tế - VTI) xảy ra vào giữa năm 1999 đã khiến doanh nghiệp này có được bài học "xương máu". Từ đó tới nay VTI đã phải cố gắng bằng nhiều biện pháp khác nhau để ngăn chặn, hạn chế các hành vi kinh doanh lậu, bất hợp pháp trong lĩnh vực điện thoại quốc tế.
Qua từng năm, phương thức mà tội phạm sử dụng ngày càng đa dạng hơn và thông qua nhiều loại hình dịch vụ như VSAT, kênh thuê riêng, điện thoại vô tuyến kéo dài, điện thoại di động... thậm chí có đối tượng còn lắp đặt trái phép cả thiết bị VSAT. Nhất là một vài năm trở lại đây, khi dịch vụ Internet băng rộng ADSL phát triển mạnh với lợi thế giá cước rẻ hơn nhiều so với cước thuê kênh riêng quốc tế hiện hành, việc lợi dụng mạng này để thực hiện các hành vi chuyển tải lưu lượng bất hợp pháp đã trở nên khá phổ biến.
Bằng những hình thức khác nhau, mục đích của các đối tượng thực hiện các hành vi trên đều nhằm trốn trả cước viễn thông quốc tế. Chẳng hạn, nắm được lợi thế giá cước dịch vụ Internet băng rộng ADSL rất rẻ, đặc biệt là khi so sánh với giá cước thuê kênh quốc tế hiện hành, thêm vào đó, dịch vụ này lại không có khả năng kiểm soát, ngăn chặn ngay từ đầu thông qua việc kiểm tra hồ sơ đăng ký dịch vụ của khách hàng nên các đối tượng vi phạm đã lợi dụng mạng Internet băng rộng. Việc chuyển tải lưu lượng bất hợp pháp qua phương thức này là chủ yếu.
Các doanh nghiệp viễn thông: Đều có thể là nạn nhân!
Dù vậy, con số gần 50 vụ trộm cước viễn thông bị phanh phui đã thể hiện những nỗ lực đáng kể của các cơ quan chức năng trong việc tìm ra và xử lý tình trạng này. Có nhiều phương pháp được rút ra giúp nhà chức trách có thể phát hiện và phanh phui những vụ trộm cước viễn thông quốc tế. Song theo Thanh tra Bộ BCVT, cách phát hiện những vụ việc trên là từ các dấu hiệu bất thường, của lưu lượng dịch vụ điện thoại quốc tế là chính xác và đem lại hiệu quả cao nhất. Chỉ tính từ tháng 4/2005 đến nay, công ty VTI đã tập hợp được hàng trăm cuộc gọi bất thường từ quốc tế về Việt Nam nhưng lại hiện số thuê bao di động trong nước. Các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động đều phải có ý thức cảnh giác và cùng tham gia vào công cuộc ngăn chặn các vụ việc này xảy ra.
Theo đánh giá, tình trạng kinh doanh trái phép dịch vụ viễn thông có ảnh hưởng rất lớn đối với mọi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khi đối tượng kinh doanh "chọn" họ là cầu nối để thực hiện những hành vi trái phép. Nhất là thời gian trở lại đây, trong nhiều vụ trộm cước viễn thông, đối tượng sử dụng dịch vụ di động trả trước của các doanh nghiệp như MobiCard, VinaCard, và ngay cả dịch vụ trả tiền trước của Viettel Mobile cũng đã bị lợi dụng. Trong khi đó, nhà các cung cấp dịch vụ này hiện không thể quản lý được các thuê bao trả trước của mình bởi không có số ID.
Vụ việc điển hình nhất vừa bị bắt quả tang vào trung tuần tháng 10 vừa qua. Đối tượng chính của vụ án là người Hàn Quốc đã sử dụng số thuê bao của mạng CityPhone (đơn vị chủ quản là Bưu điện Hà Nội) và thuê bao trả trước của mạng Viettel Mobile để thực hiện hành vi trộm cước viễn thông chuyển qua hệ thống mạng Internet băng rộng ADSL. Hành vi này đã diễn ra từ tháng 12/2004. Dù chưa tính cụ thể mức cước viễn thông bị trộm từ vụ việc này là bao nhiêu, song theo ước tính của Thanh tra Bộ BCVT, số tiền thiệt hại cũng phải lên tới hàng tỷ đồng.
Các nhà chức trách nhận định, dù các doanh nghiệp viễn thông có cố gắng giảm cước dịch vụ tới đâu thì "việc trộm cước dịch vụ viễn thông quốc tế" vẫn xảy ra bởi đối tượng phạm tội thực hiện hành vi trên là để "ăn cắp" cước thanh toán quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, ý thức cảnh giác của các doanh nghiệp luôn luôn cần thiết và không khi nào thừa.
-
Thuỷ Nguyên