(VietNamNet) - Hôm qua (01/11), Bộ trưởng Bộ BC-VT Đỗ Trung Tá đọc Tờ trình dự án Luật Công nghệ thông tin (CNTT) trước Quốc Hội. Báo cáo thẩm tra dự án Luật này cũng được Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội Hồ Đức Việt công bố.
Cả tờ trình và báo cáo đều nêu ra "những nội dung còn có ý kiến khác nhau" trong quá trình soạn thảo. Báo cáo thẩm tra cũng cho rằng: "Có ý kiến cho rằng "rào cản" không cần thiết trong Dự thảo Luật còn nhiều" và Dự thảo Luật vẫn còn "một số quy định chưa sát với thực tiễn, khó thực thi trong thực tế".
Nội dung chính của Dự thảo Luật CNTT
Ông Hồ Đức Việt, Chủ nhiệm UB KH, CN & MT của Quốc hội. |
Dự thảo Luật CNTT gồm 6 chương, 85 điều được xây dựng theo quan điểm: "Năng lực quản lý phải theo kịp sự phát triển để thúc đẩy ứng dụng CNTT, coi ứng dụng CNTT là một nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển KT-XH...".
Ngoài chương I là Những quy định chung, chương II trực tiếp đề cập đến vấn đề ứng dụng CNTT. Chương III về Công nghiệp CNTT.
Được biết, chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị đã cụ thể hóa sự ưu đãi như sau: "CNTT là lĩnh vực được đặc biệt khuyến khích đầu tư. Rà soát và tháo bỏ mọi nhận thức và quy định không phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất, áp dụng mức ữu đãi hiện hành cao nhất, từng bước đạt mức ưu đãi bằng hoặc cao hơn so với các nước trong khu vực cho việc ứng dụng và phát triển CNTT”.
Chương IV đề cập đến Các biện pháp đảm bảo ứng dụng và phát triển CNTT. Vấn đề giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm và các điều khoản thi hành là nội dung của các chương V và VI.
Những nội dung còn ý kiến khác nhau
Tờ trình dự án Luật Công nghệ thông tin và Báo cáo thẩm tra dự án Luật CNTT gặp nhau tại 4 điểm hiện còn nhiều ý kiến đa chiều, đó là các ý kiến về vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT, về quỹ đầu tư mạo hiểm về công nghiệp CNTT, về khu công nghiệp CNTT tập trung và về hội, hiệp hội CNTT.
Về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT, Bộ trưởng Đỗ Trung Tá cho biết: "Dự thảo Luật Công nghệ thông tin chỉ quy định mang tính nguyên tắc về bảo vệ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin". Điều này cũng được đa số thành viên UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng tình, vì "Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 này đã quy định những nguyên tắc chung nhất về quyền sở hữu trí tuệ... Do đó, Luật CNTT chỉ nên quy định những vấn đề đặc thù trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT".
Về quỹ đầu tư mạo hiểm cho công nghiệp CNTT, đây "thực chất là Quỹ đầu tư phát triển đối với một số lĩnh vực công nhgiệp có thể gặp rủi ro, trong đó có ngành công nghiệp CNTT". Nhiều thành viên UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng đây là vấn đề mới với nước ta, chưa được thực tiễn kiểm nghiệm, do đó chưa nên quy định trong Luật CNTT. Cũng có ý kiến cho rằng có thể chuyển khoản 3 Điều 50 thành một khoản của Điều 5 (chính sách của Nhà nước về CNTT) hoặc để Nghị định hướng dẫn thi hành Luật quy định. Ý kiến khác đề nghị nên bỏ khoản này vì đã có các vănbản pháp luật về hoạt động đầu tư, chứng khoán điều chỉnh.
Về khu công nghiệp tập trung (Điều 49), nhiều thành viên UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng việc quy định cụ thể, chi tiết về vấn đề này là rất khó. Vì vậy, Luật CNTT chỉ nên quy định những nguyên tắc chung về việc cho pháp thành lập khu công nghiệp CNTT tập trung, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với khu công nghiệp loại này. Một số ý kiến đề nghị nên để pháp luật về công nghệ cao điều chỉnh về vấn đề này.
Trong tờ trình đọc trước Quốc hội hôm qua, đại biểu Đỗ Trung Tá, nêu rõ: "Có ý kiến cho rằng, văn bản pháp luật về hội, hiệp hội được ban hành thì không cần thiết vì nên để cho hội, hiệp hội quy định".
Tính khả thi của Dự án Luật
"Các hành vi bị nghiêm cấm hoặc vi phạm pháp luật liên quan đến CNTT, các quy định về hạn chế, cấp phép, đăng ký... còn quá nhiều, tản mạn và quá chặt, khó tạo động lực để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT". Ông Hồ Đức Việt nêu rõ điều này trong báo cáo thẩm tra Dự án Luật CNTT.
Ông Hồ Đức Việt nhận định tiếp: "Một số quy định chưa sát với thực tiễn, khó thực thi trong thực tế. Ví dụ: điểm c khoản 1 Điều 13 quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia ứng dụng CNTT phải tiến hành ngay các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy cập thông tin trái phép theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Điều 22 quy định trách nhiệm theo dõi, giám sát nội dung thông tin số; khoản 1 Điều 23 quy định về quyền thiết lập website nhưng phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khoản 2 Điều 78 quy định về sản phẩm độc hại đối với trẻ em chưa thành niên..."
Ông Việt nói: "Chính sách của nhà nước về CNTT được quy định tại Điều 5 của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, những chính sách mang tính nguyên tắc đó chưa được cụ thể hóa tại các điều, khoản khác của Dự thảo Luật nên vẫn mang tính kêu gọi chung chung, ít ý nghĩa thiết thực trong thực tế".
"Cũng còn khá nhiều cụm từ "theo quy định của Chính phủ", "theo quy định của pháp luật" làm giảm tính khả thi của Luật, làm cho Luật chậm đi vào cuộc sống", ông Hồ Đức Việt cho biết.
Ngày 15/11 tới đây, Quốc hội sẽ tiến hành thảo Luận dự án Luật CNTT tại hội trường D1, 37 Hùng Vương.
-
Bùi Dũng