Hệ thống theo dõi dựa trên sóng vô tuyến cũng có thể dùng để quyết định xem bóng đã ra ngoài biên hay chưa hoặc thu thập thống kê về từng cầu thủ trên sân. Quả bóng đá có gắn chip này được hãng sản xuất quần áo thể thao Adidas-Salomon, công ty phần mềm Cairos Technologies và viện Fraunhofer đồng phát triển.
Công nghệ dựa trên chip ASIC (application-specific integrated circuit) với một máy phát sóng tích hợp để gửi dữ liệu. Chip được treo giữa quả bóng và có một hệ thống để chống tác động của gia tốc, các cú sút mạnh, do Adidas phát triển. Các thiết bị giống chip (nhưng nhỏ và mỏng hơn) cũng đã được thiết kế để “cấy” vào tấm lót ống chân cầu thủ.
Tại sân Nuremberg, có 12 antenna đặt tại nhiều vị trí khác phân bố quanh sân để thu nhận dữ liệu từ các chip truyền về. Các antenna này liên kết với nhau bằng cáp quang rồi đưa dữ liệu tới hệ thống máy chủ chạy Linux.
Chip này sử dụng băng tần 2,4GHz (là băng tần Wi-Fi sử dụng). Trong các cuộc thử nghiệm, không có hệ thống Wi-Fi nào gây nhiễu tới trái bóng công nghệ cao này, nhưng trong một số trường hợp cá biệt, bóng lại gây nhiễu cho các hệ thống Wi-Fi. Các nhà thiết kế đang tìm cách tránh nhiễu vì họ biết rằng, sẽ có nhiều hệ thống Wi-Fi được sử dụng tại vòng chung kết.
FIFA sẽ thử nghiệm công nghệ này một lần nữa tại một giải đấu ở Nhật bản vào cuối năm 2005 trước khi quyết định, liệu có sử dụng công nghệ này cho tất cả 12 sân vận động đã được lựa chọn để tổ chức World Cup 2006 tại Đức không.
Nhưng công nghệ dù có chính xác đến đâu thì vẫn không thể hoàn thiện được. Công nghệ sử dụng cho trái bóng này chỉ mang tính trợ giúp, còn quyết định cuối cùng vẫn thuộc về các “ông vua trên sân cỏ”.
(Theo PC World VN)