221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
722590
Internet đang có nguy cơ bị... "xẻ thịt"
1
Article
null
Internet đang có nguy cơ bị... 'xẻ thịt'
,

Cuộc chiến giành quyền "cai trị" Internet đã thực sự nổ ra giữa Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới. Mỹ muốn tiếp tục thống trị Internet trong khi các quốc gia khác lại yêu cầu nhiều quyền kiểm soát hơn. Hội đồng chung Châu Âu cảnh báo, nếu các bên không đạt được thỏa thuận trong hội nghị ở Tunisi vào tháng tới thì rất có thể Internet sẽ bị chia nhỏ.

Vấn đề xuất phát từ vai trò giám sát của chính quyền Mỹ đối với hệ thống quản lí tên miền DNS (Domain Name System).

Có thể coi DNS như sổ địa chỉ của Internet, trong đó mỗi địa chỉ số IP được gán với một địa chỉ bằng chữ cho dễ nhớ. Ví dụ: Google có địa chỉ IP 216.239.37.99 tương ứng với địa chỉ DNS www.google.com. Không chỉ đơn thuần là một tập hợp địa chỉ Internet của mọi người, DNS chia địa chỉ theo khu vực mà nó hoạt động, gọi là miền (domain), cho phép liên lạc trong Internet được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.

Hiện hệ thống DNS do công ty phi lợi nhuận ICANN (The Internet Corporation for Assigned Names and Numbers) quản lý. ICANN quyết định ai hoạt động trên cấp tên miền cao nhất (top-level domain) như .com, .org hay .vn, và chịu trách nhiệm cấp phát không gian trên Internet. Công ty được thành lập tại California theo giấy phép của Bộ thương mại Mỹ. Vì thế ICANN phải tuân theo luật pháp bang California.

Mọi quyết định của ICANN được cố vấn bởi Hội đồng cố vấn chính phủ GAC (Governmental Advisory Committee). Thực tế GAC gây nhiều sức ép với ICANN hơn là Bộ thương mại Mỹ. GAC xem xét lại tất cả yêu cầu tạo tên miền, trong khi Bộ thương mại chưa một lần can thiệp vào quyết định của công ty.

Nhiều chính phủ cho rằng họ cần một nơi mà tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới đều được tự do bày tỏ ý kiến của mình về Internet, nhưng ICANN lại chịu sự kiểm soát của chính quyền Mỹ, nên họ có ấn tượng là Internet bị thống trị chỉ bởi một quốc gia.

Một cuộc họp đã được tổ chức tại Geneva tháng trước để thu thập ý kiến của các chính trị gia xung quanh vấn đề này. Kế hoạch mở quyền quản lý Internet cho các nước đang phát triển của Châu Âu vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ phía Mỹ.

Viviane Reding, ủy viên thông tin hội đồng chung châu Âu nói “Nếu các bên không đạt đến một thỏa thuận đa phương thì các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Brazil, và một số nước Ả rập rất có thể sẽ xây dựng Internet của riêng họ. Và như thế tính chất có mặt ở mọi nơi, điều làm nên sự thần kì của Internet sẽ biến mất.”

Mỹ cho rằng nhiều chính phủ không dân chủ, nên không thể xây dựng một Internet mở như vậy.

Michaek Gallagher, cố vấn Internet của Tổng thống Bush, kiêm trưởng ban điều hành thông tin liên lạc Mỹ, tin tưởng họ đang nắm trái tim Internet, trái tim duy nhất giúp cho nó hoạt động. “Những người đang nhắm đến quyền điều khiển, họ nghĩ rằng DNS là tất cả cuộc sống. Nhưng cuộc sống dựa trên biên cương lãnh thổ và những chính sách mà họ thiết lập ở đó.”

Chính quyền Mỹ đã tạo nên Internet vào thập niên 60, có ý định duy trì vai trò giám sát ICANN, từ bỏ cam kết suốt thời Clinton.

David Gross, trưởng phái đoàn Mỹ tại hội nghị Geneva, nói “một mô hình quản lí Internet chưa được kiểm nghiệm sẽ có thể phá vỡ hơn 250.000 mạng máy tính đang sử dụng giao thức TCP/IP, với hơn 1 tỉ người tham gia trên 27 tỉ phiên giao vận mỗi ngày”

“Internet đã và đang được coi là mạng tin cậy và ổn định của các loại mạng. Internet đã phát triển với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người…Cái mà chúng ta đang mong đợi chính là cuộc cách mạng công nghệ của Internet. Chúng tôi không nghĩ việc tạo thêm hay sử dụng những thể chế đa phương trong việc kiểm soát Internet là cách để đẩy nhanh những tiến bộ về công nghệ.”

Tên miền- tâm điểm của mọi tranh cãi

Theo Emily Taylor, Giám đốc chính sách & pháp luật ở Nominet, công ty quản lý những tên miền có đuôi .co hoặc .org, tất cả đề tranh cãi trong hội nghị Geneva đều quay quanh tên miền cao nhất (top-level domain).

Mặc dù DNS là một hệ thống phân tán, nó cần có điểm bắt đầu, một danh sách các nơi mà địa chỉ Internet bắt đầu. Danh sách đó gọi là root zone file, gồm 248 top-level domain theo mã các quốc gia như .vn, .kr, .uk... và 14 top-level domain theo phạm vi hoạt động như .com, .net, .org. Root zone file xác định ai chạy trên miền nào và bắt đầu tìm kiếm họ từ đâu. Trên thế giới chỉ có 13 Server giữ danh sách này, trong đó có 10 Server đặt tại Mỹ.

Tổng giám đốc ICANN, Paul Twomey chia sẻ nhiều mối lo ngại với chính phủ Mỹ. Ông nói: “Chúng tôi luôn muốn tiến bộ, năng động. Chúng tôi đang chịu trách nhiệm về sự ổn định của Internet và chúng tôi nghĩ đó là cách tốt nhất để phát triển những hệ thống đã có. Cấu trúc tập đoàn của chúng tôi ngày hôm nay là sản phẩm của lịch sử chứ không phải của một thiết kế đặc biệt nào.”

Quản lý- chỉ là vấn đề phụ

Hai tuần trước, Châu Âu đưa ra “mô hình cộng tác” để thỏa thuận với ICANN và một forum để các chính phủ có thể tranh luận về việc quản lý Internet.

Kế hoạch của Châu Âu được Trung Quốc, Arập, Iran, Pakistan và nhiều nước khác ủng hộ. Trước động thái đó, một số chính trị gia châu Âu nghi ngờ “Tranh cãi xung quanh vấn đề cai trị Internet chỉ là chuyện nhỏ, trong khi châu Âu đang để các quốc gia khác lôi kéo về phía đối đầu với Mỹ, và điều này sẽ đặt Châu Âu vào một tình thế mạo hiểm.” Các chính trị gia khác thanh minh: họ “ hoàn toàn phản đối việc kiểm soát nội dung của Internet. Vai trò của châu Âu khác với của Trung Quốc hay Brazil.” Và họ “ không thỏa hiệp với bất kỳ đề nghị nào từ phía các quốc gia đó.”

Mặc dù không thích cách mà Mỹ thống trị Internet, nhưng Argentina và Canada lại bày tỏ lo ngại nếu Internet mở quyền quản lý cho tất cả các nước. Ngay trước hội nghị ở Tunisi 3 ngày, mọi ý kiến của các quan chức sẽ được thu thập lại nhằm tranh luận triệt để và thẳng thắn về vấn đề quản lý Internet.

Có vẻ như thời kì “mặt trời không bao giờ lặn” trên Internet sắp đến hồi kết thúc. Dù quyết định từ hội nghị Tunisi có thể không có ý nghĩa pháp lý nào thì ràng buộc giữa ICANN và chính phủ Mỹ cũng sẽ chấm dứt vào cuối tháng 9 năm sau, đến lúc đó hoạt động của công ty này hoàn toàn độc lập với chính quyền.

Ông Gallagher nói “Chúng tôi sẽ không quan liêu hóa, chính trị hóa hay kéo lùi sự phát triển của DNS. Chúng tôi không đồng tình với điều đó vào tháng 11 này và chúng tôi cũng không làm điều đó vào tháng 9 năm sau.”

Hạnh Lê (Theo Guardian)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,