221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
721938
Công nghiệp game Việt Nam - "Con gà đẻ trứng vàng"?
1
Article
null
Công nghiệp game Việt Nam - 'Con gà đẻ trứng vàng'?
,

(VietNamNet) - Dịch vụ game đã đi trước ngành sản xuất game trong nước một bước. Khi nhu cầu về trò chơi trên máy tính và các thiết bị khác, đặc biệt là nhu cầu về game online đang tăng cao nhất từ trước đến nay, các nhà sản xuất bắt đầu tính đến chuyện sản xuất game, coi đó như một hướng đi mang tính đột phá cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.

"Mục tiêu 2010: đạt doanh số 150 triệu USD từ thị trường game!"

Công nghiệp game Việt Nam không chỉ bao gồm việc sản xuất ra các game mang thương phẩm "made in Vietnam" mà còn là hàng loạt dịch vụ game kèm theo. Khi tính doanh số của thị trường game sẽ bao gồm cả hai yếu tố này. Cũng như đề cập đến game (trò chơi điện tử) nói chung thì phải bao gồm: game trên máy tính, game trên điện thoại di động, game video...

Năm 2004 vừa qua được đánh giá là "năm thành công của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam" với doanh số phần mềm và dịch vụ đạt 170 triệu USD (tăng 33,3% so với năm 2003). Tuy nhiên, để đạt được con số mục tiêu đề ra bấy lâu 400-500 triệu USD/năm, vẫn còn là khoảng cách xa. Như thế, game được tính là một hướng đầu tư mới cho mục tiêu tăng trưởng.

Soạn: AM 594158 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Dịch vụ game online ở Việt Nam đang thu hút đông người chơi nhất từ trước đến nay. Ảnh: B.D

Hiệp hội DN phần mềm Việt Nam (VINASA) vừa đề xuất một số hướng đi mang tính đột phá cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam, bao gồm: hợp tác Việt Nam - Nhật Bản (nơi có thị trường phần mềm trên 130 tỷ USD), xây dựng năng lực phần mềm nhúng, phát triển trò chơi trên máy tính và trên các thiết bị khác và phát triển các giải pháp ERP cho DN. Như vậy, sản xuất game đã được xác định như một mục tiêu để phát triển ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.

Theo đó, mục tiêu mà VINASA đề ra tới năm 2010: đạt doanh số 150 triệu USD từ các loại trò chơi trên máy tính và các thiết bị khác (do trong nước phát triển). Riêng về game online trong nước được xác định sẽ "dần chiếm lĩnh thị trường trong nước, thay thế game nhập khẩu".

Các hướng phát triển khác về game được nêu lên là: xây dựng Vườn ươm các DN chuyên về trò chơi trên máy tính và các thiết bị khác. Có chương trình liên kết giữa các DN phần mềm với các tập đoàn công nghệ lớn liên quan như Intel, Cisco, IBM, HP, Nokia, Motorola, LG, Samsung... Xây dựng trung tâm đào tạo, trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) chuyên về game. Phát động các cuộc thi viết game, thi chơi game. Tiến hành triển lãm, hội chợ game.

Như vậy, dịch vụ game và việc sản xuất game trong nước đã lọt vào tầm ngắm của các DN phần mềm. Lãnh đạo VINASA đã chính thức đề xuất trong phương hướng hoạt động giai đoạn 2005 – 2010 để game trở thành khâu thiết yếu trong công nghiệp phần mềm Việt Nam.

Ông Trương Gia Bình, chủ tịch VINASA, cho rằng: "Sự phát triển của thị trường game online chính là động lực để các công ty phần mềm có đơn hàng gia công game cho nước ngoài và từ đó tích luỹ kinh nghiệm để có thể xây dựng, triển khai game online của Việt Nam. Cần có định định hướng lại để các doanh nghiệp đầu tư đúng đắn cho công nghiệp game Việt Nam.”

Các nhà cung cấp dịch vụ cũng dự báo ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến sẽ đem lại cho VN doanh số 10-15 triệu USD ngay trong năm 2006, và có thể đạt mức tăng trưởng từ 300 đến 400% mỗi năm.

Với những tín hiệu như trên, liệu đã có thể nói: ở Việt Nam, game bắt đầu bước vào một guồng quay mới? Việc bắt tay xây dựng công nghiệp game trở thành một nhân tố mới trong bài toán tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Liệu việc sản xuất game Việt khả thi đến đâu? sẽ được người tiêu dùng trong nước chấp nhận thế nào? Riêng với game online, khi thị trường Việt Nam đang "lên cơn sốt" thì cũng là lúc có nhiều hệ lụy kèm theo, và các nhà quản lý đang bàn cách hạn chế giờ chơi đối với đối tượng "kích cầu" chính là các game thủ.

Công nghiệp game Việt Nam: cơ hội và thách thức

Có nhiều yếu tố để các DN phần mềm coi game là "con gà đẻ trứng vàng".  Điều đầu tiên được nhắc đến như một tác nhân thúc đẩy cho sự phát triển công nghiệp game ở Việt Nam, đó là nhu cầu chơi game đang gia tăng mạnh mẽ, hàng ngàn người đang dành hàng ngày, hàng giờ để sử dụng nó. Riêng doanh thu dự kiến đối với game online Võ lâm truyền kỳ do VinaGame đưa ra trong năm 2005 là khoảng 80 tỉ đồng. Dưới mắt các nhà kinh doanh game thì yếu tố "cầu" đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, Việt Nam đang chủ yếu dùng game "nhập khẩu" , đặc biệt là game nhập vai trực tuyến nhiều người chơi (MMPROG) với giá tiền bản quyền lên tới hàng triệu USD mỗi game.

Soạn: AM 594160 gửi đến 996 để nhận ảnh này
"Phát động các cuộc thi viết game, thi chơi, triển lãm, hội chợ game" - đó là một trong những định hướng phát triển game do VINASA đưa ra. Ảnh: B.D

Có người cho rằng con đường phát triển cho những nhà phát hành game sẽ theo quá trình: ban đầu là phát hành những game phù hợp với văn hóa địa phương, như game của Hàn Quốc, Trung Quốc, tiến tới các game của Mỹ, rồi tự phát triển các game trực tuyến của riêng mình.

Nhiều người lạc quan về yếu tố khai thác kịch bản game thuần Việt và đưa ra nhiều truyện lịch sử, truyện cổ sẵn có ở ta như: Loạn 12 sứ quân, Ba lần chống quân Nguyên Mông, Trần Quốc Toản "phá cường địch báo hoàng ân", An Dương Vương xây Loa thành... và cho rằng "đây là những cốt chuyện cực hay cho game chiến thuật". Hay "câu chuyện Sơn Tinh chiến đấu với Thủy Tinh, Yết Kiêu lặn dưới nước đục thuyền giặc, Thạch Sanh cứu công chúa... rất thích hợp cho cho thể loại game nhập vai".

Trước khi game Võ lâm truyền kỳ của Trung Quốc được Việt hoá, game Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân của tác giả Đinh Bá Trực đã có thể được xem là game online đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế là, nếu so với các game trực tuyến đang thu hút hàng vạn người chơi như hiện nay, thì game online Việt Nam này có mức độ hút khách quá nhỏ. Đây là game thuần Việt như cách hiểu của nhiều người, tuy nhiên, xét về các yếu tố khác để hấp dẫn người chơi như kịch bản đa dạng, đồ họa sinh động... thì Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân chưa đủ sức để tạo nên "con sốt" trong giới gamer.

Được biết, năm 2004, game “Hà Nội 12 ngày đêm” đã được Sony Ericsson đồng ý cài đặt cho các máy di động P910. Ông Trịnh Bảo, trưởng nhóm viết phần mềm Bút Trẻ nhìn nhận, việc phát triển các dòng game Việt mang cốt truyện lịch sử có ý nghĩa giáo dục trực quan, khơi dậy những truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc. Bên cạnh đó còn là lợi ích kinh tế do việc sản xuất game đem lại. Nhưng dẫu sao cũng phải nhìn nhận một điều: từ cốt truyện lịch sử để đi đến kịch bản game vẫn có những khoảng cách nhất định. Sử dụng những cốt truyện lịch sử hay, sẵn có, chưa chắc đã tạo được kịch bản game hay.

Cũng như rất nhiều phim truyện nhựa, phim truyền hình ở ta từng khai thác chất liệu lịch sử nhiều lần, nhưng số lần thành công vẫn quá hiếm hoi. Hay như nói đến phim hoạt hình, nếu liên tưởng thì có vẻ gần với game hơn cả, vì đều có tính giải trí cao và có đối tượng chính là thanh thiếu niên. Hoạt hình Việt Nam trong con mắt giới trẻ vẫn còn thiếu hấp dẫn cả về nội dung, hình thức và yếu tố kỹ thuật, trong khi từ nhiều năm nay, giới trẻ vẫn mê mải xài phim hoạt hình nước ngoài... Phát triển, sản xuất game và game online đối với Việt Nam nay vẫn là một công việc mới mẻ, ở những bước đi đầu.

Khi đưa ra một số hướng đi cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam, VINASA đã dẫn ra "tấm gương Hàn Quốc" khi nước này đặt mục tiêu đến năm 2007 là một trong 3 quốc gia dẫn đầu thế giới về game. Thực sự, những năm qua Hàn Quốc đã bộc lộ là một quốc gia có nhiều thế mạnh về sản xuất, phát hành game online và có nhiều công ty lớn kinh doanh chuyên sâu về lĩnh vực này. Game online cũng là đầu tàu kích thích các ngành công nghiệp phần mềm, phần cứng, hạ tầng Internet, dịch vụ... phát triển. Ở Việt Nam cũng vậy, một trong những yếu tố để đưa ra ý tưởng, kế hoạch hành động cho việc sản xuất game, kích thích thị trường game phát triển đó là sự tăng trưởng nhanh, mạnh của thị trường CNTT-VT Việt Nam, hạ tầng kỹ thuật ngày càng được nâng cao. Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển game, đặc biệt là game online đồng nghĩa với việc thúc đẩy phát triển băng thông rộng.

Tuy nhiên, ngay như Hàn Quốc và nhiều nước có công nghiệp game phát triển mạnh khác, một câu hỏi thường trực luôn được đặt ra là: Có gì mới? Đã liên quan đến công nghệ giải trí thì yếu tố mới luôn được xem là tiêu chí quan trọng. Chỉ khi game trong nước mới hơn, hay hơn game nước ngoài thì mới có thể "chiếm lĩnh thị trường trong nước, thay thế game nhập khẩu". Thực tế, trong tình hình cạnh tranh gay gắt như hiện nay, ngay đối với các "đại gia" về game, thì chi phí quá cao dành cho công tác phát triển game, việc lựa chọn giữa những game chiến đấu kiểu cũ thành công hay hướng đến những game mới sáng tạo đã trở thành một bài toán đau đầu.

Để tạo ra game mới, có sức cạnh tranh và hấp dẫn người chơi thì ở một số nước, nền công nghiệp game và công nghiệp điện ảnh đã chung lưng sát cánh để đưa các kịch bản của nhau vào phim trường và vào video game. Nhiều bộ phim mới được chuyển thể thành game và ngược lại.

Là nước định hướng sau về việc xây dựng công nghiệp game, phải chăng Việt Nam cũng cần có những cách đi mới? Từ định hướng đến kế hoạch chi tiết đã được đưa ra, nhưng để có thể làm game một cách chuyên nghiệp, theo ông Trương Gia Bình, khó doanh nghiệp nào có thể có đủ tiềm lực bởi giá cả cho các công cụ phát triển game là rất đắt, tới khoảng 1 triệu USD cho một hệ thống hoàn chỉnh.

Nhiều DN lớn đã và đang nhảy vào thị trường game, định hướng xây dựng công nghiệp game Việt Nam đã được nêu lên, liệu nhân công Việt Nam có đủ sức sáng tạo và kinh nghiệm để tạo ra các game đủ sức thu hút, có giá trị giải trí, kinh doanh cao và xa hơn là có thể xuất khẩu? Dịch vụ game trong nước tăng trưởng mạnh với lượng người chơi đông đảo là một chuyện, còn vấn đề phát triển game Việt liệu có khả thi? Một nhà kinh doanh trò chơi trực tuyến Hàn Quốc cho biết: Doanh thu từ game online cao hơn doanh thu từ phim, trong khi phim Hàn Quốc được chiếu mọi nơi trên thế giới. Nhưng vấn đề là ta sẽ làm gì để được như Hàn Quốc, để công nghiệp game cũng trở thành "con gà đẻ trứng vàng" ở Việt Nam?

  • Bùi Dũng

Đón đọc bài 2: "Công nghiệp giải trí trực tuyến và những cái nhìn đa chiều"

 

Theo bạn, Việt Nam có thể xây dựng ngành công nghiệp phần mềm game?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,