(VietNamNet) - Thông tin từ Bưu điện các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình cho biết, đến chiều nay, 28/9, sau hơn 1 ngày cơ bão số bảy tràn vào, công tác thống kê và khắc phục sau bão đang được thực hiện khẩn trương với tất cả khả năng có thể.
Mạng VinaPhone đã phát huy tối đa năng lực cầu nối liên lạc trong công tác chống bão số 7. |
Tại Thanh Hóa
, tối 26 và sáng 27/9/2005, bão số 7 đã đổ bộ vào đất liền thuộc địa bàn với sức gió cấp 11, 12 giật trên cấp 12 gây mưa to trên diện rộng. Theo đánh giá, cơn bão đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạng viễn thông của Bưu điện.Theo thống kê, đã có 14/56 tuyến vi ba bị gió làm xoay an ten nhưng không bị hỏng thiết bị gồm các tuyến: Thường Xuân - Dốc Trầu, Thanh Hoá - Minh Lộc, Triệu Sơn - Vĩnh Lộc, Hàm Rồng - Nga Sơn, Nga Sơn - Gũ, Lam Sơn - Nga Sơn, Hàm Rồng - Nông Cống, Nông Cống - Chợ Trầu, Nông Cống - Công Bình, Thanh Hoá - Yên Định, Hàm Rồng - Thọ Xuân, Minh Tiến - Ngọc Lặc, Triệu Sơn - Cẩm Thuỷ, Vĩnh Lộc - Vân Du. Đến 17g30 ngày 27/9 với sự hỗ trợ của các công ty TST, CT-IN, VMS, VFT, Bưu điện Thanh Hoá đã khôi phục được 9/14 tuyến truyền dẫn.
Cũng trong tối 26 và ngày 27/9 lực lượng giao thông hỏa tốc của các đơn vị thuộc Bưu điện tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời chuyển trên 1000 lượt điện, công văn hỏa tốc phục vụ công tác chỉ đạo chống bão và di dân ở các xã ven biển. Thực hiện công tác khôi phục mạng thông tin liên lạc, trước mắt Bưu điện đang tập trung khôi phục các tuyến truyền dẫn, triển khai các máy điện thoại kéo dài, máy CODAN cho các địa điểm xung yếu.
Trước đó, chuẩn bị tinh thần đón bão số 7, Bưu điện Thanh Hóa đã tập trung nỗ lực, chạy đua với thời gian đẩy nhanh tiến độ lắp đặt tuyến truyền dẫn quang cho các huyện ven biển. Buổi chiều 27/9, lực lượng kỹ thuật đã chủ động đưa vào sử dụng các tuyến cáp quang mới Hà Trung - Gũ - Nga Sơn - Hói Đào. Đến 16g00 đã khôi phục được thông tin hoàn toàn cho các trạm Gũ (Hà Trung), Minh Lộc (Hậu lộc) và cố gắng khôi phục liên lạc cho các trạm Nga Sơn, Hói Đào trước 18g ngày 27/9.
Được đánh giá là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão số 7 song Nam Định đã đảm bảo thông tin bằng mạng di động luôn thông suốt. Riêng mạng ngoại vi, có 1.050 cột bê tông đã bị gãy, 2.640 cột bị đổ và 4.070 cột bị nghiêng. Số máy điện thoại bị mất liên lạc do mạng ngoại vi lên tới 16.000 máy. Theo lãnh đạo của Bưu điện tỉnh Nam Định, công tác khắc phục sau bão của địa phương phải thực hiện từng bước một. Trước mắt, Bưu điện sẽ tiến hành xử lý, khôi phục thông tin liên lạc cho các cơ quan, ban ngành, huyện ủy, các ban phòng chống lụt bão, bộ đội... điều hành công tác khắc phục sau bão. Dự kiến thời gian để hoàn thành việc khôi phục 16.000 thuê bao tại Nam Định cũng sẽ phải mất từ 7 đến 10 ngày.
Chuẩn bị đón cơn bão số 7, Bưu điện Hải Phòng đã lắp đặt và bổ sung thêm thiết bị VHF cho một số điểm trọng yếu, chuẩn bị sẵn xe lưu động; di chuyển trang thiết bị, máy móc, hàng hóa ẩn phẩm bưu điện lên cao.. Tuy nhiên, trước những tác động mạnh của cơ bão số 7, nhiều thiết bị viễn thông đã bị gẫy, hỏng. Các đài viễn thông Cát Hải, Tiên Lãng, Hồng Bàng đã gặp sự cố mạng cáp. Tổng cộng đã có 607 máy điện thoại bị hỏng trên toàn mạng. Bưu điện Hải Phòng đang tập trung khắc phục để thông mạng trong thời gian sớm nhất.
Bưu điện Quảng Ninh cũng đang tập trung khắc phục tình trạng mất liên lạc của 2.000 thuê bao cố định. Thông tin từ Bưu điện Quảng Ninh, mặc dù cơn bão số 7 là cơn bão to, gió mạnh cây cối đổ nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến các cột điện, cột phát sóng của Bưu điện tỉnh song do sự phân công bố trí hợp lý và chủ động đề phòng nên công tác đảm bảo thông tin phục vụ sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng chính quyền đại phương trong công tác PCLB được đảm bảo. Tuy nhiên do tình hình khắc nghiệt của bão lũ tuyến vi ba Đèo Nai - đảo Quan Lạn bị xoay ăng ten làm mất liên lạc tổng đài SRX Quan Lạn dung lượng khoảng 330 thuê bao từ 4g00 - 11g00 ngày 27/09/2005.
Tại Ninh Bình, 4 giờ sáng ngày 27/9 cơn bão số 7 đã đổ bộ vào địa bàn tỉnh với sức gió mạnh cấp 10, cấp 11 giật cấp 12. Bão đã làm ảnh hưởng đến một số các thiết bị viễn thông, số liệu thống kê sơ bộ đã có 550 cột bê tông treo cáp bị nghiêng, đổ, 350 cột bị gãy; Có 54 cái tủ cáp các loại bị hư hỏng; Cáp thông tin bị đứt ở nhiều tuyến do cây bên đường đổ đè vào; 140 km dây súp thuê bao hư hỏng và còn nhiều các vật liệu kiến trúc khác bị hư hỏng nhưng tạm thời chưa thống kê được.
Ảnh hưởng bão, tuyến Viba dự phòng của Bưu điện Thái Bình nối từ thị xã Thái Bình tới huyện Đông Hưng cũng đã gặp sự cố từ 4g00 ngày 27/9/2005 do bị xoay ăngten. Bưu điện Thái Bình đã kịp thời chuyển sang khai thác qua cáp quang nên mạng lưới không bị ảnh hướng lớn. Hiện Bưu điện Thái Bình đã xử lý xong sự cố. Về mạng ngoại vi có 99 cột bê tông bị gãy, 215 cột bị đổ và 1.061 cột bị nghiêng; 10 sợi cáp treo bị đứt và mất 50m cáp 50x2. Số máy điện thoại bị mất liên lạc do mạng ngoại vi khoảng 808 máy.
Mặc dù cũng đã có sự cố gây mất liên lạc một số trạm BTS, song hai ngày qua, mạng thông tin di động VinaPhone được đánh giá cao trong việc phục vụ liên lạc, điều hành phục vụ công tác chống bão tại tất cả các tỉnh mà bão đã đi qua. Theo lãnh đạo của VinaPhone, họ đã bố trí lực lượng xe lưu động "nằm vùng", luôn sẵn sàng ứng cứu, xử lý các tình huống, sự cố xảy ra trong bão. Hiện tại, ở nhiều nơi, mạng VinaPhone vẫn là cầu nối quan trọng của nhân dân khi có nhu cầu liên lạc với người thân.
Thủy Nguyên