Trong vòng 10 năm nữa, những số PIN và mật khẩu bảo mật sẽ bị thay thế bởi một công cụ sinh trắc học mới: một chiếc mũi điện tử với khả năng phân biệt và nhận biết mùi đặc trưng của người dùng.
David Bishop, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu công nghệ Nano của phòng thí nghiệm Bell Labs, Mỹ, dự đoán rằng, chỉ một thập niên nữa thôi, những chiếc ĐTDĐ sẽ có khả năng đánh hơi, ngửi, nhìn và nghe không khác gì con người. Mục tiêu của các nhà nghiên cứu trong việc tạo ra các "giác quan điện tử" này là nhằm giúp cho các cuộc đàm thoại trở nên sống động hơn, thật hơn, nhưng đồng thời cũng an toàn và bảo mật hơn.
"Chúng ta đã đạt được những bước tiến kỳ diệu trong lĩnh vực mạng tốc độ cao, thế nhưng giao diện chúng ta sử dụng thì vẫn y hệt như thế", Bishop nhún vai, chỉ vào chiếc bàn phím và điện thoại làm thí dụ. "Bạn thấy đấy, hình thức của chúng hầu như chẳng khác gì so với cách đây 100 năm". Theo Bishop thì chỉ 1 hoặc 2 năm nữa, những chiếc microphone nhỏ xíu với kích thước chỉ gấp đôi đường kính sợi tóc con người sẽ được cài đặt bên trong các mẫu ĐTDĐ. Những microphone này có tính năng siêu nhạy và sẽ có thể "bắt" tín hiệu âm thanh từ cùng lúc các hướng khác nhau. Thế nhưng thật tài tình, chúng vẫn có khả năng chặn các tạp âm nền ồn ào không ăn nhập gì đến cuộc trò chuyện.
Xa hơn chút nữa, khoảng 3 hoặc 4 năm sau, một "cầu mắt lỏng" sẽ được tích hợp vào ĐTDĐ. Con mắt mới cho phép điện thoại phát hiện người nghe ở đầu dây bên kia có chú tâm hoàn toàn vào cuộc đàm thoại, cũng như người nói có cần điều chỉnh lại nội dung câu chuyện để thu hút sự chú ý hay không. Cơ chế hoạt động của mắt điện tử cũng gần giống như mắt người, dịch chuyển khi có gì đó "bắt mắt".
Cuối cùng, trong khoảng 10 năm nữa, một "chiếc mũi điện tử" sẽ có thể phát hiện được mùi hương đặc trưng toát ra từ mỗi người, từ đó, có thể được dùng làm một lá chắn chống hacker, thay thế số PIN và mật khẩu. "Nó sẽ là một hệ thống bảo mật hoàn hảo, nếu chúng ta có thể tái tạo một chiếc mũi thính như của cá mập hay chó săn".
Sau khi làm chủ được từng giác quan điện tử một, giai đoạn hai của công trình nghiên cứu là sẽ tìm cách cho chúng phối hợp với nhau, giống hệt như các giác quan của con người vậy. Kết quả là dù không trò chuyện mặt đối mặt nhưng cuộc đàm thoại giữa hai người vẫn diễn ra "như tự nhiên". Khi đó, giao diện của ĐTDĐ cũng sẽ giống như gương mặt của con người..
Trước đó hồi đầu tháng, chủ tịch Bell Labs Jeong Kim đã nói với các nhà báo Hàn Quốc là công nghệ nano sẽ "gánh vác trách nhiệm tạo ra những bước tiến thần kỳ cho công nghệ vi tính" trong thời gian tới.
"Nếu công nghệ nano duy trì được tốc độ phát triển như hiện tại, nó sẽ sản sinh ra một chiếc máy tính có khả năng xử lý thông tin tương đương với bộ não con người vào năm 2060", ông Kim tuyên bố.
Thiên Ý (Theo CNN)