Xin mượn tên một bộ phim của Hollywood làm tiêu đề cho bài báo này. Quả thật, chưa bao giờ những dịch vụ giải trí lại được khai thác nhanh và mạnh mẽ đến thế trong ngành Viễn thông.
Thế giới đại chiến
Không đơn thuần là nghe và nhận cuộc gọi, di động đang thực sự trở thành một kênh truyền thông, nghe nhìn, giải trí. Có tới 50% số di động được bán ra trên toàn thế giới hiện nay cài Java, nghĩa là có thể chơi được những game tương đối phức tạp, thậm chí cả game với đồ họa 3D. Trong một nửa số lượng còn lại, đã hầu hết được tích hợp các tiện ích cho phép bạn có thể thoải mái nghe nhạc, xem video,...
Alofun đã là một thương hiệu được biết tới trong làng cung cấp các dịch vụ giải trí trên mobile. |
Tại Nhật Bản, một số vùng của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã xuất hiện cả trào lưu đọc tiểu thuyết trên ĐTDĐ. Thói quen đọc một thứ gì đó trên những chuyến tàu điện ngầm hay ở bến chờ xe buýt giờ đã được thay thế bằng việc lướt tay trên chiếc mobile nhỏ luôn bên bạn. Không chỉ đưa tiểu thuyết lên môbai, các nhà cung cấp dịch vụ thông tin thậm chí còn đưa lên đó những bản luận văn, các bài nghiên cứu,... rất thuận tiện cho những người thường xuyên phải di chuyển.
Các nội dung cung cấp thông tin khác cũng rất được ưa chuộng như các bản tin thể thao, thời tiết, địa chỉ những cửa hàng, bến xe, giờ tàu,... Các dịch vụ này khá phổ biến ở các nước châu Á và Thái Bình Dương.
Nhưng nội dung giải trí mới thực sự là "gà đẻ trứng vàng" cho các nhà cung cấp dịch vụ thông tin, giải trí trên di động. Theo một số nhà phân tích dự báo, tới năm 2009, thế giới sẽ có 220 triệu người chơi game trên ĐTDĐ. Cấu trúc và chức năng điều khiển trên ĐTDĐ đã được cải tiến rất nhiều, đặc biệt, có rất nhiều loại máy di động đã được thiết kế riêng dành cho dân ghiền game. Các game đơn giản như xếp hình, đua xe,... thậm chí còn thu hút cả các bà nội trợ; trong khi các game đòi hỏi phản ứng nhanh lại hấp dẫn giới trẻ hơn.
Với các quý ông "muộn vợ" hoặc e dè trong việc hẹn hò, hãng phần mềm Hồng Kông Artificial Life đã phát triển trò chơi "Cô bạn gái ảo" trên điện thoại 3G được mở ra tại châu Á và châu Âu. Khi đăng ký dịch vụ này, khách hàng có thể làm quen và hẹn hò với một cô bạn gái ảo, tặng quà, hờn giận hay thưởng thức bữa tối lãng mạn cùng nàng. Cơ chế hoạt động của người tình ảo này tương tự như gà ảo Tamagotchi.
Những người mê nhạc giờ đây cũng có thể hài lòng với việc xem trọn vẹn một video clip ca nhạc trên ĐTDĐ mà mới đây đã được cung cấp tại Anh. Mỗi một video clip có giá 1,50 bảng và người sử dụng có thể lựa chọn hoặc tải hẳn về ĐTDĐ, hoặc chỉ thưởng thức một lần trên máy. Các clip mới này thậm chí được bán ra sớm hơn thời điểm phát hành chính thức bên ngoài thị trường nhiều tuần lễ.
Cuộc đua tranh mạnh mẽ về ý tưởng và các dịch vụ giải trí đa dạng cho môbai đã kéo cả các người khổng lồ vào cuộc. Microsoft vừa tung ra dịch vụ tải các chương trình truyền hình hàng ngày, các video clip giải trí cùng với các nội dung kỹ thuật số khác chuyên dành cho các thiết bị di động sử dụng Windows Mobile của Microsoft. Dịch vụ MSN Video Downloads chuyển tải nội dung các chương trình từ các đối tác của Microsoft như CinemaNow, MSNBC.com và TiVo. Yahoo và Google cũng bắt đầu vào cuộc với các dịch vụ tra cứu thông tin trên môbai.
Hãy bắt tôi nếu có thể
Tại Việt Nam, tháng 2-2004, Dalink - một thương hiệu mới về cung cấp các dịch vụ giải trí trên di động xuất hiện đã khuấy động thị trường này cho dù trước đó MobiFone và VinaPhone đã có những dịch vụ tương tự dành cho các thuê bao riêng của từng mạng.
Với ngân hàng nhạc chuông đơn âm, đa âm, các logo, hình ảnh,... phong phú, Dalink đã tấn công vào đối tượng trẻ, mong muốn cá tính hóa bản thân mình qua chiếc môbai bằng slogan "Chẳng ai giống ai". Con số doanh thu ngỡ ngàng với nhiều tỷ đồng trong năm đầu tiên đã hấp dẫn và tạo ra một cuộc đua tranh mới với một loạt đối thủ vào cuộc. Trước hết phải kể đến các thương hiệu mới khác như Alofun, Netmode, Bóng đá,... khai thác trên một loạt dãy số như 996, 997, 998,...
Nhưng nếu chỉ khai thác trên nguồn nhạc chuông, logo, tin nhắn hình,... thì mọi sự sẽ... dậm chân tại chỗ. Khách hàng luôn đòi hỏi sự mới mẻ và tiện dụng. Vì thế, cuộc cạnh tranh này đã dẫn tới việc ra đời hàng loạt dịch vụ "thiết thân" khác phục vụ khách hàng, bao phủ mọi mặt của đời sống. Thông tin đa dạng về các chương trình phim rạp; địa chỉ các cửa hàng mua sắm, ăn uống; các khu vui chơi; tư vấn tặng quà, tặng hoa; nhắc nhở cai thuốc lá, ngày âm - dương,... tới các bản tin ngắn về thể thao, thời tiết,... với chi phí từ 1000 - 3000 đồng.
Không dừng ở đó, các dịch vụ như kết bạn, gửi tin nhắn để chăm sóc, nuôi dưỡng tình bạn, tình yêu,... cũng rất được khách hàng ưa chuộng. Táo bạo hơn, Dalink còn tung ra dịch vụ dành cho những người đàn ông... đã có vợ. Nhiều vấn đề khó nói, khó hỏi,... giờ có thể được giải quyết "êm đẹp" khi chỉ mình bạn đối diện với màn hình ĐTDĐ.
VinaPhone và MobiFone cũng đã "xem lại mình" và cải tiến lại một loạt dịch vụ cung cấp nội dung trước đó. Viettel mới gia nhập thị trường viễn thông Việt Nam chưa lâu cũng bắt đầu các kế hoạch tham vọng trong việc cung cấp các dịch vụ giải trí mới với việc thử nghiệm dịch vụ Chat và dò kết quả xổ số qua số 800 với mức phí thấp hơn giá các dịch vụ tương đương hiện tại từ 3-4 lần. Một số công ty tư nhân cũng đã bước đầu tham gia vào thị trường béo bở này và đang cùng chia sẻ những nguồn lợi lớn.
Một loạt dịch vụ giải trí khác cho môbai cũng đang được nghiên cứu để sớm đưa ra thị trường Việt Nam như video clip nhạc cho môbai; chia sẻ nhạc số, các tin nhắn dạng multimedia với nhiều tiện ích,…
Nhưng vẫn còn nhiều trở ngại đối với các nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho di động ở Việt Nam. Vướng mắc của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin, giải trí hiện nay là vấn đề ý tưởng và bản quyền. Các dịch vụ được khai thác hiện nay chủ yếu được lấy lại ý tưởng từ các dịch vụ của nước ngoài đã khai thác trước nhiều năm. Trong khi đó, ngay giữa các nhà cung cấp dịch vụ lại cho rằng "nhà này lấy của nhà kia". Đăng ký bản quyền ý tưởng dịch vụ lại rất khó khăn và mất thời gian, nên cho dù có thấy người sau lấy của kẻ trước, đôi khi vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt".
Một khó khăn nữa trong việc khai thác thị trường giải trí trên môbai ở Việt Nam là cơ sở hạ tầng viễn thông chưa đủ để đáp ứng các ứng dụng công nghệ cao. Chất lượng đường truyền GPRS chưa ổn định, chỉ tải nhạc chuông cũng còn rất chật vật. Hơn nữa, thị trường game cho môbai chưa được khai phá, bởi ngoài yếu tố chất lượng cơ sở hạ tầng, còn do tâm lý người tiêu dùng Việt Nam vốn chỉ thích miễn phí và khi khai thác không chú ý đến bản quyền của nhà cung cấp.
Cuộc đua tranh vẫn còn tiếp diễn, trên cả thị trường thế giới và ở Việt Nam. Đây chính là xu hướng của kinh doanh trong ngành viễn thông trong tương lai. Và người khéo léo "bắt" kịp những ý tưởng trong cuộc "đại chiến" này sẽ là người thu được nhiều lợi nhuận nhất.
Điệp Giang (Theo EchipM!)