Tin nhắn SMS không còn là phương tiện giao tiếp tiện lợi, rẻ tiền nữa vì ở châu Á, chính phương tiện đang được "chuộng" này lại biến thành công cụ để tung tin đồn nhảm, tổ chức hành động phi pháp và thậm chí là nổ bom.
Theo kết quả thống kê thực hiện ở châu Á, phần lớn người sử dụng điện thoại di động ở khu vực này đều thuộc diện “giấu mặt”, đơn giản bởi họ dùng theo hình thức thẻ trả trước. Ai cũng có thể mua những loại thẻ này một cách dễ dàng ở nhiều nơi mà không cần cung cấp họ tên, địa chỉ.
Tình trạng này khiến chính quyền các nước hết sức lo ngại, gây khó khăn trong việc kiểm soát sự lạm dụng và truy tìm thủ phạm những vụ việc gây hại.
Mới đây, tại Malaysia bỗng dưng lan truyền một tin đồn nhảm qua mạng SMS rằng phu nhân của thủ tướng nước này đã qua đời. Tin đồn lan mạnh đến nỗi ngài thủ tướng phải công khai bác bỏ nó và quyết định ra lệnh cho các công ty điện thoại từ nay phải đăng ký họ tên, địa chỉ của tất cả những người dùng thẻ trả trước.
Trước đó, Thái Lan đã bắt đầu áp dụng một điều luật tương tự từ tháng 5 vừa rồi, với lý do nhằm ngăn chặn bọn khủng bố sử dụng ĐTDĐ để nổ bom từ xa. Còn tại Đài Loan, việc này đã được thực thi từ năm ngoái, do tình trạng lừa đảo qua SMS ngày càng trở nên phổ biến và quá quắt. Việc bọn tội phạm tại Đài Loan sử dụng ĐTDĐ trả trước để “moi” tiền của những người cả tin bằng nhiều cách khác nhau xảy ra thường xuyên. Một nữ phóng viên của hãng tin Reuters có lần còn nhận được điện thoại từ một “kẻ bắt cóc” yêu cầu trả tiền chuộc cho ông chồng đang ngồi... ngay cạnh bà.
Hơn bất cứ đâu khác, sức mạnh của SMS nổi trội ở Philippines, quốc gia được coi là “thủ đô SMS” của thế giới. Mỗi ngày, có ít nhất 200 triệu tin nhắn SMS được gửi đi tại nước này, nơi dân số chưa đầy 100 triệu người.
SMS đã giúp tổ chức rất nhanh những cuộc tuần hành với sự tham gia của hàng trăm ngàn người dân vào năm 2001, tạo sức mạnh đẩy bật Tổng thống lúc đó là ông Joseph Estrada khỏi chức vụ. Mọi nỗ lực của chính quyền Philippines nhằm hạn chế sự phổ biến tràn lan của SMS cho đến nay đều thất bại.
Đất nước Indonesia cũng chưa có luật bắt buộc thủ tục này, mặc dù cộng đồng người dân nước này đã không ít lần hứng chịu những tin đồn thất thiệt qua mạng SMS về thiên tai và nổ bom.
Hiện nay, khoảng 53% trong số 670 triệu người dùng ĐTDĐ tại châu Á - Thái Bình Dương sử dụng thẻ trả trước. Vấn đề lớn nhất là làm thế nào để đảm bảo họ sẽ đăng ký họ tên và địa chỉ thật khi mua thẻ. Nhiều người hẳn không muốn tiết lộ thông tin cá nhân, còn người bán thì chỉ muốn bán được hàng càng nhiều càng tốt.
Allan, một nhân viên bán hàng tại một cửa hàng ĐTDĐ ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia nhận xét: “Tôi nghĩ khoảng 80% người mua sẽ không muốn tiết lộ tên tuổi”. Hơn nữa, theo Allan, dù họ có đưa giấy tờ ra thì anh cũng chẳng thể biết giấy tờ đó có thật không. “Chúng tôi chỉ là người bán hàng chứ không phải cảnh sát”, anh nói.
(Theo DanTri)