Sau một tuần triển khai, hệ thống thông quan điện tử của Hải quan Hải Phòng có thể nói đã vận hành một cách khá trơn tru cho lần lượt 20 doanh nghiệp được lựa chọn sẵn. Nhân dịp này, ông Trần Quốc Chính, Phó trưởng Trung tâm dữ liệu và công nghệ thông tin, Cục hải quan Hải Phòng, “kiến trúc sư trưởng” của hệ thống đã dành cho PV một buổi trao đổi khá thẳng thắn về những vấn đề sau khi thông quan.
- Thưa ông, đến thời điểm này, hệ thống đã hoạt động như thế nào?
- Ông Trần Quốc Chính: Có thể nói, đến ngày hôm nay, hệ thống của chúng tôi đã vận hành rất tốt. Ngoài công ty sơn Hải Phòng và 2 công ty khác được thông quan ngay hôm khai trương, thì đã có thêm 08 doanh nghiệp sử dụng thông quan điện tử thành công. Một kết quả đáng khích lệ.
- Như vậy là doanh nghiệp đã có thể xuất nhập khẩu một cách nhanh chóng chỉ bằng cách ngồi nhà và click chuột?
- Ông Trần Quốc Chính: Không phải như vậy, hải quan chỉ là một mắt xích trong cả chuỗi quy trình xuất nhập khẩu hàng hoá cho doanh nghiệp. Hiện tại chỉ có hải quan Hải Phòng đã thông quan điện tử hoá 100%, doanh nghiệp đã có thể thông quan trực tuyến tại đây, nhưng khi xuống đến cảng vụ thì vẫn phải mang theo giấy tờ và hồ sơ văn bản khác.
- Vậy tại sao các ngành khác không cùng làm những hệ thống điện tử hoá như của HQHP?
- Ông Trần Quốc Chính: Điều này cũng là sự bất cập chung. Chúng ta thiếu một sự đồng bộ và thiếu sự phối kết hợp giữa các ngành trong thực hiện việc điện tử hoá. Bây giờ cứ tưởng tượng tất cả như một cái mạng nhện bùng nhùng, chúng tôi làm thông quan điện tử như bắn một mũi tên vào mạng nhện đó. Có thể mũi tên này sẽ xuyên qua mạng nhện, nhưng kiểu gì thì cũng gặp phải lực cản. Tuy nhiên, cho đến thời gian gần đây thì cũng đã có những chuyển động. Một số lãnh đạo đã gọi điện hỏi tôi về kinh nghiệm triển khai của Hải quan điện tử. Tôi cho rằng thông quan điện tử sẽ là một đầu tàu để thúc đẩy kéo cả chuỗi mắt xích trong quy trình xuất nhập khẩu hàng hoá cùng tiến lên.
- Theo ông, lý do không thể phối kết hợp được nằm ở đâu?
- Ông Trần Quốc Chính: Cái đầu tiên, đó là sự chậm trễ của các thủ tục pháp lý. Chúng tôi thai nghén kế hoạch điện tử hoá hải quan từ năm 99, thế nhưng cho đến tận gần đây, ngày 19/6/2005, mới có một Quyết định của Thủ tướng để thực hiện hải quan điện tử. Chưa hết, sau Quyết định trên, chúng tôi lại phải chờ một Hướng dẫn thi hành quyết định của Bộ Tài chính, rồi lại chờ tiếp một Hướng dẫn của Tổng cục hải quan. Cho đến nay, vẫn chưa có Luật giao dịch điện tử và chữ ký điện tử. Không có được một hành lang pháp lý, không thể làm được gì.
Bên cạnh đó, chúng ta đang thiếu một nhạc trưởng cấp Thủ tướng cho những chương trình, đề án CNTT lớn. Xét riêng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bề ngoài của sự phối kết hợp giữa các ngành, cơ quan là rất tốt, nhưng bên trong thì không phải vậy. Bản chất của sự phối kết hợp trong quá trình điện tử hoá, tin học hoá là trao đổi thông tin, dữ liệu qua lại, thì chúng ta hoàn toàn chưa có. Đến ngay một tiêu chuẩn cho việc trao đổi dữ liệu cũng không có, thì chúng tôi muốn phối kết hợp cũng không biết dựa vào đâu?. Giống như trong một dàn nhạc, mỗi ban, ngành, cơ quan chơi một phách, một nhịp, lại không có cả nhạc trưởng, thì làm sao mà có thể trở thành một bản giao hưởng được?
(Theo TTO)