221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
703692
Quản lý tần số điện thoại kéo dài: Nan giải!
1
Article
null
Quản lý tần số điện thoại kéo dài: Nan giải!
,

(VietNamNet) - Cho tới nay, việc quản lý tần số điện thoại kéo dài trong nhân dân làm sao cho hiệu quả, không ảnh hưởng tới nguồn tài nguyên tần số quốc gia luôn là bài toán chưa có lời giải của các nhà quản lý lĩnh vực tần số vô tuyến điện.

Vi phạm nhiều nhưng khó phát hiện!

Soạn: AM 540885 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nhiều khi người gọi vô tình sử dụng điện thoại kéo dài không đúng tần số mà không biết. (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Theo con số thống kê chưa chính thức, hàng năm, những vụ việc vi phạm về tần số mà Cục tần số vô tuyến điện (thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông) phải xử lý, có tới 50% là các vụ vi phạm về sử dụng máy điện thoại kéo dài với tần số cao hơn so với quy định cho phép. Riêng trong năm 2004, có khoảng trên 100 vụ đã bị Cục xử lý thì có tới 50 vụ do vi phạm sử dụng điện thoại kéo dài sai tần số.

Ông Đoàn Quang Hoan, Phó cục trưởng Cục quản lý tần số vô tuyến điện cho biết: Đây đã là vấn đề đau đầu của các nhà quản lý từ rất nhiều năm nay. Bản thân Cục đã phải bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của, công sức cho việc điều tra và khám phá ra các vụ việc vi phạm sử dụng điện thoại kéo dài trái phép.

Với hầu hết những mặt hàng điện thoại kéo dài được sử dụng hiện nay trong nhân dân lại không đúng băng tần quy định của Nhà nước, những loại máy này chủ yếu được nhập vào Việt Nam bằng con đường không chính thống như nhập khẩu qua đường biên giới Trung Quốc. Chúng chỉ in tên hãng sản xuất như Panasonic, Samsung... chứ không ghi xuất xứ sản xuất từ nước nào. Bên cạnh con đường vận chuyển qua biên giới, các loại điện thoại kéo dài cũng được đưa vào thị trường Việt Nam thông qua cả con đường du lịch là hàng xách tay.

 

 

Biết vậy, nhưng quản lý việc sử dụng điện thoại kéo dài đúng tần số vẫn là bài toán mà Cục tần số vô tuyến điện đang phải tìm hướng giải quyết. Do đối tượng vi phạm lại chủ yếu là hộ gia đình, nhà quản lý rất khó khăn để phát hiện và bắt quả tang vì không dễ để vào từng nhà riêng để kiểm tra, rà soát nếu không có bằng chứng rõ ràng.

Chọn hàng ngoài luồng vì... giá rẻ

Dạo quanh một vòng các chợ Đồng Xuân, Hàng Da, Chợ Trời... những địa chỉ mà mỗi khách hàng có nhu cầu mua điện thoại kéo dài thường tìm đến, phần đông ý kiến người sử dụng, khi được hỏi vì sao lại chọn điện thoại kéo dài, đều cho rằng ưu điểm lớn nhất của các máy này là có thể thay thế một chiếc điện thoại di động trong một phạm vi bán kính gần, khoảng 50 - 100m, và có nhiều máy tần số lớn có thể đi xa được tới 20 - 30km.

Nhưng các sản phẩm được người tiêu dùng đa số chọn mua lại là hàng nhập từ Trung Quốc, không được cấp phép và quy định về tần số. Tại sao lại như vậy?, trong khi trong nước hiện có nhiều các sản phẩm máy điện thoại kéo dài của các công ty VN như: Cokyvina, Postef?

Lý do được các chủ cửa hàng ở chợ Đồng Xuân giải thích khá hợp lý rằng: những sản phẩm đã được cấp phép về tần số cũng như đảm bảo về chất lượng này có giá quá cao so với mặt bằng của thị trường. Nếu sắm một chiếc máy điện thoại kéo dài hàng trôi nổi ngoài thị trường bao gồm một máy mẹ và một máy con mất khoảng 100.000đ đến 300.000đ,  thì với hàng đã được nhà nước cấp phép, giá khá cao, có khi tới cả triệu đồng. "Thôi thì tiền nào của nấy, biết vậy nhưng giá rẻ hơn nhiều thì cứ mua dùng, ai cũng như mình thì lo gì" - một khách hàng đã phân bua như vậy khi mua một chiếc điện thoại kéo dài hiệu Panasonic tại quầy hàng ở chợ Đồng Xuân.

Cũng vì ham rẻ mà nhiều người không biết rằng hầu hết những loại máy đó, do không được nhập khẩu bằng con đường chính thống vào Việt Nam, hầu hết đều có tần số không đúng với quy định. Nhưng điều này cũng không trách được, vì nếu muốn tìm hiểu những thông tin về tần số nào được sử dụng cho máy điện thoại, họ cũng không biết hỏi ai. Nếu có đem thắc mắc với người bán hàng, họ cũng chỉ nhận được câu trả lời qua quýt, "cứ dùng đi, không sao đâu!".

Và nhiều người dân vô tình sử dụng các loại máy kéo dài không đúng băng tần mà không hề biết rằng mình đã vi phạm quy định của Nhà nước, không biết rằng, chính mình đang không được bảo vệ an toàn thông tin, có thể bị nghe lén, ghi âm cuộc thoại bất cứ lúc nào. Không chỉ có người dân, ngay cả nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước cũng không hiểu và phân biệt được điện thoại kéo dài có tần số bị cấm sử dụng và đâu là tần số được quyền sử dụng nên cũng vô tình vi phạm.

Quản lý chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ

Hiện nay Bộ Bưu chính Viễn thông đã có các văn bản quy định những loại máy điện thoại kéo dài có tần số đã được cấp phép dành cho người dân ở vùng sâu, vùng xa sử dụng trao đổi thông tin do các loại phương tiện liên lạc khác không đáp ứng được và những loại máy phục vụ công tác an ninh, quốc phòng... ở dải tần từ 136 Mhz đến 174 Mhz. Ngoài ra, Bộ cũng có những văn bản quản lý về tấn số mà người dân có thể sử dụng với máy điện thoại kéo dài.

Tuy nhiên, các sản phẩm điện thoại kéo dài đang được bán trên thị trường Việt Nam hiện nay lại rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại và ngay cả dải tần cũng thay đổi thường xuyên. Và ông Hoan cũng phải công nhận rằng, các tiêu chuẩn về băng tần dành cho điện thoại kéo dài của Việt Nam hiện nay đã không còn theo kịp với sự phát triển ngày càng đa dạng của sản phẩm.

Một vấn đề nữa, hiện nay, mỗi khu vực, mỗi quốc gia trên thế giới đều có quy định riêng về phạm vi băng tần cho những sản phẩm của mình. Trong khi đó, các nhà quản lý băng tần VN lại không thể kiểm soát được hết việc luân chuyển hàng hóa về VN là xuất xứ từ khu vực nào. Chẳng hạn, ở Mỹ, chủ yếu họ sử dụng máy điện thoại có băng tần khoảng 900 MHz nhưng nếu về Việt Nam, máy điện thoại có tần số này sẽ nhiễu vào băng tần của mạng di động công nghệ GSM. Hiện nay, một chiếc điện thoại kéo dài được phép sử dụng ở Việt Nam phải có các dải tần đã được cấp phép sau đây: 1- (43-44) MHz; 2- (46-50) MHz; 3- (72-73,5) MHz; 4- (261,5-262,5) MHz; 5- (263,5-264,5) MHz; 6- (387,5-388,5) MHz; 7- (389,5-390,5) MHz. Ngoài ra, nếu khác với các dải tần trên thì sẽ bị coi là vi phạm, chưa được cấp phép.

Triệt tận gốc là biện pháp hữu hiệu nhất!

Vậy làm sao có thể ngăn chặn được tình trạng còn rất nan giải trên? Trả lời câu hỏi này, một cán bộ quản lý thị trường cho rằng rất khó mà ngăn chặn được khi những mặt hàng này đã được bán, dù là không khai hay lén lút trên thị trường. Cách hữu hiệu nhất là phải triệt từ gốc rễ của vấn đề. Có nghĩa là ngăn chặn mọi con đường mà mặt hàng điện thoại trái phép này có thể vào Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hoan cho rằng, trước tiên, Nhà nước phải có biện pháp cấm mua bán những loại máy điện thoại kéo dài này trên thị trường. Và làm sao có những biện pháp hướng dẫn, khuyến cáo với người mua để họ không bị mua nhầm. Với người sử dụng, khi chọn một chiếc điện thoại kéo dài cần phải xem xét kỹ quy định về băng tần dành cho máy đó và hãy kiên quyết không mua nếu như băng tần vượt quá quy định. Điều này không chỉ giúp cho tài nguyên tần số quốc gia không bị vi phạm mà còn bảo đảm quyền lợi của chính khách hàng.

Bởi đã có rất nhiều trường hợp người sử dụng điện thoại kéo dài bị nghe trộm thông tin bởi do tần số không được cơ quan quản lý nhà nước quy định và kiểm soát, nhiều máy điện thoại kéo dài trùng với tần số của các đài phát thanh sóng ngắn. Chỉ cần một chiếc đài phát thanh, sau một hồi lần dò tìm sóng, chúng ta sẽ rất dễ dàng bắt được tín hiệu của một vài cuộc trao đổi thông tin từ máy điện thoại kéo dài lẫn vào.

Nếu đó là một cuộc trao đổi bí mật thì sao? Chiếc điện thoại kéo dài sẽ là kẻ mách lẻo thứ ba nguy hiểm khôn lường.

Thủy Nguyên

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,