(VietNamNet) - Ngày 2/9, người người đổ ra đường vui đón một ngày tết thư giãn, thảnh thơi với dạo phố, xem diễu binh, ngắm pháo hoa… Trong số rất nhiều cán bộ công nhân viên cả nước làm việc miệt mài trong ngày 2/9, PV VietnamNet đã gặp những kỹ sư, kỹ thuật viên của ngành Viễn thông: họ đang “trực chiến” 24h/24h bên đống máy móc, thiết bị "ngút ngàn", đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc trong những ngày nghỉ.
“Không chỉ riêng Tết Độc lập, chúng tôi chưa từng biết đón giao thừa!"
Ngồi lì cả ngày trong bốn bức tường với đống máy móc vô cảm, họ là những cán bộ trực tiếp tham gia ca trực ngày 2/9. Căng thẳng và luôn phải tập trung cao độ, ngày nghỉ của đại đa số mọi người là ngày bận rộn nhất của họ.
Trong ca trực của tổng đài dịch vụ 18001260 |
Bùi Thị Quỳnh, nhân viên trực hotline của công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ Hà Nội ITC (Có trụ sở tại 10/81 Linh Lang - Ba Đình - Hà Nội). Trong ngày 2/9 vẫn phải trực 24/24. Mặc dù đoán trước vào ngày này, sẽ không có nhiều khách hàng Việt Nam, nhưng đối tác nước ngoài có kể gì Quốc Khánh nước mình mà không liên hệ công việc? Thế là cuối buổi làm, Quỳnh mang theo số hotline di động cùng bạn bè hòa vào dòng người ra Bờ Hồ xem pháo hoa. Mobile trong túi vẫn mở chuông cỡ Max, không biết mỗi lần Quỳnh cúi xuống nghiêm trang “chào ông, Hà Nội ITC xin nghe…” bạn bè của cô có thấy phiền lòng?!
Không được may mắn như Quỳnh, hàng chục cô gái trẻ măng của Đài Hỗ trợ dịch vụ thuộc Trung Tâm VDC1 (Công ty điện toán và truyền số liệu VDC) phải ngồi trực tiếp bên máy điện thoại cả ca trực. Số điện thoại dịch vụ 18001260 không vì ngày Quốc Khánh mà được nghỉ ngơi. Anh Đoàn Việt Anh, Phó Đài cho biết, trong ngày 2/9, khối lượng công việc của Đài tăng cao hơn ngày thường, tuy không đáng kể nhưng các anh chị em phải hoàn thành việc phục vụ khách hàng với các yêu cầu cao hơn nên khá vất vả. “Ngày hôm nay mọi người phải phục vụ khách hàng một cách tiết kiệm thời gian nhất, nhưng luôn đảm bảo thái độ tận tình và làm khách hàng hài lòng. Các anh chị em luôn miệng động viên lẫn nhau, trực tổng đài dịch vụ mà, lúc nào cũng phải thật tươi tỉnh dễ chịu …” Một nhân viên trẻ tâm sự.
Với các cán bộ phải trực công việc cho cả một cơ quan trong ngày nghỉ, thì thời gian nghỉ ngơi là những phút thay ca hiếm hoi, ai cũng phải căng mình lên vì nhiệm vụ. Anh em CNTT, trực web… thì luôn kiểm tra tình hình sát sao, sẵn sàng trước bất kỳ tình huống quá tải đường truyền, hacker, kẻ xấu lợi dụng tấn công và đưa thông tin bậy bạ, ngoài luồng lên web - việc rất dễ xảy ra trong những ngày lễ lớn này. Vất vả hơn cả vẫn là các anh chị em ngành Viễn thông, tổ trực tổng đài, người chạy hiện trường, người trên xe lưu động…không ai còn có thời gian dành cho gia đình, bè bạn.
Anh Hồ Thanh Hải, phó đài GSM, Trung tâm Dịch vụ viễn thông khu vực 1 VinaPhone nói vui: “Dịp lễ tết nào chẳng thế hả anh, từ khi vào làm ở đây, anh em chúng tôi chưa hề biết đón giao thừa tết Nguyên Đán một năm nào, nói gì đến tết Độc lập! Đó là đặc thù công việc, càng dịp lễ tết càng nhiều sức ép và yêu cầu…”
“Pháo hoa trên đầu”
Hơn 14 giờ, Trần Mạnh Sỹ cùng lái xe và hai đồng nghiệp khác, anh Vũ Văn Chương và anh Trịnh Thanh Hiếu kiểm tra trang thiết bị lần cuối và xuất phát ra Bờ Hồ. Các anh là cán bộ phụ trách xe phát sóng lưu động của Trung tâm dịch vụ viễn thông khu vực 1 của mạng viễn thông VinaPhone. Trong ngày 2/9 khu vực Bờ Hồ, Ba Đình, Đặng Dung, Ngọc Khánh…sẽ là nơi tập trung đông lượng thuê bao của VinaPhone.
Không giống như ngày Tết Nguyên Đán hay các dịp khác, lưu lượng mạng tổng thể đếu tăng cao, ngày hôm nay chỉ có một số khu vực trung tâm tập trung lưu lượng lớn thuê bao mà thôi. Mặc dù đã nâng cấp mạng vô tuyến lên hơn 30% khả năng phục vụ tối đa từ trước hôm 2/9 một tuần, song VinaPhone vẫn lường trước nguy cơ có thể sẽ bị nghẽn mạng cục bộ ở các vị trí cao điểm. Vì thế, anh Sỹ cùng các đồng nghiệp phải thực hiện phương án dự phòng cuối cùng, dùng xe lưu động để chia sẻ lưu lượng mạng ở những nơi tập trung thuê bao. Xe của anh trực chiến ở điểm nóng nhất Hà Nội: khu vực Bờ Hồ.
15 giờ, các anh có mặt tại đường Hàng Khay. Sỹ nhanh chóng cùng các đồng nghiệp cắm nguồn, chuẩn bị đường truyền, khai báo số liệu liên quan. 5 phút để các anh đấu nối cáp cố định, thông đường truyền. Vừa lau mồ hôi trán, các anh lập tức đấu nối trạm lưu động với máy tính cá nhân và căng mắt tập trung theo dõi tình hình báo cáo về tổng đài Huỳnh Thúc Kháng…
17 giờ, người dân đổ dồn về bờ hồ đã đông nghịt, các cán bộ kỹ thuật tổng đài nhận được thông báo của trạm lưu động Bờ Hồ, lưu lượng thuê bao đang tăng đáng kể. “Lập tức cho trạm lưu động hòa mạng và hoạt động!”. Nhóm của Sỹ bắt đầu bước vào giờ “chiến đấu” thực sự. Từ lúc này, xe lưu động của các anh đã trờ thành một trạm thu phát sóng VinaPhone có dưng lượng khá lớn, chia sẻ lưu lượng, đề phòng nghẽn mạng cục bộ với trạm phát sóng vô tuyến cố định tại khu vực này. Từ 17 - 19 giờ là khoảng thời gian cao điểm nhất: “Mười, mười lăm…hai mươi, Sỹ lẩm nhẩm, vào lúc cao nhất, trạm lưu động của các anh đã san sẻ gần 40% lưu lượng giúp trạm phát sóng cố định vô tuyến, tránh được một sự cố nghẽn mạng cục bộ khu vực bờ hồ.
21 giờ, cả Hà Nội rực rỡ ánh pháo hoa ngũ sắc, Sỹ, Chương, Hiếu vẫn cắm đầu bên máy theo dõi, lưu lượng hoạt động của mạng đang giảm đáng kể, cứ như thế cho đến 23 giờ, mạng hoàn toàn ổn định - tách kết nối mạng xong, các anh thở phào.
Lúc pháo nổ đầy trời, Sỹ chợt nhớ ra, bạn gái anh có lẽ đang ở đâu đó trong đám đông kia xem pháo hoa? Đã lâu lắm rồi, anh không đi chơi với người yêu vào những dịp lễ lớn, Seagames, ASEM, Tết Nguyên Đán…hay dịp Quốc Khánh thế này. Đơn giản vì vào những ngày ấy, anh khác với đại đa số mọi người vì phải bước vào giờ làm việc quan trọng nhất. Sỹ kể, đứng bên máy trực ngắm pháo hoa rực rỡ, anh chỉ kịp nhắn cho bạn gái đôi dòng SMS: “Pháo hoa trên đầu đẹp quá, ngày mai anh sẽ đưa em đi chơi để “bù” lại nhé…”
Thế Phong