Trước đây, các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam hoạt động trên hai thị trường tương đối riêng biệt. Nhưng nay, với sự phát triển của công nghệ, họ bắt đầu trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau.
Truyền thông "lấn sân" viễn thông
Thị trường Internet băng thông rộng ở Việt Nam đã có thêm đối thủ cạnh tranh mới là MediaNet, "con đẻ" của Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) và Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (VP Telecom). Đây là lần đầu tiên khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh có thể truy cập Internet qua mạng cáp truyền hình. Đồng thời, sự kiện này cũng đánh dấu xu hướng ngành dịch vụ truyền thông xâm nhập thị trường dịch vụ viễn thông, vốn lâu nay vẫn thuộc về các công ty viễn thông và công nghệ thông tin.
Với ưu thế về băng rộng, truy cập Internet qua mạng cáp truyền hình có thể đạt tốc độ tải về tới 54 Mbps và tải lên 10 Mbps. Đồng thời, thông qua hệ thống đường truyền này, ngoài truyền hình và Internet, khách hàng còn có thể tiếp cận nhiều dịch vụ giải trí khác như chơi game online, xem ti vi trên máy vi tính, xem truyền hình và phim theo yêu cầu...
Ở thời điểm hiện nay, tầm phủ sóng của dịch vụ truy cập Internet qua mạng cáp truyền hình còn hẹp. Ông Đỗ Đức Chiến, Giám đốc SCTV cho biết hiện chỉ có thể cung cấp dịch vụ ở 12 quận trong TP.HCM, là những khu vực hệ thống cáp của công ty đã vươn đến. Sắp tới, SCTV sẽ đầu tư phát triển mạng đường truyền tại các quận còn lại.
Tuy nhiên, TP.HCM chỉ là điểm khởi đầu. Ngành truyền hình đang thực hiện kế hoạch mở rộng truy cập Internet qua cáp truyền hình và các dịch vụ giải trí khác ra nhiều tỉnh và thành phố khác.
Ông Đinh Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cho biết vào tháng 9 tới, dịch vụ này sẽ được triển khai ở Hà Nội thông qua mạng truyền hình cáp của VTV. Tiếp theo là thành phố Vũng Tàu, và đến cuối năm nay hoặc đầu năm 2006 đến lượt một số địa phương lân cận Hà Nội và TP.HCM.
Ngoài ra, VTV còn xúc tiến chương trình đầu tư và hợp tác với các công ty viễn thông để cung cấp dịch vụ Internet qua vệ tinh, nhằm tận dụng các kênh vệ tinh mà VTV đang thuê để phục vụ cho công tác truyền hình. Nếu dự án được Chính phủ chấp thuận, khả năng cung cấp Internet của ngành truyền hình sẽ không còn giới hạn ở một số địa phương như hiện nay mà mở rộng đến tất cả 64 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Viễn thông "giẫm chân" truyền thông
So với ngành truyền hình, các công ty viễn thông và công nghệ thông tin tham gia cung cấp dịch vụ truyền thông còn sớm hơn, trước hết là bằng sự ra đời của các tờ báo điện tử; sau đó là dịch vụ truyền hình và xem phim qua mạng.
Theo ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin Bưu điện thuộc Tổng công ty BCVT Việt Nam (VNPT), các đơn vị trực thuộc VNPT là Công ty truyền thông đa phương tiện (VTC) và Vietnamnet đã phát triển dịch vụ truyền hình qua mạng, truyền hình cáp kỹ thuật số từ hơn hai năm qua. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, khách hàng của VTC hiện chủ yếu giới hạn ở các đài truyền hình địa phương (thông qua hệ thống đường truyền của mình, VTC chuyển chương trình truyền hình cho các đài để họ cung cấp lại cho khách hàng). Còn truyền hình Vietnamnet, do giới hạn về tốc độ đường truyền, nên chưa thể phát triển mạnh.
Nhưng VNPT không dừng ở mức như hiện nay. Ông Bùi Quốc Việt nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp cũng như phát triển rộng loại hình truyền hình và giải trí qua mạng này". Với lợi thế mạng Internet băng rộng ADSL đã phủ được hơn 15 tỉnh, thành trong cả nước, VNPT có thể phát triển rộng truyền hình qua mạng trong thời gian ngắn.
Mấy tháng trước, Bưu điện TP.HCM đã đưa vào khai thác mạng đô thị băng rộng. Trong thời gian đầu, mạng này chủ yếu phục vụ cho chương trình phát triển Chính phủ điện tử ở TP.HCM và sẽ phát triển các dịch vụ giải trí cho người tiêu dùng ở giai đoạn kế tiếp. Đại diện Bưu điện TP.HCM cho biết đang nghiên cứu triển khai dịch vụ truyền hình trực tiếp trên máy tính và xem phim theo yêu cầu. Với tốc độ đường truyền 100 Mbps và còn có thể mở rộng, trong tương lai dịch vụ này sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh nặng ký đối với truyền hình cáp của SCTV.
Hợp tác và cạnh tranh
Sự phát triển của công nghệ đã thúc đẩy việc hội tụ các dịch vụ viễn thông, truyền thông và giải trí. Tại Việt Nam, xu hướng này không chỉ làm cho các công ty viễn thông và truyền thông trở thành những đối thủ cạnh tranh trực tiếp mà còn kích thích họ phải hợp tác.
Do chưa được quyền kinh doanh dịch vụ Internet, nên ngành truyền hình buộc phải hợp tác với các doanh nghiệp có chức năng này trong ngành viễn thông và CNTT. Ngược lại, phía truyền hình cũng có ưu thế của người nắm bản quyền các chương trình truyền hình. Đó là lý do khiến VP Telecom và SCTV tìm đến với nhau.
Thêm vào đó, để cung cấp được dịch vụ Internet một cách rộng rãi, vẫn cần có hệ thống cáp nối vào từng gia đình. "Chúng tôi không thể có hệ thống cáp đến từng gia đình ở tất cả các tỉnh, thành phố, do vậy trong chương trình phát triển dịch vụ Internet, VTV sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông", ông Đinh Quang Hưng nói.
Ngoài ra hợp tác còn giúp cho các doanh nghiệp khai thác hữu hiệu hệ thống cơ sở hạ tầng của mình. Ông Đinh Quang Trí, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) - chủ đầu tư của VP Telecom cho rằng: "Nếu mỗi doanh nghiệp đều đầu tư cơ sở hạ tầng và độc lập khai thác thì sẽ lãng phí và hiệu quả cũng hạ chế. Vì vậy, EVN đã hợp tác với VNPT và Viettel để trao đổi và cùng sử dụng chung mạng đường truyền cáp quang của nhau."
Xu hướng tham gia thị trường của nhau giữa các doanh nghiệp truyền thông và viễn thông - CNTT hứa hẹn mang đến cho người tiêu dùng những dịch vụ chất lượng cao với giá rẻ. Theo ông Đỗ Đức Chiến, tận dụng mạng cáp truyền hình sẵn có, nên phần đầu tư thêm để phát triển dịch vụ Internet băng thông rộng không đáng kể. "Giá dịch vụ của chúng tôi sẽ rất cạnh tranh so với các truy cập Internet băng thông rộng hiện có trên thị trường," ông Chiến khẳng định. Tuy nhiên, cả SCTV và VP Telecom lại chưa tiết lộ mức giá cụ thể.
Trong khi đó, đại diện của Bưu điện TP.HCM cũng cho biết chỉ xem truyền hình trực tiếp trên máy tính sẽ đưa ra thị trường trong tương lai là một dịch vụ cộng thêm cho khách hàng nên giá cả sẽ rất rẻ.
Như vậy, sự gia nhập thị trường Internet băng thông rộng của doanh nghiệp truyền hình cáp sẽ tạo sức ép giảm giá lên các nhà cung cấp dịch vụ này trong ngành viễn thông và CNTT. Ngược lại, ngành truyền hình cũng sẽ phải chịu một sức ép tương tự khi thị trường xuất hiện những đối thủ đến từ ngành viễn thông.
(Theo Thời báo Vi tính Sài Gòn)