Tất nhiên không ai nghĩ đến chuyện rán một quả trứng trên máy tính xách tay, nhưng nhiệt độ bề mặt thiết bị này quá nóng đã làm đau đầu từ nhà sản xuất cho tới người tiêu dùng.
Theo Jeff Lev, kỹ sư phát triển cơ khí của HP, máy tính với nhiệt độ bề mặt 45 độ C được coi là ngưỡng tối ưu hiện nay. Nhìn chung laptop như thế đã là "mát mẻ" hơn nhiều so với "tiền bối" của nó 5 năm về trước, khi mà nhiệt độ thường không được chú ý trong các cuộc kiểm tra thử nghiệm sản phẩm.
Dù vậy, CPU không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra tình trạng nóng máy. Ổ cứng, bộ nhớ và đặc biệt là chip xử lý đồ hoạ với xung nhịp thường vượt quá 500 MHz cũng góp phần tiêu tốn lượng điện đáng kể. "Đồ họa là một nhân tố then chốt mà nhà sản xuất cần quan tâm đến trong thời gian tới. Hiện nay họ mới chỉ chú trọng vào CPU và vẫn không tránh khỏi vấn đề mà chúng đã đã phải đương đầu 5 năm trước", Lev khẳng định.
Nhìn chung các hãng sản xuất đều thừa nhận notebook sẽ không thể mát hơn trong một sớm một chiều. Nhưng họ đều hứa hẹn sẽ tiếp tục để tâm và đầu tư tài chính cho những nghiên cứu phát triển thiết bị quản lý nhiệt độ.
Máy tính xách tay hiện nay sử dụng các ống chất lỏng để làm lạnh và toả đều nhiệt ra khỏi chipset. Quạt gió cũng là một giải pháp đáng lưu ý, nhưng hiện giờ chúng không hoạt động hiệu quả như với máy tính để bàn. "Trong một vài trường hợp hiếm hoi, quạt gió cũng góp phần hạ nhiệt đáng kể, nhưng thông thường, nó sẽ dễ dàng phát huy vai trò hơn trong laptop dày", Rob Enderle, chuyên gia phân tích của tổ chức Enderle (Mỹ), cho biết. "Hiện nay, dù áp dụng giải pháp nào đi chăng nữa, mặt phía sau, bàn phím và khớp nối vẫn nóng một cách khó chịu kể cả khi hệ thống sử dụng những thiết bị xử lý tối tân nhất".
Một trong những thách thức lớn đối với nhà sản xuất laptop là loại bỏ hoặc phân phối đều nhiệt độ tại khu vực trung tâm như chipset CPU. Trong CPU, điện năng được đo bằng đơn vị TDP (Thermal Design Point) và watt. Bộ xử lý Athlon 64 của AMD và Pentium M, chip mới nhất của Intel dùng trong thiết bị di động, đã giảm nhiệt TDP theo phương pháp điều phối năng lượng tuỳ theo những ứng dụng đang hoạt động.
Hai hãng chip hàng đầu cũng đã đồng thời giới thiệu dịch vụ PowerNow và SpeedStep để điều chỉnh xung nhịp đồng hồ khá linh động, đa dạng và tăng giảm tốc độ phụ thuộc vào những thao tác trên máy tính, cho phép giảm tổng giá trị TDP và tiết kiệm pin. Ví dụ, dòng Turion 64 của AMD đã được thiết kế chỉ còn 35 hoặc 25 watt, trong khi vài năm trước đây nó lên tới 60 watt. Giải pháp này cũng loại bỏ mối lo ngại của người dùng về cấu trúc x86 của AMD và Intel vốn cho rằng nhân đôi lõi nghĩa là nhân đôi lượng nhiệt sản sinh. Intel khẳng định nhiệt độ mỗi lõi sẽ thay đổi lên xuống theo các chương trình đang hoạt động.
Dave Everitt, Giám đốc nền tảng và sản phẩm tại châu Âu của AMD, khẳng định họ sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm theo hướng này. Thêm vào đó, phần mềm BIOS thông minh hiện nay cũng hỗ trợ giảm độ sáng màn hình, vốn được coi là "máy phát nhiệt" tiêu tốn khá nhiều lượng pin.
(Theo tintuconline.com.vn)