Nhiều người vẫn mơ một chiếc máy tính xách tay để có thể làm việc bất kỳ nơi đâu. Với mức giá khoảng 700 USD, mua máy tính xách tay đang là chuyện trong tầm tay của người dùng.
Cách đây vài năm, máy tính xách tay là một tài sản di động, theo cách gọi vui của dân bán máy. Giờ đây, tuy vẫn còn cao so với giá máy tính để bàn nhưng "giá trị tuyệt đối" của máy tính xách tay đã ở dưới mức 1.000 USD.
Giá rẻ nhờ linh kiện
Tung ra dòng máy xách tay giá rẻ 688 USD, không chênh nhiều so với máy tính bộ, Acer nhắm đến những người dùng hơi rủng rỉnh tiền bạc, với cấu hình: chíp Celeron M 1,5 GHz, kết nối không dây theo công nghệ Signal Up. Không được đánh giá cao về thương hiệu, dòng máy tính xách tay của ECS G320 có giá 699 USD. Với dòng máy này, giá như vậy là rẻ nhưng vẫn ít người ưa chuộng vì dùng CPU VIA C3 có tốc độ 1 GHz.
Ở mức giá dưới 1.000 USD, người dùng vẫn còn nhiều sự lựa chọn như ECS G553 (Celeron M 1,5GHz) có giá 849 USD; Compaq NX 6120 (Centrino M 1,4GHz) có giá 855 USD; Dell Inspiron 2200 (Celeron M 1,4GHz) có giá 740 USD… Những dòng máy trên, theo nhiều đại lý, được nhiều giới quan tâm, nhất là cán bộ viên chức với hai lý do: hợp túi tiền nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu làm việc.
Khởi nguồn từ một chương trình
Một điều dễ nhận thấy với những dòng máy tính xách tay nêu trên là cấu hình bắt buộc, người mua máy không thể can thiệp vào cấu hình của từng dòng máy mà chỉ "liệu cơm gắp mắm". Đây cũng là một điểm yếu nhất của các dòng máy tính xách tay cho dù thương hiệu nước ngoài hay trong nước.
Intel Việt Nam đưa ra chương trình lắp ráp máy tính xách tay theo đơn đặt hàng (Build To Order - BTO). Theo đó, Intel là người tập hợp và giới thiệu các nhà cung cấp thiết bị và linh kiện để cho công ty GCC thực hiện chương trình này. Người sử dụng sau khi tham khảo mô hình mẫu sẽ vào website tự chọn cấu hình phù hợp với công việc để đăng ký với đại lý. Căn cứ vào đó, các đại lý sẽ báo về GCC để lắp ráp một chiếc máy tính theo đúng đơn đặt hàng. Máy tính này sẽ mang thương hiệu GCC hoặc của từng đại lý. Hiện GCC đã đưa ra 3 dòng máy tiêu chuẩn để người tiêu dùng tham khảo: Mobibook MS 1016 với cấu hình Celeron M 360 1,4GHz, ổ cứng 40GB, 256 MB DDRAM, màn hình 15 inch, cổng hỗ trợ giao tiếp các thẻ chuẩn MMS/SD/MS và MS Pro… với giá 699 USD (đã có VAT) và hai dòng cao cấp: Mobibook MS1012 và 1032 có giá tuần tự là 1.290 và 1.489 USD (đã có VAT).
Chất lượng ai hay?
Tuy mới khởi động, chương trình đã thu hút hơn 20 đại lý tham gia. Ông Thiều Phương Nam, Giám đốc kinh doanh của Intel Việt Nam cho biết: "Việc Intel tập hợp và cam kết chất lượng của các nhà cung cấp linh kiện để lắp ráp máy tính xách tay như Seagate về thiết bị lưu trữ, Crucial về bộ nhớ, Microsoft về hệ điều hành, Targus về phụ kiện cho máy tính… đã làm chất lượng máy tính của chương trình luôn được đảm bảo và chúng tôi chịu trách nhiệm về điều đó". Ngoài ra, Intel sẽ cùng GCC tổ chức những khoá huấn luyện nhân viên kỹ thuật lắp ráp máy tính xách tay cũng như xây dựng hệ thống bảo hành theo tiêu chuẩn quốc tế: bảo hành trong thời gian 24 giờ. Mục đích của chương trình, theo ông Trang Trung Trí, giám đốc kinh doanh của GCC là nhằm tạo điều kiện thuận lợi không chỉ vì có giá thành rẻ nhất mà còn tạo điều kiện cho người sử dụng có được cấu hình tương thích với công việc. Bên cạnh đó, chương trình BTO hỗ trợ thương hiệu máy tính xách tay trong nước có cơ hội chiếm lĩnh thị trường.
Vấn đề đặt ra trước mắt cho các bên tham gia chương trình là làm sao bảo đảm được chất lượng và thuyết phục người dùng về chất lượng. Theo cam kết, Intel chịu trách nhiệm về chất lượng linh kiện từ các nhà sản xuất thiết bị, đơn vị lắp ráp cũng được Intel hỗ trợ kỹ thuật. Theo một nhà kinh doanh máy tính, hai yếu tố này sẽ giúp người dùng an tâm hơn khi mua máy dạng BTO.
(Theo SGTT)