Các doanh nghiệp phần mềm trong nước phải hết sức vất vả “giữ vững tay chèo” trước cơn “sóng cả” vi phạm bản quyền phần mềm (VPBQPM). Nhiều lúc họ thấy nản vì không biết trông cậy vào đâu. Tình trạng VPBQPM vô tội vạ ở Việt Nam là nguyên nhân khiến thị trường phần mềm èo uột không lớn được.
Có khóa là có người bẻ...
Các doanh nghiệp phần mềm (DNPM) làm ăn nghiêm túc ở Việt Nam hầu như đều bị VPBQPM. Cho đến thời điểm này, các DN vẫn buộc phải “sống chung” với tình trạng đó chứ chưa có lựa chọn nào khác tốt hơn. Theo công ty Lạc Việt, sản phẩm nào cũng có thể bị vi phạm, nhất là khi sản phẩm đó được khách hàng ưa chuộng, có thể bán, có thể sao chép dễ dàng. Sản phẩm từ điển MTD của Lạc Việt hội đủ các yếu tố đó nên bị vi phạm nhiều nhất.
Nhưng đó là đối với những PM nhỏ gọn, dễ sao chép. Còn với những PM phức tạp, cơ sở dữ liệu lớn, đòi hỏi phải có các khâu tư vấn, triển khai thì sao? Ông Lương Xuân Vinh, giám đốc công ty phần mềm SIS (với sản phẩm chủ lực là PM kế toán SAS) cho biết: Nhiều nhân viên cũ đã copy sản phẩm của công ty, tách ra thành lập công ty khác và kinh doanh (KD) sản phẩm đó. Thế là từ sản phẩm của SIS sinh ra đến gần chục công ty khác. SIS vừa mất nhân lực, vừa mất sản phẩm, lại thêm đối thủ cạnh tranh. Thiệt hại khó tính bằng tiền. Thiệt hại không chỉ xảy ra đối với riêng các DNPM. Thực sự, tình trạng VPBQ đã làm suy yếu cả nền Công nghiệp phần mềm Việt Nam vốn đã rất yếu: các công ty không nhiệt tình đầu tư phát triển sản phẩm, chất xám bị phung phí vì những người giỏi không muốn sáng tạo, thị trường mất đầu tư công nghệ cao của nước ngoài, nhà nước mất tiền thuế...
Để đối phó với tình trạng trên, có một dạo các công ty đã hăng hái sắm các loại “khóa cứng”, “khóa mềm”, “khóa từ xa” cho sản phẩm. Nhưng rồi cũng chỉ phòng được phần nào. Ông Lương Xuân Vinh, công ty SIS, lắc đầu: “Khi kẻ ăn cắp lại là người giữ chìa khóa thì thật khó”! Còn ông Nguyễn Quốc Toàn, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần PM BSC (sản phẩm “ruột” là EFFECT, EMIS, VENUS) thì chán nản nói: “Đành phải chấp nhận thôi. Vì hễ cứ có khóa là có người bẻ”. PM quản lý quan hệ khách hàng VENUS mới “ra lò” của công ty này được dự báo sẽ bị vi phạm bản quyền ở mức 50%, do đặc điểm đơn giản, dễ sử dụng.
Trông cậy vào đâu?
Lẽ thường, khi bị đụng vào quyền lợi, mọi người đều phản ứng. Nhưng do căn bệnh VPBQPM ở Việt Nam đã trở thành “kinh niên”, chưa có thuốc đặc trị, nên hầu hết DNPM nội chỉ biết cắn răng chịu đựng. Họ không biết kêu ai. Công ty Lạc Việt đã nhìn thấy món tiền 230 tỷ đồng của mình bị móc khỏi túi mà phải chịu bó tay vì “không biết nộp đơn kêu chính thức cho cơ quan nào”. Trường hợp của Lạc Việt rõ ràng là khó vì đối tượng vi phạm quá nhiều.
Nhưng ngay cả với những PM có ít đối tượng vi phạm thì cũng không dễ "chạm đến sợi tóc" của người vi phạm. Ông Lương Xuân Vinh, nói: “Nhiều khi phát hiện thấy kẻ trộm rồi mà không biết tố cáo kiểu gì”. Bởi vì, với những quy định pháp luật về bản quyền chưa tường minh và một hệ thống phối hợp thực thi chưa đủ mạnh như hiện nay, thì từ lúc tố giác cho đến khi kẻ cắp bị vạch trần là cả một quá trình rất mệt mỏi và đáng nản. Nếu theo kiện, DN vừa mất tiền, vừa mất thời gian mà không biết chắc có thắng hay không, còn nếu thắng thì không biết án có được thi hành nghiêm túc không? Cho nên thà bỏ tiền và quỹ thời gian đó vào kinh doanh còn hơn. Tương tự ông Vinh, ông Toàn (công ty BSC) cũng không nghĩ gì đến việc “thưa thốt” ai vì đôi khi “được vạ thì má đã sưng”.
Theo ông Vinh, chừng nào luật và việc thực thi luật chưa tường minh và kiên quyết thì nạn VPBQPM chưa thể giảm bớt. Không thể trông chờ vào sự tự giác được mà cần xử phạt nặng đối với người vi phạm để dần dần tạo nét văn hóa: tự nguyện tôn trọng bản quyền. Nhưng như thế sẽ phải mất một thời gian khá lâu.
Ngón võ nào phòng thân?
Khi đã không biết kêu ai thì DNPM đành phải loay hoay tự tìm lấy cách phòng vệ. Công ty BSC trước đây có dùng 4-5 giải pháp khóa cho PM, nhưng khi thấy không hiệu quả bèn thay đổi chính sách kinh doanh. Các yếu tố như giá, xúc tiến, phân phối, chuyển giao được đặc biệt chú trọng, giúp khách hàng quan niệm về sản phẩm ngày một rõ nét hơn, và thấy được những lợi ích từ phía nhà cung cấp. Sản phẩm công ty cũng liên tục được đổi mới để kẻ vi phạm không theo kịp, trong khi khách hàng luôn được dùng sản phẩm tốt hơn. Khi bán sản phẩm, DN “giữ lại” một số yếu tố và sẽ bổ sung, hoàn thiện sau theo yêu cầu của khách hàng. Riêng về giá, công ty chấp nhận lỗ để bán phần mềm VENUS với giá 4,4 triệu đồng cho một phiên bản máy chủ, 880.000 đồng cho máy đơn. Đây là mức giá “cạnh tranh” với PM bẻ khóa. Chính sách giá của BSC cũng giống Lạc Việt. Công ty này đã bán một số PM rẻ ngang giá thành, kèm theo những chính sách tiếp thị, hỗ trợ chu đáo.
Một cách khác, theo ông Lương Xuân Vinh (SIS), là bảo vệ PM ngay từ khi nó đang được thiết kế. Mỗi người tham gia chỉ thiết kế một phần nào đó của PM và không thể nắm được toàn bộ mã nguồn của PM đó. Chỉ nhân vật chủ chốt của công ty mới nắm được toàn bộ PM. Biện pháp này phải đi kèm chính sách giữ chân nhân tài của công ty. Trong các PM, công ty có thể đặt vào một số bẫy lỗi, khi chương trình trục trặc, người copy không thiết kế nên không sửa được. Bên cạnh đó, công ty luôn cố gắng phát triển thương hiệu để nhiều người biết, và luôn cố gắng đi nhanh hơn những kẻ VPBQPM, coi đó cũng là sức ép để mình phát triển mạnh hơn.
Chưa biết những “chiêu thức” trên hiệu nghiệm đến đâu, nhưng nhìn tổng thể, để tránh VPBQPM, các nhà sản xuất sẽ nhắm vào khúc thị trường hẹp, có giá trị cao, né tránh thị trường đại chúng. Sẽ có rất ít nhà sản xuất phần mềm đại chúng, hoặc nếu có cũng chỉ cho ra phiên bản nhỏ giọt. Sản phẩm phải tăng cường khả năng tự bảo vệ nên gây thêm phiền phức cho người sử dụng. Xu hướng này rõ ràng gây thiệt hại cho người dùng cuối, nhà sản xuất, ngành công nghiệp phần mềm và kinh tế xã hội Việt Nam.
(Theo PC World)