- Xuất phát từ một sự "phàn nàn" của ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí e-CHÍP về áp lực của công việc hàng ngày, từ mong muốn nhỏ nhoi "tôi chỉ muốn nằm dài trên bãi cỏ, ngắm nhìn một làng quê... không có cột điện", ý tưởng dàn dựng chương trình được hình thành. Tôi đã dàn dựng một sân khấu của triền đê, của trời sao, của những lá khoai lá chuối, của gà mẹ gà bố và một đàn gà con, của những đứa trẻ hát đồng dao. Và chính trong cuộc sống bình dị đó, những Hiệp sĩ của chúng ta xuất hiện. Tôi muốn các bạn sẽ thấy một không khí ấm áp, một tinh thần sẻ chia của những trái tim hào hiệp.
- Thế mạnh của anh là văn hóa truyền thống của các vùng quê Việt Nam, CNTT lại là công nghệ hiện đại, Hiệp sĩ cũng là tước hiệu "nhập khẩu"... Anh có cách gì để dung hoà những yếu tố khác biệt này?
- Bạn cứ hình dung đi: Một người rất thạo máy tính vẫn có thể không hề lạ lẫm với chuyện vườn tược, cây cỏ. Và, ai càng "gắn kết" giữa "cái máy lạnh" và "đầm sen" thì càng có sức cuốn hút.
Kỳ này được mời làm sự kiện về các Hiệp sĩ CNTT, tôi rất phấn khích vì có dịp trực tiếp đối thoại với những Hiệp sĩ "bằng xương bằng thịt". Sự kết hợp giữa CNTT hiện đại và vốn văn hóa Việt trong một công trình là không hề khiên cưỡng. Nếu người "nhà quê"... mà lại được gắn danh hiệu Hiệp sĩ - có xuất xứ từ nơi càng "sang trọng" thì lại càng...oai!
Không dễ "Việt hoá" tước hiệu Hiệp sĩ. Chẳng nhẽ lại gọi sự kiện này là "tôn vinh Lục Vân Tiên CNTT 2005" (cười).
- Nhắc đến các lễ tôn vinh, trao giải, khán giả dễ tưởng tượng đến một buổi lễ nghiêm trang, có trình tự, lần lượt các "nhân vật" sẽ lên sân khấu, nhận giải và phát biểu. Với 15 Hiệp sĩ của chương trình này, sự xuất hiện của họ có gì khác biệt? Nhân vật nào sẽ là "điểm nhấn" cho chương trình của anh?
- Tôn vinh - nếu đúng thì phải thật nghiêm trang. Song ở đây là tôn vinh những người có tinh thần Hiệp sĩ, vì cộng đồng nên tôi muốn tạo không khí gần gũi, đồng cảm.
Các Hiệp sĩ không xếp thứ tự, mà ra sân khấu theo từng nhóm. Bạn chờ theo dõi, sẽ thấy những nhóm người ấy có điểm gì đặc biệt nhé.
Tôi muốn khán giả sẽ lưu tâm tới sự xuất hiện của các Hiệp sĩ không có khả năng di chuyển bình thường. Bởi chính họ đã dạy cho tôi bài học lớn về nghị lực... Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều về sự xuất hiện này. Họ đã tạo cảm xúc để nhóm chúng tôi sáng tác ca khúc: Vinh danh những trái tim cao cả (ca khúc của riêng chương trình).
- Được biết anh đã đi dọc đất nước để trực tiếp gặp gỡ và quay phóng sự cho nhiều nhân vật. Anh có thể chia sẻ 1 kỷ niệm khiến anh xúc động nhất?
- Kỷ niệm thì nhiều lắm, bởi nhiều nhân vật khiến tôi xúc động. Nhưng có lẽ, hãy để các bạn cảm nhận qua những thước phim ngắn của tôi.
- Anh có gặp trở ngại gì với việc dàn dựng chương trình không?
- Bạn biết đấy, quá nhiều người quan tâm và muốn đóng góp ý tưởng cho việc dàn dựng chương trình, điều đó khiến tôi "rối trí", thỉnh thoảng lại sợ không kịp thời gian vì ý tưởng của chúng tôi thay đổi liên tục. Nhưng, đó là nhiệm vụ của đạo diễn, là niềm vui với một chương trình mang tính xã hội như thế này
- Chúng ta đều mong muốn tinh thần thiện nguyện, vô vị lợi của các Hiệp sĩ CNTT được lan tỏa, tiếp nối trong cả cộng đồng. Anh có tin sau lễ tôn vinh, điều này sẽ thành hiện thực không?
- "Có thực mới vực được đạo". Với những người thành đạt, họ sẽ dễ dàng hơn để thể hiện tinh thần thiện nguyện. Còn các Hiệp sĩ của chúng ta hôm nay là những con người có tấm lòng cao cả nhưng họ chưa đủ điều kiện vật chất để thực hiện ước mơ. Nếu Phạm Sơn Hà có đủ tiền, trung tâm Tia sáng của anh sẽ đón cả trăm người khiếm thị theo học, và tinh thần Hiệp sĩ CNTT từ anh sẽ nhân rộng thêm trăm lần. Tôi đã rất xót xa khi đến quay phim lớp học bé nhỏ chỉ với 4 máy tính (2 máy cũ được cho, 2 chiếc khác phải mua chịu) của Hà. Tôi tin qua chương trình, sẽ có nhiều người đồng cảm và giúp Sơn Hà cũng như các Hiệp sĩ khác thực hiện ý nguyện, từ đó tinh thần cộng đồng sẽ lan tỏa...
- Xin cảm ơn anh và chúc ĐD Phạm Việt Thanh "không còn thời gian nghỉ ngơi".
-
Khánh Linh (thực hiện)