Được đánh giá là rất có tiềm năng, thị trường game trực tuyến (online) của Việt Nam đang rục rịch tiến vào giai đoạn thương mại hóa, sau một thời gian dài cung cấp dịch vụ thử nghiệm miễn phí cho người chơi.
Mức độ thành công của việc thương mại hóa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của nền công nghiệp game Việt Nam - vốn đang manh nha hình thành. Còn hiện tại, các nhà cung cấp dịch vụ game trực tuyến đang dốc sức củng cố thị phần cũng như chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật trước bước ngoặt quan trọng này.
Thu phí từ thẻ và tin nhắn
Theo ông Đàm Đức Anh, Phó giám đốc Trung tâm Game Online của Công ty Phần mềm và Truyền thông (VASC), sẽ có hai hình thức thu phí chính đối với các dịch vụ game trực tuyến tại Việt Nam. Thứ nhất là thu phí qua các giao dịch mua bán đồ ảo trong game. Thứ hai là cách thu thông qua phát hành thẻ người chơi (tương tự như thẻ điện thoại), thẻ này tính thời gian chơi theo số giờ cố định hoặc tính theo từng tháng.
Dự kiến, cách thu phí thứ hai sẽ là hình thức thu phí phổ biến nhất trong thời gian tới, do nó phù hợp với đặc thù của các game sắp phát hành chính thức như RYL: Con đường đế vương, Herrcot, Darcania Online (VASC), Võ lâm truyền kỳ (VinaGame), MU Online, PTV (FPT)...
Riêng với VASC, công ty này sẽ có thêm hình thức thu tiền thứ ba bằng cách nhắn tin SMS để nạp tiền vào tài khoản người chơi.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, ngoại trừ Công ty AsiaSoft mới bước đầu phát hành thẻ chơi game Gun Bound ra thị trường, hiện chưa có nhà cung cấp dịch vụ nào khác thu phí bằng các hình thức trên, do đại đa số các game trực tuyến hiện vẫn sắp hoặc đang ở giai đoạn phát hành thử nghiệm (beta) và đánh giá phản ứng của thị trường, trước khi được thương mại hóa.
Mặc dù đại diện của cả VASC và FPT đều không tiết lộ thời điểm bắt đầu thu phí dịch vụ game trực tuyến, thế nhưng một số nguồn tin dự đoán việc phát hành thẻ chơi game của 2 “đại gia” này có thể diễn ra trong một vài tháng tới, sau khi giai đoạn thử nghiệm và Việt hóa các trò chơi đã cơ bản hoàn tất. Giá tiền cho mỗi thẻ sẽ có nhiều mức, cao nhất có thể dao động quanh con số 100.000 đồng.
Với số người chơi game trực tuyến tại Việt Nam ước tính đã lên tới hàng trăm nghìn và đang không ngừng tăng lên (game PTV hiện đã có hơn 800.000 người đăng ký, Võ lâm truyền kỳ hay MU Online cũng hơn 500.000...), chưa kể người chơi thường dễ bị cuốn hút đến mức “nghiện”, thị trường game trực tuyến Việt Nam quả là một mảnh đất màu mỡ đối với những người khai phá. Doanh thu từ thị trường Việt Nam, theo một số dự báo, có thể lên đến 10-15 triệu USD ngay trong năm 2006, cũng như đạt mức tăng trưởng từ 300-400% mỗi năm.
Tuy nhiên, việc bảo vệ bản quyền chắc chắn sẽ được các nhà cung cấp dịch vụ game trực tuyến Việt Nam quan tâm rất chặt chẽ trong thời gian tới, bởi nếu không được kiểm soát, tình trạng chơi gian lận, chơi “chùa”... có thể dễ dàng đẩy bao công sức của họ trong thời gian qua xuống sông xuống bể.
Tiếp tục nóng cuộc đua quảng bá
Hiện tại, ngoài 2 “kỳ phùng địch thủ” là VASC và FPT, thị trường game trực tuyến còn ghi nhận sự xuất hiện rất thành công của AsiaSoft và Vina Game.
Mặc dù có nhiều khác biệt về tiềm lực, cả 4 công ty nói trên đều có một điểm chung: đó là sự nỗ lực xây dựng một cộng đồng người chơi riêng của mình. Bởi bên cạnh tính hấp dẫn của trò chơi, việc được sinh hoạt trong một cộng đồng chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên mối gắn bó lâu dài người chơi với nhà cung cấp dịch vụ.
Cũng vì vậy mà từ đầu năm trở lại đây, nhiều lễ hội game đã được các công ty tiến hành rình rang, mà mở màn đầu tiên có lẽ là lễ khai trương chuỗi dịch vụ “Game Online - Thế giới diệu kỳ” của VASC ngay vào những ngày đầu năm 2005, với 3 công ty VASC - Intel Việt Nam - CMC trong vai trò đồng tổ chức.
Còn trong những tháng hè này, ngay khi VinaGame đang tất bật tổ chức sự kiện “Đại hội võ lâm” dành riêng cho người chơi game “Võ lâm truyền kỳ”, thì FPT thậm chí còn “hăng” hơn khi tổ chức Festival Game PTV trên quy mô lớn tại Tp.HCM trong 2 ngày 30, 31/7 vừa qua và sẽ diễn ra sắp tới tại Hà Nội. Với việc Intel là nhà đồng tổ chức Festival, FPT cũng chính thức phát đi tín hiệu họ sẽ hợp tác chặt chẽ với Intel trong việc kinh doanh game trực tuyến.
Các hoạt động khác như thiết lập và vận hành diễn đàn trao đổi kinh nghiệm chơi game trên Internet, mời những nhân vật nổi tiếng tham gia quảng bá game, tổ chức giao lưu gặp gỡ giữa các game thủ xuất sắc... cũng liên tục được các công ty tiến hành. Sau khi việc thu phí trò chơi diễn ra, mật độ các chiến dịch quảng bá được dự báo thậm chí sẽ còn ngày càng lớn.
Đã đến lúc cần một Hiệp hội Game?
Việt Nam đang có những bước tiến táo bạo vào game trực tuyến - lĩnh vực phát triển nhanh chóng trong những năm qua, đặc biệt tại khu vực Đông Á. Khởi nguồn từ Hàn Quốc và lan rộng cùng với sự phổ biến của mạng Internet băng thông rộng, game trực tuyến đang trở thành phương tiện giải trí yêu thích của giới trẻ và được đánh giá có tiềm năng doanh thu hàng tỷ USD.
Theo số liệu của IDC, riêng tại Trung Quốc, nơi được xem sẽ là thị trường game trực tuyến lớn nhất thế giới, doanh thu từ game trực tuyến tại nước này đã nhanh chóng đạt xấp xỉ 300 triệu USD trong năm 2004 và ước tính sẽ vượt qua mức 1,3 tỷ USD vào năm 2009.
Dựa trên quan điểm cho rằng game trực tuyến có thể là một trong những động lực mạnh mẽ nhất cho việc phổ cập Internet băng thông rộng cũng như thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp máy tính ở Việt Nam, các công ty như VASC, FPT… đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư cho game có bản quyền, máy móc, đường truyền. Sự phát triển chóng mặt của thị trường này trong thời gian qua đặt ra câu hỏi: “Liệu đã đến lúc cần có sự ra đời của một hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ game tại Việt Nam?”
Ông Đàm Đức Anh cho biết, trong các cuộc tiếp xúc mới đây giữa VASC và FPT, vấn đề thành lập Hiệp hội Game Việt Nam (chứ không chỉ có game trực tuyến) đã được đặt ra.
Theo ông, hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức thi đấu game… ở Việt Nam vẫn còn rời rạc, thiếu sự liên kết. Việc thành lập Hiệp hội sẽ tập hợp, đoàn kết các doanh nghiệp, cá nhân có cùng mong muốn phát triển ngành công nghiệp game Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động nói trên, đồng thời đảm bảo quyền lợi của khách hàng, hội viên. Ngoài ra, Hiệp hội còn có thể trợ giúp về mặt pháp lý để góp phần thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh.
"Intel sẽ có những kế hoạch lớn và dài hạn cho game trực tuyến"
(Ông Thiều Phương Nam - Giám đốc Kinh doanh của Intel Việt Nam và Đông Dương)
Game trực tuyến đã phát triển khá mạnh tại các nước trong khu vực nhiều năm qua, đặc biệt là ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan. Tại Việt Nam, game trực tuyến đang ở bước khởi đầu nhưng phát triển rất nhanh. Mặc dù mới chỉ có một số game được giới thiệu trên thị trường, nhưng đă có gần một triệu người đăng ký chơi. Tiềm năng của thị trường game trực tuyến tại Việt Nam rất lớn. Tuy còn quá sớm để đưa ra những dự báo cụ thể nhưng tôi rất lạc quan về triển vọng của thị trường Việt Nam và Intel sẽ có những kế họach lớn và dài hạn cho game trực tuyến. Ở Việt Nam, chương trình Intel i-café và game trực tuyến là một trong 3 chương trình trọng điểm của chúng tôi trong năm 2005. Tại Festival Game PTV vừa qua ở Tp.HCM và sắp diễn ra ở Hà Nội, với tư cách nhà đồng tổ chức cùng Công ty FPT Communications, chúng tôi hy vọng mang đến cho những ai yêu thích game trực tuyến những ngày hội thật sự vui vẻ và sảng khoái." |
(Theo TBKTVN)