221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
688140
Giải pháp nào ngăn chặn các trang web "đen"?
1
Article
null
Giải pháp nào ngăn chặn các trang web 'đen'?
,
Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT về quản lý đại lý Internet có hiệu lực vào đầu tháng 8-2005. Liệu có ngăn chặn được các trang web "đen"? Làm thế nào để quản lý dịch vụ Internet có hiệu quả? Ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng BKIS (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), tác giả phần mềm diệt virut BKAV, trao đổi ý kiến xung quanh những câu hỏi này.
 

Đóng lại

* Với Thông tư 02, ông có cho rằng sẽ ngăn chặn được khách hàng truy cập vào các trang web có nội dung khiêu dâm, phản động?

- Thông tư ra đời theo tôi là cần thiết. Hiện nay, những quy định như vậy có sự tích cực, mang tính chất răn đe, giúp giảm đi sự vi phạm. Khi làm sai người ta cũng phải e dè hơn. Vấn đề là có một số điểm trong Thông tư nếu như không được nghiên cứu, rất khó khả thi. Mọi người cũng hay hỏi chúng tôi, bằng biện pháp như chứng minh thư nhân dân, trẻ em dưới 14 tuổi phải có người lớn đi kèm... việc ngăn chặn nó có khả thi hay không? Tôi thấy tính khả thi của nó không cao. Vì tính khả thi không cao nên tôi cho là người ta sẽ thực hiện không triệt để. Tôi tin rằng trong tương lai, những quy định như vậy sẽ được nới ra và tiến tới loại bỏ.

* Ông thấy "lỗ hổng" của Thông tư nằm ở điểm nào, ông có sáng kiến gì không?

- Vấn đề ở đây là do công nghệ Internet quá thuận lợi cho tất cả mọi việc và tất nhiên là thuận lợi cho cả việc xấu kia. Đây là vấn đề do công nghệ sinh ra nhưng tôi có cảm nhận những người làm quản lý, khi soạn thảo họ chưa quan tâm lắm đến yếu tố đó. Nó do công nghệ sinh ra thì anh cũng phải có biện pháp công nghệ. Biện pháp công nghệ ở đây đóng một vai trò rất lớn chứ không phải ở biện pháp hành chính. Tôi cảm nhận khi soạn thảo họ chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các nhà chuyên môn để thấy gốc rễ vấn đề là ở đâu và giải quyết như thế nào, rồi từ đó mới ra các cơ chế, các chế tài khả thi.

* Nói như ông, vẫn có thể ngăn chặn được web "đen" nhưng then chốt là ở giải pháp công nghệ?

- Mọi máy tính cuối cùng cũng phải nối đến nhà cung cấp dịch vụ. Quy định mới có một cái rất tốt là các cửa hàng, nhà cung cấp phải lưu lại thông tin. Như vậy, chỉ cần làm tốt điều này mà không cần những quy định hành chính kia nữa.
 
"Bức tường lửa" có ngăn chặn được sự tấn công của các trang web độc hại?
* Như vậy vấn đề lại sang các nhà cung cấp?

- Đúng như thế. Qua các nhà cung cấp, chúng ta có thể nắm bắt được thông tin vào ngày này, tháng này cửa hàng nào cho phép truy cập cái gì. Tuy nhiên cũng phải có một đơn vị chuyên làm nhiệm vụ để cập nhật, kiểm tra những thông tin ấy. Định kỳ phát hiện, xử lý và nêu tên các cửa hàng vi phạm thì họ sẽ không dám làm sai nữa. Đặc biệt là việc này không cần nhiều người để đến từng cửa hàng kiểm tra bắt quả tang, mà nó giống như phạt nguội vi phạm giao thông, tính răn đe rất cao, các cửa hàng Internet khi làm sai sẽ luôn có cảm giác sẽ bị xứ lý bất kỳ lúc nào cho dù không thấy bóng dáng của thanh tra đâu cả, họ ở trên mạng cơ mà.

Nói chung, tôi thấy quản lý cái này còn dễ hơn những tệ nạn khác vì cuối cùng gì thì gì anh cũng phải đi qua một nơi là nhà cung cấp, lại còn có thể "quay chậm" lại được những vi phạm trong quá khứ, không như tệ nạn khác phải bắt quả tang mới được. Vậy quay lại vấn đề là do công nghệ giúp chúng ta vào dễ dàng thì cũng phải dùng công nghệ để ngăn cản nó.

* Chúng ta cũng đã có "bức tường lửa" để ngăn chặn các trang web "đen ", nhưng kết quả như ông đã thấy. Giải pháp mới cũng là "bức tường lửa" liệu có khả thi?

- Vấn đề mà người ta hay nói là có quá nhiều địa chỉ "đen", và nó hay thay đổi để qua mặt sự kiểm soát. Hôm nay tôi chặn được cái này, ngày mai nó thay đổi địa chỉ khác người ta lại vào được. Thế thì người ta sợ không chặn được. Nhưng như tôi đã nói, có tình trạng trốn là do không thấy ai bàn về cơ chế để báo cho các nhà cung cấp dịch vụ là hôm nay người ta phải chặn cái gì, chặn như thế nào. Tôi cũng hỏi một số nhà cung cấp dịch vụ về chuyện này cũng thấy họ bảo chưa thấy ai bàn một cách bài bản cả.

* Cứ cho là sẽ có cơ chế ấy đi, khi đó ông sẽ giải quyết vấn đề thế nào?

- Cốt lõi là danh sách "đen" ấy thường xuyên được cập nhật. Hôm nay là danh sách ấy nó đổi thì mình phải đi theo rồi, nếu không sẽ là vô nghĩa ngay. Các cửa hàng được cung cấp một phần mềm để có thể cung cấp thông tin này. Tôi không kỳ vọng 100% cửa hàng nghiêm túc thực hiện, thậm chí là họ không nghiêm túc cài phần mềm này. Nhưng 1.000 cửa hàng tôi chỉ cần 100 người hợp tác là được rồi. Cách làm đó bảo đảm tôi đã có được đanh sách "đen" nóng nhất trong ngày.

* Yêu cầu các đại lý Internet, nhất là ở nông thôn, phải có kiến thức như một kỹ sư tin học xem ra cũng không khả thi?

- Mình phải cung cấp cho họ phần mềm để họ thao tác một cách đơn giản nhất. Làm thế nào để khi có một trang web nghi ngờ, nó sẽ hiện lên màn hình của người quản trị. Anh ta vẫn có thể đi nấu cơm hay làm việc gì đó, khi quay lại nó vẫn hiện những nội dung mà nó nghi ngờ và nó sẽ hỏi anh cái này có phải là web sex không. Anh ta chỉ việc bấm vào là đúng hay sai. Cuối ngày, danh sách ấy tự động (tôi nhắc lại việc sử dụng này rất dễ) được gửi về trung tâm để xử lý.

Bước tiếp theo là các chuyên gia khẳng định chắc chắn đấy có phải là danh sách "đen" không. Cộng với danh sách "đen" của ngày hôm trước, sáng sớm hôm sau các phần mềm sẽ tự động "nói chuyện" với nhau. Kể từ thời điểm đó, tất cả những anh này sẽ bị chặn. Tất nhiên chúng ta đừng hy vọng là tuyệt đối không ai vào được, đấy là không thể được. Việc này sẽ ngăn chặn được hầu hết, lúc đó vi phạm sẽ trở thành là cá biệt chứ không phải là phổ biến như hiện nay và như vậy có thể được kiểm soát như với việc chứa chấp mại dâm hay ma túy vậy.

* Trung Quốc có công nghệ không kém gì chúng ta mà họ cũng chưa ngăn chặn được, vậy ông có quá tin vào giải pháp của mình?

- Tôi rất tin tưởng vào giải pháp này bởi nó kết hợp giữa công nghệ và thực tiễn, con người. Nó không đơn thuần về công nghệ hay không đơn thuần về quản lý. Vả lại chúng tôi cũng có kinh nghiệm nhiều năm về xử lý các sự cố về máy tính cũng như ứng xử với người sử dụng phần mềm diệt vi rút, hiện trên toàn quốc dùng rất nhiều và có mặt ở trên 90 nước.

+ Xin cảm ơn ông!
 
Anh Nguyễn Huy Thể - phòng 203, 30 Vạn Bảo, Ba Đình, Hà Nội:
"Biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là tuyên truyền giáo dục"

Một số chuyên gia cho rằng: có thể ngăn chặn sự lây lan bành trướng trên khía cạnh kỹ thuật/công nghệ. Thông tư 02 chỉ đề cập đến khía cạnh quản lý về mặt hành chính chứ chưa xem xét về mặt kỹ thuật là một thiếu sót lớn, không đem lại hiệu quả cao được.

Muốn ngăn chặn được triệt để thiết nghĩ phải kết hợp biện pháp hành chính (quy định, thủ tục, tiêu chuẩn cấp phép hoạt động xử phạt...), biện pháp kỹ thuật (yêu cầu về mặt kỹ thuật đối với cửa hàng dịch vụ Internet, nhà cung cấp ISP, nhà cung cấp dịch vụ khác...), biện pháp giáo dục tuyên truyền,... thì mới đem lại hiệu quả cao được; Phải xác định đối tượng tác động rõ ràng ở đây là: người dùng dịch vụ Internet, chủ cửa hàng, nhà cung cấp dịch vụ ISP, nhà cung cấp nội dung dịch vụ... Nhìn trên khía cạnh thị trường, có cầu ắt có cung. Nếu tác động ở đây chủ yếu vào yếu tố cung e rằng hiệu quả không thể cao được. Vì không đáp ứng được cầu thì không thể thu lợi nhuận.

Liệu có cấm được một cách tuyệt đối các chủ cửa hàng Internet không cho người sử dụng truy cập không? Cho dù có áp dụng giải pháp kỹ thuật thì cũng không thể đem lại hiệu quả tuyệt đối. Các nước khác, có nền kinh tế phát triển và trình độ công nghệ thông tin hơn hẳn nước ta, thực tế các nước này cũng chưa có được giải pháp kỹ thuật nào ngăn chặn hiệu quả cao hoạt động đó cả.

Nói chung để ngăn chặn được không phải là dễ dàng. Nên sử dụng các giải pháp hỗ trợ khác như xây dựng tiêu chuẩn cấp phép kinh doanh cho một cửa hàng Internet (xây dựng mạng máy tính hợp lý, bắt buộc phải sử dụng một phần mềm đặc biệt nhằm ngăn chặn sự truy cập vào các địa chỉ đen...).


 

Ông Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam:
"Việc loại bỏ trang web "đen" phải là ý thức của toàn xã hội"

Trong xu thế phát triển hội nhập của Việt Nam, tốc độ phát triển của Internet về mọi mặt không thể phủ nhận được, đến nay mật độ sử dụng hơn 9% với gần 8 triệu người sử dụng quy đổi và tốc độ phát triển trên hai chữ số là thách thức với nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và của toàn xã hội trong việc nhận thức về "lợi" và "hại" của Internet. Nếu chấp nhận phát triển thì đồng nghĩa với việc chưa thể ngăn chặn và tận diệt được web "đen" hoạt động.

Ngoài các biện pháp về công nghệ, quản lý, kiểm soát thì điều quan trọng nhất phải nâng cao nhận thức và tri thức của người sử dụng và việc "loại bỏ" web "đen" phải là ý thức của toàn xã hội. Điều này có nghĩa chúng ta chưa có nhiều và đủ các web "sạch" để thu hút người sử dụng với xa lộ thông tin hữu ích, đặc biệt cho giới trẻ và còn thiếu các biện pháp tuyên truyền hữu hiệu về nhận thức tiếp cận Internet cho toàn xã hội.

Thông tư 02 tuy có nhiều tranh luận về cách thực hiện các điểm cụ thể, nhưng đó cũng chỉ là các biện pháp hành chính trước mắt để răn đe các hành vi xấu trong tiếp cận Internet, cảnh tỉnh các nhà cung cấp dịch vụ về khai thác sử dụng, đồng thời cũng khuyến cáo các biện pháp ngăn chặn các hành vi xấu trong lĩnh vực này. Song song với việc tuyên truyền phổ cập ý thức và nhận thức về Internet như là giải pháp toàn diện và cơ bản, việc phòng chống và phòng trừ cũng phải tiến hành đồng thời.

Tuy không diệt tận gốc nhưng giải pháp công nghệ cũng là biện pháp ngăn chặn và răn đe tích cực. Việc ngăn chặn này phải cụ thể từ nhà cung cấp dịch vụ với công nghệ và các bức "tường lửa", các chuyên gia công nghệ thông tin với công nghệ cùng các phần mềm kiểm soát và ngăn chặn phù hợp, các điểm dịch vụ công cộng và từng gia đình, trường học, công sở phải có ý thức giám sát và tuyên truyền sử dụng các cơ quan quản lý nhà nước phải có những biện pháp mạnh để loại trừ việc tuyên truyền phát tán các biểu hiện xấu trong sử dụng Internet.

 

Anh Phạm Quang Huy - Kỹ sư lập trình Trung tâm dịch vụ ERP Công ty FPT:
"Cần bắt buộc các đại lý phải cài đặt firewall ngăn chặn web xấu thì mới cho phép kinh doanh"

Thông tư 02 ra đời, không hẳn sẽ làm giảm sự phát triển Internet nhưng sẽ làm giảm sự quảng bá Internet rộng rãi trong nhân dân. Internet bùng nổ về lượng sử dụng là do các nhà cung cấp Internet liên tục giảm giá, các dịch vụ thi nhau mở, vì thế có thể thấy bề nổi là Internet ở nước ta phát triển nhưng mới chỉ về mặt số lượng quảng bá rộng rãi, còn chất lượng thi chưa cao. Việc quy định này đã gây nhiều phản ứng trong giới kinh doanh dịch vụ Internet vì nó sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của họ. Ngoài đối tượng sử dụng dịch vụ Internet công cộng, còn có một bộ phận khác đó là những người sử dụng dịch vụ ở gia đình và ở các công ty, cơ quan.

Muốn đạt được hiệu quả trong vấn đề quản lý việc sử dụng Internet ở các dịch vụ, đặc biệt là quản lý các trang web "đen" thì vấn đề trước hết là phải giáo dục ý thức trong bộ phận thanh thiếu niên. Tuy nhiên, việc áp dụng các chế tài trong lĩnh vực này là rất khó. Nếu áp dụng chắc chắn sẽ làm giảm số lượng người sử dụng Internet công cộng, việc quảng bá mở rộng Internet sẽ gặp khó khăn.

Bên cạnh một số quy định thì cần có thêm việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật vào việc quản lý. Thí dụ các nhà cung cấp dịch vụ cần có yêu cầu bắt buộc các đại lý phải cài đặt các bức tường lửa (firewall) ngăn chặn web xấu thì mới cho phép kinh doanh.

 

Ông Nguyễn Ngọc Đông - Chủ quán Internet 1014 đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội:
"Chỉ có thể hạn chế chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn"

Việc ban hành Thông tư liên tịch chung quanh vấn đề quản lý Internet đã và đang có nhiều ý kiến đặt ra, đặc biệt là trong giới kinh doanh loại hình này. Một số quy định về việc khách đến truy cập Internet phải xuất trình Chứng minh thư, điều đó sẽ gây nhiều khó khăn, phức tạp cho các chủ quán Internet.

Cụ thể là việc ngăn chặn các trang web "đen", theo tôi tính khả thi của quy định sẽ không cao. Nhưng trước hết về phía các chủ quán như chúng tôi cũng không bao giờ muốn khách hàng vào quán của mình để truy cập các trang web "đen" (trừ một số rất ít chủ quán vì lợi nhuận mà bất chấp làm những việc đó). Đa số khách đến quán để chơi game, đọc báo, xem tin tức, viết thư và học tập. Mà quán Internet là nơi công cộng nên sẽ là một điều kiện rất khó để loại hình dịch vụ này xuất hiện được.

Bên cạnh dó, Internet nó như một dòng nước chảy liên tục, thông tin luôn xuất hiện và đến liên tục, nhiều lúc không phải vì chủ quán mà do khách quan vô tình người sử dụng kích chuột vào thì có thể các trang web "đen" đó đã hiện lên rồi. Vì vậy, bản thân mỗi quán kinh doanh Internet cần có những quy định rõ ràng khuyến cáo người sử dụng những điều cần tránh. Đồng thời để các cơ quan chức năng quản lý được tốt hơn hoạt động của dịch vụ này thì cần đưa ra một cái khung chung. Trong đó cần quy định cụ thể các điều kiện cần phải có và cho phép được sử dụng đến mức độ nào để khi kiểm tra mà người chủ kinh doanh ấy không đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn đó thì sẽ bị xử lý.

Còn việc ngăn chặn các trang web "đen" cũng là điều rất khó. Bởi nếu chặn được thì chính các nhà cung cấp dịch vụ sẽ là cơ quan đầu tiên ngăn chặn việc đó chứ không phải chỉ quản lý ở các quán kinh doanh Internet. Chúng ta chỉ có thể là hạn chế được trang web "đen" bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người sử dụng nhận thức được cái không hay từ các trang web đó để họ tự tránh.

(Theo Nhà báo và Công luận)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,