Gần 1 năm rưỡi kể từ khi siêu thị di động đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh đi vào hoạt động, tại TP đã có khoảng 10 siêu thị chuyên doanh về di động. Đó là chưa kể tới các siêu thị điện máy cũng bán thêm điện thoại di động.
Kênh phân phối chính
Với số lượng siêu thị đông đảo như vậy, cùng với các hệ thống cửa hàng chuyên doanh của các hãng đã tạo nên một kênh phân phối chính cho hàng chính hãng. Sự ra đời của siêu thị di động đúng thời điểm người dùng đang bị khủng hoảng niềm tin sau vụ nhập lậu di động ở Đông Nam, cộng với mô hình phù hợp với nhu cầu tham quan và mua sắm của người tiêu dùng, nên siêu thị di động đã bước đầu thành công.
Giới thiệu "dế" mới cho khách hàng tại siêu thị di động. |
Đến Siêu thị Phát Tiến Mobilemart trên đường 3/2 vào bất kỳ ngày nào trong tuần, cũng thấy khách ra vào tấp nập. Mặt bằng rộng, bài trí lịch sự, nhưng không tạo nên tâm lý ngại ngùng cho người mua hàng. Tập trung nhiều hãng trong cùng một địa điểm tạo cho người mua cơ hội chỉ cần đến một nơi là có nhiều sự lựa chọn. Không riêng gì siêu thị này, siêu thị Fonemart ở Hoàng Văn Thụ hay Thegioididong ở Nguyễn Đình Chiểu lúc nào cũng tấp nập khách tham quan, mua sắm.
Theo nhận định của giới kinh doanh di động, thời của các cửa hàng nhỏ buôn bán hàng xách tay, trưng bày mô hình mà khi có người mua, phải đợi đi lấy hàng, đã hết. Ông Nguyễn Đức Tài, phụ trách kinh doanh của thegioididong.com phân tích thêm, một khi cánh kéo giá cả giữa hàng chính hãng và hàng xách tay bị thu nhỏ, thì chuyện sang quán, dẹp tiệm là điều dễ hiểu. Thử theo dõi các mẫu quảng cáo sang quán trên tờ Mua và Bán, mỗi ngày có không dưới 15-20 mẫu sang nhượng tiệm bán điện thoại.
Khi giá không còn là lợi thế cạnh tranh
Trong số 10 siêu thị hiện có, chỉ có 4-5 siêu thị đang ăn nên làm ra. Số còn lại cũng phát triển cầm chừng, thậm chí èo uột. Một siêu thị di động lớn trên đường Nguyễn Huệ giờ đã lặng lẽ cuốn cờ, dù đã chọn cái tên mang hàm ý cầu may. Điều này cho thấy, kinh doanh siêu thị chuyên ngành, nhất là hàng hi-tech (công nghệ cao), không chỉ có vốn là đủ.
Ông Trần Tuấn Anh, phụ trách marketing của Phát Tiến Mobimart cho biết, yếu tố tạo nên thành công của siêu thị là địa điểm thuận tiện và quan trọng nhất là phải có đội ngũ bán hàng giỏi tư vấn, phục vụ tận tình. Đúc kết bí quyết thành công của một siêu thị điện thoại, theo ông Tuấn Anh, ngoài yếu tố con người, phải có quy trình kinh doanh tốt và không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ.
Làm một vòng trên net để so sánh giá giữa các siêu thị, giá chênh nhau khoảng 150 ngàn đồng. Theo phân tích của một nhà kinh doanh, đôi khi, giá không phải là yếu tố quyết định. Trong giới vẫn biết rằng, có một siêu thị từng nổi danh về bán giá rẻ, nay đang chuyển sang bán phụ tùng là chính. Ông Nguyễn Đức Tài cho rằng, siêu thị để bán tốt phải tạo được cái riêng.
Cái riêng đó, ở Mobilemart là tận dụng lợi thế về siêu thị đầu tiên, Fonemart dùng thế mạnh của một nhà kinh doanh lâu năm trong ngành, thì thegioididong.com dùng công nghệ thông tin để làm đòn bẩy. Ông Nguyễn Đức Tài cho biết, website được sử dụng như một công cụ cung cấp thông tin, tư vấn cho khách hàng. "Cho nên khách đến siêu thị của chúng tôi thường đã có nhắm một món hàng nào đó" - ông Tài nói. Nhờ vậy, đội ngũ tư vấn ở thegioididong chỉ cần 7 người/ca làm việc là đủ. Bù lại, siêu thị có đội ngũ IT khá đông.
Cách bài trí của một siêu thị cũng là yếu tố góp phần tạo nên sự thành công. Theo các nhà kinh doanh siêu thị, phải làm sao để khách hàng không bị "ngợp" khi vào đó mua hàng. Ở đây, yếu tố tư vấn đóng vai trò quan trọng. Nhưng một nhà kinh doanh lại cho rằng, cách bố trí nhiều nhãn hàng, nhiều nhóm nhân viên cho từng nhãn hàng vô hình chung, khiến khách hàng đã bị áp lực mua bán. Theo ông này, cần tạo môi trường hoàn toàn thoải mái cho khách, để khách tự tìm hiểu và đưa ra quyết định.
Siêu thị có hết thời?
Một năm rưỡi chưa phải là thời gian đủ dài để đánh giá về hiệu quả của mô hình siêu thị ĐTDĐ. Tuy vậy, đã có dấu hiệu cho thấy một số siêu thị đang phải chuyển đổi công năng, số khác thì cầm chừng, trừ vài ba siêu thị "ăn nên làm ra". Điều này cho thấy, kinh doanh siêu thị dạng hi-tech không đơn giản, dù nó đang là một xu thế được người tiêu dùng lựa chọn.
Lý giải về sự có mặt của siêu thị di động, theo ông Nguyễn Đức Tài, là do đặc thù kinh doanh ở Việt Nam. Miếng bánh dịch vụ quá lớn khiến cho các nhà khai thác mạng không quan tâm đến việc trợ giá. Nếu cạnh tranh càng gay gắt, các nhà cung cấp dịch vụ di động sẽ quay sang kinh doanh máy, xem đó là vũ khí cạnh tranh. Trong trường hợp đó, cửa ra cho các siêu thị không phải là lớn như hiện nay.
(Theo Echip M!)