(VietNamNet) - Các con số thống kê của Hội Tin học TP HCM tại hội thảo VietNam ComputerWorld Expo 2005 cho thấy: CNTT Việt Nam mặc dù tăng tốc, song sự phát triển chưa thật sự vững chắc. Trong khi thị trường VN tăng trưởng 33% thì chỉ số sẵn sàng cho nền kinh tế điện tử lại chỉ ở mức thấp nhất (61/64).
Thị trường CNTT: đạt mức tăng trưởng 33%
Hội thảo không chỉ thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong nước mà còn thu hút sự chú ý của những doanh nghiệp nước ngoài. |
Theo Hội tin học TP.HCM, mức độ tăng trưởng thị trường CNTT năm 2004 tăng 33% so với năm 2003, tăng cao nhất từ năm 2001 đến nay và so với mức tăng trưởng toàn cầu 5% thì đây là con số khá ấn tượng.
Giá trị gia công phần mềm xuất khẩu năm 2004 đạt 45 triệu USD, tăng 50% so với năm 2003. Giá trị phần cứng xuất khẩu đạt 760 triệu USD, tuy nhiên xuất khẩu chủ đạo vẫn là các công ty 100% vốn nước ngoài như: Fujitsu, Canon... Doanh thu của các công ty trong nước, đặc biệt là công ty sản xuất máy tính thương thương hiệu Việt Nam (FPT Elead, CMS) tăng với tỷ trọng lớn, tuy nhiên giá trị vẫn chưa cao. Trong số các thương hiệu máy tính Việt Nam chỉ có 2 thương hiệu vượt ngưỡng kinh doanh con số 5 triệu USD/năm và chỉ duy nhất một thương hiệu vượt ngưỡng 10 triệu USD/năm (FPT Elead)
Mặc dù 5 thương hiệu sản xuất máy tính VN vẫn ở top đầu, tuy nhiên đã có sự đổi ngôi giữa thương hiệu máy tính CMS và FPT Elead. Nếu như năm 2002, FPT Elead có thị phần chỉ bằng 1/2 CMS, năm 2003 khoảng cách thu hẹp chỉ còn 2/3 và sang năm 2004, FPT Elead đã vươn lên giành vị trí số 1 với doanh số cao hơn CMS 30%.
Ngoài ra, năm 2004-2005 là năm chứng kiến tốc độ phát triển nhanh của Internet-Viễn thông VN. Sau 12 tháng, số thuê bao Internet tăng 2,38 lần, số người dùng Internet tăng 1,6 lần, nâng tỷ lệ người dùng Internet VN lên 9,1% (cao hơn so với tỷ lệ trung bình châu Á là 8,4%). "Với tốc độ này, trong vòng 6 tháng nữa, VN có thể sẽ đạt mức trung bình của thế giới (13,9%)" TS Lê Trường Tùng, chủ tịch Hội Tin học TP HCM đã nhận xét như trên.
Dung lượng kết nối Internet quốc tế cũng tăng nhanh, gấp 2 lần chỉ trong vòng 12 tháng, từ 1096 Mbps lên 2,035 Mbps. Trong đó, VNPT vẫn dẫn đầu là đầu mối kết chính (1,695 Mbps), sau đó là FPT (310 Mbps) và Viettel (210 Mbps). Hội Tin học TP HCM đã đưa ra so sánh: chỉ riêng dung lượng kết nối của Viettel hiện nay cũng đã bằng toàn bộ băng thông Internet VN vào cuối năm 2003.
Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới: bị tụt hạng
Mặc dù có sự tăng tốc, tuy nhiên theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế thì các chỉ số sẵn sàng cho CNTT của Việt Nam lại đang xuống dốc một cách đáng buồn.
Cụ thể nhất là xếp hạng về Chính phủ Điện tử (CPĐT), báo cáo mới nhất của UNPAN, mạng lưới trực tuyến về hành chính công và tài chính của Liên Hiệp Quốc, công bố tháng vào tháng 2-2005 cho thấy, chỉ số CPĐT trong năm 2004 là 0,338, xếp thứ 112 trên tổng số 119 nước. Điểm số này thấp hơn điểm trung bình (0,43) của 191 nước và tụt 15 bậc so với thứ hạn 97 xếp năm 2003.
Ngoài chỉ số này, các chỉ số như: chỉ số xã hội thông tin (ISI), chỉ số sẵn sàng kết nối (NRI), chỉ số sẵn sàng cho nền kinh tế điện tử (EIU) đều ở vị trí gần thấp nhất. Bao gồm ISI: 52/53, NRI: 68/104, EIU: 61/65.
Riêng về khả năng gia công phần mềm, một ngành công nghiệp được kỳ vọng rất nhiều với doanh thu 45 triệu USD (tăng 150% so với năm 2003) cũng không được Global Opportunity Rank đưa vào danh sách top 20 quốc gia có năng lực. Còn theo tổ chức Future Opportunity Rank Việt Nam chỉ xếp thứ 17/30. Trong Top 30 này, VN được đánh giá cao về tiềm năng của nguồn nhân lực trẻ và các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp phần mềm của chính phủ.
-
Thu Thảo