(VietNamNet) - Sáng nay (30/6), Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Nguyễn Minh Mẫn - thuộc Văn phòng Chính phủ - đã chủ trì cuộc họp ba bên Bộ BCVT, Tổng công ty BCVT Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) xung quanh vụ ''kêu cứu'' của Viettel về việc kết nối tổng đài.
Chia sẻ, cung cấp kênh kết nối để nối mạng thuê bao của VNPT-Viettel! |
Tại đây, đại diện Viettel và Bộ Quốc phòng đã trình bày những khó khăn của Viettel trong quá trình phát triển thuê bao, đặc biệt, là sự khó khăn về nhân lực và thời gian trong việc thỏa thuận kết nối với các địa phương. Hiện Viettel cũng đang từng bước triển khai cáp quang tới một số tỉnh thành, song việc đấu nối với tổng đài nội hạt tại các Bưu điện tỉnh, thành gặp nhiều khó khăn.
Tiếp đó, ông Huy Phúc, Phó trưởng ban Viễn thông, Đại diện VNPT nhấn mạnh, từ khi ký thỏa thuận kết nối vào ngày 1/8/2004 với Viettel tới nay, VNPT luôn cố gắng nỗ lực cung cấp, chia sẻ các kênh, luồng cho Viettel, cũng như với các doanh nghiệp viễn thông khác.
Đại diện cho Văn phòng Chính phủ, các thành viên của Vụ Cải cách hành chính đều tập trung xoay quanh khó khăn thực tế của VNPT và Viettel, mong 2 doanh nghiệp sớm bàn bạc và tháo gỡ, tìm giải pháp khắc phục.
|
Riêng ông Quang, Cục phó Cục Tài chính Doanh nghiệp lại đề nghị tách riêng công ty đường trục ra để quản lý. Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ BCVT) cho biết, sự lo lắng của ông Quang như vậy là không cần thiết, vì Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp viễn thông tự xây dựng mạng đường trục của mình để vừa khai thác, vừa kinh doanh. Và trước mắt, đã có 3 doanh nghiệp được phép triển khai đường trục là VNPT, Viettel và Công ty Viễn thông Điện lực (VP Telecom). Như thế, hiện tại, Việt Nam đã không có chuyện độc quyền khai thác và kinh doanh đường trục từ tháng 12/2003!
Kết luận cuộc họp, ông Mẫn cho rằng: "Vướng mắc về thủ tục hành chính trong vụ việc này là hoàn toàn có thực, tất yếu xảy ra trong quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế. Song VNPT và Viettel cần tăng cường, tích cực rà soát lại các vướng mắc, và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Ngoài ra, tiếp sau đây, Văn phòng Chính phủ cũng sẽ đón nghe thêm ý kiến từ phía các doanh nghiệp viễn thông khác để có được thông tin đầy đủ, toàn diện và trung thực nhất. Rõ ràng, điều này có liên quan tới trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, cụ thể là hai Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ Quốc phòng. Chúng tôi cũng ghi nhận Bộ BCVT và VNPT đã kịp thời, chủ động tháo gỡ vướng mắc bằng cách đề ra một số giải pháp cần thực hiện ngay.
Tôi cũng đề nghị nên xem xét lại việc thực hiện Thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa hai Bộ, theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong điều kiện chưa có sự chỉnh sửa, bổ sung các văn bản quy định pháp luật (Pháp lệnh BCVT, Nghị định 160/2004/NĐ - CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh BCVT về viễn thông và Chỉ thị của Thủ tướng chỉ đạo thực hiện thỏa thuận giữa hai Bộ), các doanh nghiệp phải xem xét, tuân thủ theo quy định hiện hành''.
Sau cuộc họp này, Vụ cũng sẽ sớm báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để xem xét, kết luận và giải quyết vướng mắc giữa hai doanh nghiệp VNPT và Viettel.
-
Hoàng Hùng
Bạn quan tâm theo dõi về sự cố liên mạng Viettel-VNPT và có những ý kiến của mình? Hãy phản hồi về toà soạn VietNamNet theo mẫu sau: