(VietNamNet) - Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) ứng dụng CNTT đều gặp ba thách thức: nhận thức - nhân lực và khả năng cung ứng các sản phẩm và dịch vụ CNTT tốt cho SMEs còn hạn chế.
Ứng dụng CNTT là chìa khoá quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. |
Câu chuyện thứ nhất:
Công ty Cổ phần Kết nối Truyền thông Việt Nam thiết kế website cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhưng lại host ở nước ngoài nên không có hóa đơn mua tên miền. Công ty chỉ có bản xác nhận của Ngân hàng phía Việt Nam về việc đã thanh toán chi phí hosting bằng thẻ. Rắc rối xảy ra khi Chi cục Thuế Hai Bà Trưng nhất quyết không chấp nhận bản xác nhận, bắt buộc phải có hợp đồng hosting mới được thanh toán thuế đầu vào. Công ty đành bó tay chịu trận bởi không thể kiếm được hợp đồng khi ở nước ngoài, thanh toán trực tuyến đã trở thành chuyện thường tình.
Câu chuyện thứ hai: Công ty Thương mại Viễn Đông đã nhiều lần lên mạng mua hàng của các công ty quốc tế, nhưng cũng đã vấp phải những rắc rối đáng bực mình. Các cơ quan thuế và hải quan Việt Nam yêu cầu phải có hợp đồng đã được ký kết chính thức giữa Công ty và đối tác nước ngoài thì mới thanh toán đầu vào, không chấp nhận việc thanh toán bằng thẻ. Trong khi đó, các đối tác quốc tế thông báo không dư sức để ký hợp đồng với từng khách hàng, nhất là khi thực hiện rất nhiều giao dịch hàng ngày.
Câu chuyện thứ ba: Cũng vẫn Công ty Thương mại Viễn Đông, một lần háo hức lên siêu thị ảo của VDC để mua hàng, nhưng 8 tiếng sau khi click vào món hàng muốn mua, phía bán hàng vẫn chẳng có hồi âm về việc hàng còn hay hết. Đến sáng hôm sau, khách hàng mới được thông báo về sản phẩm. Chậm trễ như vậy thì “Thượng đế” nào đủ kiên nhẫn để chờ.
Câu chuyện thứ tư: Nhiều SMEs đã thử kinh doanh bằng phương thức điện tử, nhưng kém hiệu quả. Đối tượng khách hàng chủ yếu nhỏ lẻ vẫn quen thanh toán theo phương thức truyền thống, bởi bản thân khách hàng cũng chưa ứng dụng CNTT và cách thức thanh toán truyền thống xem ra vẫn có hiệu quả kinh tế cao hơn. Tính toán một cách đơn giản, muốn in một hóa đơn bán hàng, cần phải mất ít nhất một tờ giấy, chưa kể chi phí cho điện, hao mòn máy, trong khi đó, chỉ cần hai nghìn đồng đã có thể mua được một quyển phiếu thu, dùng nửa tháng mới hết. Việc thanh toán qua mạng chưa đảm bảo sự an toàn cho doanh nghiệp (cần nhấn mạnh đây là SMEs chứ không phải doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, họ đang rất cần phải bảo toàn vốn để có thể kiếm thêm lãi).
Chỉ vài ví dụ nhỏ trong lĩnh vực kinh doanh điện tử thôi cũng đã thấy còn rất nhiều khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
Rào cản về nhận thức, nhân lực và ứng dụng
Tìm hiểu thêm về những thách thức đối với SMEs trong việc ứng dụng CNTT thì thấy trước hết ở vấn đề nhận thức. Rất nhiều doanh nghiệp khẳng định đã nhận thức rõ về việc ứng dụng CNTT, song thực tế chỉ có số ít hiểu được đầy đủ điều này. “Đầy đủ” nghĩa là phải trả lời được cả 3 câu hỏi: Tại sao phải ứng dụng; ứng dụng cái gì cho phù hợp với đặc thù của mình; ứng dụng như thế nào. Đa phần doanh nghiệp mới trả lời được câu hỏi thứ nhất, dẫn đến tình trạng đầu tư chưa đúng hướng hoặc còn hạn chế - phần lớn chi phí dành cho trang thiết bị, cơ sở hạ tầng chứ chưa chú trọng tới giải pháp, đào tạo.
Thách thức thứ hai – nguồn nhân lực. Chẳng phải giám đốc SMEs nào cũng có trình độ về CNTT và quan tâm đúng mức tới CNTT. Ông Nguyễn Văn Thảo, Tổng Thư ký Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam nói vui “nếu giám đốc mê cầu lông thì phong trào chơi cầu lông ở doanh nghiệp lên rất mạnh. Khi nào giám đốc điều hành công việc bằng CNTT thì lúc đó tự khắc các thành viên trong doanh nghiệp sẽ làm việc bằng công nghệ thông tin”. Thực tế đã được chứng minh, ở Trung tâm Công nghệ Thông tin CDiT, Giám đốc điều hành toàn bộ công việc qua mạng nên từ lái xe đến trưởng phòng đều phải vào mạng để xem mình phải làm việc gì. Tuy nhiên cũng phải xét tới điều kiện đó là những doanh nghiệp lớn, còn với các SMEs, nhiều đơn vị chưa có cả máy fax, giám đốc phải lo từng ngày để trả lương đúng hạn cho nhân viên thì cũng khó nói tới việc ứng dụng CNTT.
Thứ ba – khả năng cung ứng các sản phẩm và dịch vụ CNTT tốt cho SMEs còn hạn chế. Rất dễ tìm phần mềm kế toán nhưng khó tìm được những sản phẩm đặc thù như thiết kế cho ngành may, ngành cầu đường. Chưa kể chất lượng sản phẩm không tốt, giá lại cao so với khả năng của SMEs. Theo một nghiên cứu về thị trường dịch vụ kinh doanh ở Việt Nam, hơn 70% doanh nghiệp ở Việt Nam (trong đó có cả SMEs) không thỏa mãn với các dịch vụ được cung cấp.
Về thực trạng ứng dụng CNTT trong các SMEs, Hiệp hội Các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho biết, trong 132.000 SMEs ở Việt Nam, chỉ có hơn 5.000 doanh nghiệp sử dụng Internet, nghĩa là có tới gần 90% doanh nghiệp đứng ngoài “cuộc chơi” thương mại điện tử. Chưa tới 10% doanh nghiệp có trang web nhưng thông tin chỉ đơn thuần là giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm, ít có giao dịch và thanh toán trực tuyến. Chỉ có 10% doanh nghiệp quan tâm đến thương mại điện tử và khoảng 7–8% doanh nghiệp bắt đầu triển khai mạng thương mại. Kết quả thăm dò ý kiến năm 2002 của Quỹ Phát triển Chương trình Mêkông đối với 100 SMEs ở Việt Nam cho thấy 48% doanh nghiệp sử dụng Internet chỉ để gửi và nhận email, khoảng 33% doanh nghiệp có kết nối Internet nhưng không dùng để hỗ trợ kinh doanh.
Bà Kelly Hutchinson, tư vấn viên của Ủy ban Kinh tế Xã hội Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (UN ESCAP) nhận định: “Các dịch vụ phát triển kinh doanh điện tử trong các SME cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa. Các SMEs sử dụng CNTT như một công cụ để phát triển kinh doanh, đặc biệt là liên hệ với khách hàng nhưng họ thiếu cơ sở vật chất, an ninh, trình độ và các nguồn lực khác để ứng dụng CNTT. Những điều này đã làm cho các SME không thể ứng dụng CNTT để trở thành doanh nghiệp có tính cạnh tranh hơn được”.
-
Minh Huệ