Như VietNamNet đã đưa tin, Bộ Văn hóa - Thông tin, Liên minh Phần mềm các doanh nghiệp (BSA) và Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) đã cùng ký vào lá thư gửi đến hơn 12 ngàn doanh nghiệp kêu gọi tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ phần mềm tại Việt Nam. Các cơ quan, doanh nghiệp đã có động thái gì sau sự kiện này để mau chóng đưa Việt Nam ra khỏi top thế giới về... vi phạm bản quyền phần mềm?
Ông Trần Thế Nam - Giám đốc Công nghệ thông tin Ngân hàng ACB
Phần mềm có bản quyền, dù giảm giá nhưng vẫn chưa được quan tâm nhiều. |
Tôi nghĩ việc Bộ Văn hóa - Thông tin và Hiệp hội Các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam kêu gọi tôn trọng bản quyền phần mềm là đúng đắn, hợp với quy luật phát triển. Đó là xu hướng không thể chối cãi, nhưng vận động như thế nào thì tùy vào hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp. Cần có một lộ trình để các doanh nghiệp tiến tới sử dụng phần mềm có bản quyền. Ngay như ở ngân hàng chúng tôi hiện có 1.500 máy vi tính thì phải ít nhất 3 năm mới giải quyết dứt điểm được. Có những khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải, đó là thói quen, kinh phí, cách thức quản lý... Luật đã cấm nhưng trong thực tế thì chưa có công ty phần mềm nào ra "tối hậu thư" phải dứt điểm trong thời gian nào. Việc thay đổi các phần mềm ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý sản xuất của nhiều doanh nghiệp; do vậy mà tùy vào khả năng tài chính cũng như kỹ thuật mà doanh nghiệp có hình thức thay đổi thích hợp. Trong lộ trình thay đổi, chúng tôi phải gặp gỡ các hãng phần mềm để thương lượng thời gian, giá cả.
Ông Lâm Thế Dũng - Giám đốc Công nghệ thông tin Công ty Dệt Thái Tuấn
Để hội nhập, bắt buộc chúng ta phải tuân thủ các luật chơi trong thương mại quốc tế. Do vậy, tôi cho rằng lời kêu gọi mọi người tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ phần mềm tại Việt Nam chỉ là một lời nhắc nhở thêm để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị; và đã đến lúc các doanh nghiệp cần xem xét đến việc sử dụng phần mềm có bản quyền. Tôi cho rằng thời gian quá độ cho việc tuyên truyền và vận động này có thể kéo dài từ nay đến cuối năm 2006 là thích hợp, phù hợp với lộ trình Việt Nam gia nhập vào WTO.
Ông Bùi Huy Tuấn - Giám đốc Công ty Máy tính Huy Anh TP.HCM
Đi tìm một giải pháp về bản quyền phần mềm cũng vốn là một vấn đề căng thẳng và đau đầu nhất của tập thể Công ty Huy Anh với thương hiệu máy tính Cgroup. Bởi lẽ, muốn bán máy tính thì nhất định máy phải được cài đặt sẵn hệ điều hành, các phần mềm để có thể sử dụng được ngay chứ có ai mang về nhà một chiếc máy tính chỉ toàn phần cứng. Tôi nghĩ để thực hiện đúng vấn đề bản quyền cho các thương hiệu máy tính Việt Nam thì trước mắt rất cần sự hỗ trợ và nhượng bộ về giá của các đại gia trong lĩnh vực phần mềm.
Điều đáng mừng là sau một thời gian đàm phán và thương lượng, Công ty Huy Anh đã thỏa thuận được với Microsoft Việt Nam trong việc cung cấp một dòng máy tính Cgroup Office có hệ điều hành Windows XP có bản quyền hẳn hoi, nhưng giá máy vẫn khá "mềm". Với bước đầu suôn sẻ này, chúng tôi dự tính đàm phán với các nhà cung cấp phần mềm khác về giá cả phần mềm để có thể vừa tuân thủ đúng quy định về bản quyền phần mềm, vừa cung cấp cho người tiêu dùng một giá máy tính hợp lý. Chúng tôi nghĩ việc tuân thủ đúng các quy định về bản quyền phần mềm là điều phải làm để hội nhập với thế giới và tạo được sự tin tưởng an tâm khi đầu tư cho các doanh nghiệp phần mềm trong và ngoài nước. Ngoài ra, chỉ có tuân thủ đúng các quy định về bản quyền mới tạo ra được một môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng.
Ông Đặng Minh Tuấn - Trưởng nhóm Vietkey Group
Đây là sự kiện chúng tôi mong đợi từ lâu. Với sự tham gia của các cơ quan chức năng như Bộ Văn hóa - Thông tin, BSA, VINASA, chúng tôi hy vọng đây sẽ là những bước khởi động cho việc tôn trọng bản quyền phần mềm ở Việt Nam, tạo nên một thói quen mới, ủng hộ và tôn trọng sức lao động trong lĩnh vực phần mềm. Với các sản phẩm nước ngoài, tôn trọng bản quyền phần mềm sẽ giúp cho đối tác nước ngoài tin tưởng và đầu tư nhiều hơn vào thị trường Việt Nam. Sự tự trọng cũng như uy tín của người Việt Nam trong lĩnh vực này cũng sẽ được nâng cao. Với các sản phẩm trong nước, tôn trọng bản quyền là ủng hộ về mặt tinh thần và tài chính cho các đơn vị sản xuất phần mềm, giúp công ty tồn tại...
Ông Phan An Sa - Chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin: Sẽ áp dụng những hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các doanh nghiệp.
Ngoài việc kêu gọi, động viên, khuyến khích các doanh nghiệp không sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền, chúng tôi đang nỗ lực để đưa các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, trong đó có kinh doanh phần mềm máy tính theo đúng pháp luật của Việt Nam và quốc tế. Đây cũng chính là chủ trương của Chính phủ và Bộ Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm phải thi hành để giúp Việt Nam đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là lộ trình trở thành thành viên chính thức của WTO đang đến rất gần. Bộ Văn hóa - Thông tin sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên ngành đẩy mạnh việc thanh tra và sẽ áp dụng những hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các doanh nghiệp còn tiếp tục vi phạm bản quyền phần mềm. |
Tố Tâm-Thiên Long (Thanh Niên)